Từ những bài thơ, bài văn khô khan trong SGK, các em học sinh (HS) Trường THPT Nguyễn Khuyến (Q.10, TP.HCM) đã sân khấu hóa thành đêm biểu diễn văn hóa nghệ thuật với các phần ca, ngâm thơ, hò, bình văn, hoạt cảnh… hấp dẫn, truyền tải nhiều ý nghĩa.
Các em học sinh được nghệ sĩ Kim Lệ hướng dẫn cách sáng tác, ngâm thơ
Sau hơn một học kỳ triển khai, dự án “Đêm nguyên tiêu – Đêm huyền diệu” do nhiều thầy cô và HS Trường THPT Nguyễn Khuyến thực hiện đã khép lại qua buổi báo cáo với không gian lung linh của nến và hoa. Mở đầu là phần phát thanh radio qua lời dẫn trầm ấm, cuốn hút của em Sảm Quốc Hữu (học lớp 10Đ, chủ nhiệm Câu lạc bộ Sáng tác – phê bình của trường). Sau đó là phần ngâm thơ Hàn Mặc Tử của em Trúc Quỳnh cùng bài hát “Fly to me the moon” của một số HS khác. Tiếp tục, mọi người được nghe nguồn gốc cũng như việc khôi phục lại vẻ đẹp của đêm bình trăng – nguyên tiêu, đồng thời được thưởng thức tiết mục “Duyên âm” do hai HS Yến Thanh và Tường Vi biểu diễn. Buổi báo cáo chính thức bắt đầu với phần 1: Trăng – vẻ đẹp muôn đời của thi ca với những lời bình trữ tình, êm dịu. Người dẫn chuyện đưa HS trở về với tuổi thơ qua truyện ngắn “Mùa hè đầu tiên” của HS Hồng Tố Yên. Trong không gian lãng mạn ấy, phần 2 được nối tiếp: Trăng – tri kỷ của con người với “Điệu hò trăng”, lời thơ của tác giả Phương Thảo qua giọng ngâm của hai HS Trúc Quỳnh và Tường Vi. Từ vẻ đẹp huyền bí của ánh trăng quê ấy, người dẫn chuyện đưa bạn bè và thầy cô đến con thuyền lênh đênh, ảo mộng trong lời bình của tác giả Quế Anh về tác phẩm “Ánh trăng” của Natsuki Mamiya và phần đọc thơ “Ném trăng” của Hồng Tố Yên. Phần 3: Trăng – biểu tượng của tình cảm con người với tình cảm gia đình được thể hiện qua vở kịch “Gia tài của mẹ” và ca khúc “Thằng cuội” do Trúc Quỳnh và Mai Anh thể hiện kết thúc buổi báo cáo.
Buổi biểu diễn tuy diễn ra đơn giản nhưng ít nhiều giúp HS phát huy khả năng sáng tác, phê bình, biên tập, thiết kế, trình bày ý tưởng, viết kịch bản sân khấu…, tạo môi trường học tập năng động, vận dụng các lý thuyết được học vào thực tiễn cuộc sống. Bên cạnh đó, dự án còn định hướng cho HS những khả năng nghề nghiệp tương lai như nhà văn, nhà thơ, biên tập viên truyền thông – truyền hình, tổ chức sự kiện, ca sĩ, diễn viên… Theo các thành viên thực hiện dự án, sau một học kỳ triển khai với những hoạt động học tập, tìm hiểu thông tin, giao lưu với nhà văn, nghệ sĩ, dự án đã có những thành quả đáng tự hào: sáng tác 4 truyện ngắn, 9 bài thơ, 5 bài bình tác phẩm văn học trong và ngoài nước; các bảng báo tường gắn với các sự kiện: Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, Mừng xuân 2020, tìm hiểu và phòng chống dịch Covid-19, các sản phẩm giấy cũng như mạng xã hội; tổ chức sự kiện giao lưu nhà văn, tìm hiểu nghệ thuật ngâm thơ; 5 tiết mục ca hát, diễn 2 vở kịch, ngâm 1 bài thơ, 1 bài hò… Đặc biệt, các sáng tác trong dự án sẽ được chọn lọc và in thành tuyển tập tác phẩm “Trăng”.
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)