Còn khoảng hơn 2 tuần nữa, học sinh (HS) khối lớp 9 trên địa bàn cả nước sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10, năm học 2020-2021. Để có một kỳ thi đạt kết quả tốt, HS đang tăng tốc luyện thi cả ở trường lẫn ở nhà, cũng như các trung tâm…
Cô trò lớp 9/3, Trường THCS Bàn Cờ trong giờ ôn tập ngữ văn. Ảnh: Đ.Lan
TP.HCM: HS ùn ùn vào trung tâm luyện thi
Tại cơ sở luyện thi trên đường Trần Hưng Đạo (P.2, Q.5), mỗi tối từ thứ hai đến thứ bảy hàng tuần đều diễn ra 2 ca luyện thi vào lớp 10. Ca 1 từ 17 giờ 45 đến 19 giờ 45 và ca 2 từ 19 giờ 30 đến 21 giờ. Không ít HS đến luyện thi ngay sau giờ học chính khóa trên trường.
Hoàng Nam – HS lớp 9 Trường THCS Trần Quốc Tuấn (Q.7) đều đặn các tối thứ ba, năm, bảy đạp xe đến cơ sở này luyện thi môn toán vào ca 2, sau khi đã học thêm môn tiếng Anh ở nơi khác. “Dù khá mệt vì học nhiều nhưng em phải cố gắng do kỳ thi sắp diễn ra. Nếu em không cố gắng thì khó có cơ hội trúng tuyển vào lớp 10 công lập”, Nam chia sẻ.
Được biết, Nam đăng ký nguyện vọng (NV) 1 vào Trường THPT Hùng Vương, NV 2 vào Trường THPT Lê Thánh Tôn.
HS tan ca luyện thi 10 tại một cơ sở trên đường Trần Hưng Đạo (Q.5, TP.HCM). Ảnh: M.Phương
Hồng Phương – HS lớp 9 Trường THCS Colette (Q.3) đăng ký NV 1 vào Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, NV 2 vào Trường THPT Marie Curie. Đây là những trường có tỷ lệ chọi cao nên Phương được ba mẹ đăng ký luyện thi môn tiếng Anh tại cơ sở này dù học lực trên lớp luôn đạt loại giỏi.
“Tại đây, ngoài việc giải các bài tập nâng cao, kỹ năng làm bài, em còn được giải nhiều dạng đề thi, xem như là em đang trải nghiệm kỳ thi thử giúp bản thân tự tin hơn khi bước vào kỳ thi chính thức”, Phương nói.
Theo kế hoạch phân luồng sau THCS, mỗi năm TP.HCM tuyển sinh khoảng 70% HS vào lớp 10 THPT công lập, như vậy sẽ có khoảng 30% HS rớt khỏi kỳ thi này. Năm học 2020-2021, các trường THPT công lập trên địa bàn TP sẽ tuyển khoảng 66.500 HS vào lớp 10 công lập, so với năm học trước là 67.300 HS. Như vậy tổng chỉ tiêu ít hơn khoảng 800 HS, đồng nghĩa với việc giành tấm vé vào lớp 10 công lập càng gay gắt. Đây là lý do không ít lớp luyện thi được mở ra hàng năm nhằm đáp ứng nhu cầu luyện thi của HS.
Nói về kỳ thi, ông Nguyễn Văn Hiếu – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – từng chia sẻ, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến thời gian học tập của HS nhưng không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm 2020. Cấu trúc đề thi không thay đổi, nội dung thi tuyển thực hiện trong phạm vi chương trình THCS do Bộ GD-ĐT ban hành, chủ yếu ở lớp 9. Và đây là kỳ thi tuyển sinh nên sẽ có những câu hỏi phân hóa trình độ HS để chọn lựa thí sinh.
“Để làm bài tốt, các em HS cần ôn tập kiến thức một cách hệ thống, nắm chắc kiến thức và kỹ năng giải quyết vấn đề trong chương trình. Không học tủ, không học vẹt vì đề thi luôn ra theo hướng đọc hiểu từng nội dung”, ông Hiếu cho biết.
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập TP.HCM năm 2020 diễn ra ngày 16 và 17-7.
Học trực tiếp và ôn trực tuyến
254 HS khối 9 của Trường THCS Bàn Cờ (Q.3, TP.HCM) sẽ có gần 3 tuần để ôn tập tuyển sinh 10. Trong đó, việc ôn tập sẽ được duy trì vào cả ngày thứ bảy và được thực hiện 2 buổi/ ngày với sáng 4 tiết, chiều 2-3 tiết. Giáo viên các tổ bộ môn trong 3 môn thi tuyển sinh 10 (toán, văn, tiếng Anh) sẽ sắp xếp việc học theo nhóm, phát thêm tài liệu nâng cao tùy theo đối tượng HS.
Theo cô Đỗ Thị Ngọc Hải – Phó Hiệu trưởng nhà trường, năm nay trường đặc biệt xoáy sâu ôn tập môn toán cho HS, nhất là các dạng toán thực tế. Những năm gần đây, việc ra đề thi theo hướng mở thường khiến HS gặp khó bởi đề bài dài. Tổ toán sẽ xây dựng đề cương ôn tập theo từng lớp, làm sao để HS làm quen, nắm chắc phương pháp làm các dạng bài cơ bản, không bị động khi gặp các bài tập trúc trắc. Đồng thời, tùy theo giáo viên từng bộ môn, việc kết hợp giữa học trực tiếp và ôn tập trực tuyến được duy trì.
Cô Hàng Yến Loan – giáo viên ngữ văn, Trường THCS Bàn Cờ – cho hay, việc ôn tập cho HS khối 9 ở bộ môn văn bằng cách củng cố lại kiến thức trọng tâm trong suốt cả năm học. Cạnh đó, giáo viên sẽ tích hợp những kiến thức ở các bộ môn khác như sử, địa, GDCD, kiến thức xã hội trong quá trình ôn tập, nhằm trang bị cho HS những hiểu biết nhất định về vấn đề xung quanh đời sống của các em. Việc giao bài và sửa bài cũng được tăng cường thông qua hình thức trực tuyến để nâng cao kiến thức cho HS.
Theo kế hoạch HS khối 9 Trường THCS Lữ Gia (Q.11, TP.HCM) sẽ có khoảng 2 tuần để ôn tập tuyển sinh 10 bằng việc tăng cường thời lượng các môn thi tuyển sinh, nhất là vào thời gian buổi 2. Thầy Bùi Thành Đức – Phó Hiệu trưởng nhà trường – cho biết, trong suốt thời gian ôn tập, bên cạnh củng cố kiến thức, HS sẽ được làm các dạng đề do các tổ bộ môn biên soạn bám sát với ma trận đề thi tuyển sinh 10. Trong 3 môn thi tuyển sinh, HS có thể tương tác thêm với giáo viên thông qua mạng xã hội để tăng cường kiến thức – đây là hình thức luôn được nhà trường khuyến khích. Để việc ôn tập được hiệu quả, giáo viên bộ môn sẽ “phân loại” từng đối tượng HS.
“Trong khoảng thời gian ít ỏi, bên cạnh việc dạy, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn luôn động viên các em học tập. Đồng thời tiếp tục làm công tác tư tưởng cho phụ huynh để không… ép con em đi học thêm quá nhiều, sẽ tạo thêm áp lực cho HS. Phụ huynh cần căn cứ vào năng lực học tập của con em mình để đồng hành cùng các em xây dựng một kế hoạch ôn tập khoa học, quan trọng nhất là khả năng tự học của các em trong thời điểm này”, thầy Đức bày tỏ.
Miền Trung: Nhiều HS thuê gia sư về dạy
Mặc dù các trường THCS ở Đà Nẵng đều tổ chức các tiết dạy tăng cường để hỗ trợ HS nắm kiến thức nhằm đạt kết quả tốt ở kỳ tuyển sinh lớp 10, tuy nhiên vẫn có những HS học thêm với gia sư.
Em Thùy Duyên – HS Trường THCS Tây Sơn (Q.Hải Châu) – chia sẻ: “Ngoài học tăng cường ở trường, em học ở nhà với gia sư để củng cố thêm kiến thức. Học với gia sư, em có điều kiện được hướng dẫn luyện tập thêm nhiều dạng đề để thuần thục hơn. Mục tiêu của em là thi vào Trường THPT Nguyễn Hiền. Em chọn trường theo khả năng của mình nên không thấy áp lực lắm. Em nghĩ quan trọng là mình sắp xếp thời gian biểu phù hợp để học đều các môn dự thi”.
Có con đang là HS lớp 9, chị Thùy Trang ở Q.Sơn Trà cho biết, ở trường được học tăng cường, giáo viên dạy đầy đủ nội dung chương trình nên phụ huynh rất yên tâm. Việc cho cháu học thêm môn toán với gia sư là nhằm giúp cháu củng cố thêm kiến thức, làm thêm nhiều bài tập để quen với các dạng đề, có phản ứng nhanh khi làm bài thi môn toán.
HS lớp 9 tại TP.Huế. Ảnh: H.Giang
Thầy Nguyễn Đức Tú Anh – Hiệu trưởng Trường THCS Tây Sơn – cho biết: “Với kế hoạch học tăng cường, các giáo viên đều hướng cho HS ôn tập một cách kỹ nhất nội dung chương trình SGK và nội dung giới hạn ôn tập của Sở GD-ĐT nên phần lớn phụ huynh và HS đều rất an tâm. Chỉ một số ít HS có gia sư riêng học ở nhà thì không đăng ký học tăng cường ở trường”.
Năm học 2020-2021, TP.Huế là địa phương duy nhất của tỉnh Thừa Thiên – Huế thực hiện thi tuyển sinh lớp 10. Do tình hình dịch Covid-19, thời gian tổng kết năm học khá sát với ngày thi tuyển sinh lớp 10 nên các trường THCS đều không tổ chức ôn tập tăng cường. Nhiều HS để củng cố kiến thức đều tìm đến các trung tâm để học thêm.
Em Công Nguyên (P.Vỹ Dạ, TP.Huế) cho biết: “Em học thêm 2 môn toán và tiếng Anh. Gia sư dạy thêm đều bám sát nội dung SGK và giới hạn chương trình của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT để ra đề cho em làm thử. Học thêm em cũng khá an tâm vì thường xuyên được hướng dẫn, luyện tập các dạng đề. Trước đây em định thi vào Trường THPT Hai Bà Trưng nhưng sau khi cân nhắc thấy môn văn em học chưa thực sự tốt nên em chọn thi vào Trường THPT Nguyễn Trường Tộ”.
Em Uyển Nhi, HS dự thi tuyển lớp 10 vào Trường THPT Nguyễn Huệ cũng cho biết: “Em học thêm 2 môn toán và tiếng Anh để rèn luyện thêm các dạng đề, nắm thêm kiến thức cho chắc chắn. Em thấy việc học thêm hai môn này là cần thiết để không bị hổng và quên kiến thức. Đó cũng là cách chọn điểm rơi để mình có một kỳ thi đạt kết quả tốt. Em có định hướng và xác định mục tiêu sẵn nên không thấy áp lực và lo lắng”.
Thầy Nguyễn Tân – Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên – Huế – cho biết, theo kế hoạch tuyển sinh đầu cấp THPT, chỉ TP.Huế có lượng HS tương đối lớn nên tổ chức thi tuyển song song với xét tuyển để các trường đảm bảo chất lượng đầu vào. Riêng các huyện, thị khác do số lượng HS tương đối ít, sau khi định hướng phân luồng ở bậc THCS thì đủ đảm bảo chỉ tiêu vào các trường THPT nên không tổ chức thi tuyển. Năm học 2020-2021, toàn tỉnh tuyển sinh gần 13.500 chỉ tiêu vào 36 trường THPT trên toàn tỉnh.
Cần Thơ: HS ôn thi ở trường là chính
Trường THCS An Hòa 2 (Q.Ninh Kiều) có 7 lớp 9 với 286 HS. Cô Phan Cẩm Tùng – Phó Hiệu trưởng trường – cho biết: Trường nằm ở ngoại ô, nhiều HS là con em người lao động nghèo nên nếu không vào được trường công, các em có thể phải nghỉ học. Theo đó trường tập trung đảm bảo cho các em nắm được kiến thức cơ bản từ lớp 6, không để những HS chưa đạt chuẩn kiến thức cơ bản được lên lớp. Đối với khối lớp 9, từ đầu năm học trường tăng tiết các môn thi tuyển sinh (toán, Anh văn, ngữ văn). Các tổ bộ môn lập kế hoạch dạy theo chủ đề, kết hợp ôn tập cho HS, tăng cường cho HS làm bài kiểm tra. Những giáo viên dạy lớp 9 phải phân loại HS giỏi, khá và trung bình để dạy sát năng lực các em. Đối với HS giỏi, cho các em làm các bài tập nâng cao. HS trung bình yếu thì cố gắng giúp các em đạt điểm 5. Trường cũng tư vấn, hướng dẫn HS chọn trường THPT đăng ký theo năng lực; tư vấn cũng như cho phụ huynh biết lực học của con để không ép con đăng ký vào các trường top trên. Sau thi học kỳ II trường tiếp tục ôn tập cho HS đến sát ngày thi tuyển sinh lớp 10.
“Từ kết quả thi học kỳ II, trường sẽ phân loại HS để ôn tập những môn các em còn yếu theo trình độ mỗi em. Dạy thêm ngoài giờ cho những HS yếu. Từ đây đến khi thi tuyển sinh trường sẽ tổ chức cho HS thi thử. Ngoài ra trường sẽ theo dõi trang tuyển sinh của Sở GD-ĐT, nếu trường nào có quá nhiều thí sinh đăng ký thì sẽ tư vấn HS của trường chọn trường THPT khác để tăng khả năng trúng tuyển cho các em. Công tác ôn tập, tư vấn đều trích từ quỹ hoạt động của trường, phụ huynh không phải đóng góp gì” – cô Tùng nhấn mạnh.
Tại Trường THCS Lương Thế Vinh (Q.Ninh Kiều), từ đầu năm học, trường tăng 2 tiết/tuần cho các môn thi, trong đó những buổi tăng tiết, thầy cô giáo hướng dẫn HS làm nhiều bài tập, giải đề thi tuyển sinh các năm trước. Cô Phan Thị Anh – dạy môn ngữ văn – cho biết: Tổ ngữ văn thống nhất tập trung dạy HS nhận biết cấu trúc các dạng đề và giải đề, bồi dưỡng HS kỹ năng viết đoạn văn, cách làm các đoạn văn đọc – hiểu. Các thầy cô đã quay clip về phương pháp làm văn nghị luận văn học, nghị luận xã hội để HS rèn kỹ năng qua online, hoặc qua Facebook…
Cô Trần Thị Thanh Hà – Tổ trưởng Tổ toán tin – cũng cho biết: Các thầy cô Tổ toán ngoài việc in các đề toán cho HS làm, còn tận dụng CNTT để dạy và ôn tập cho HS. Nhiều HS làm bài tập ở nhà, bài nào giải không ra thì chụp hình rồi gửi Zalo cho thầy cô nhờ hướng dẫn…
Nhiều hướng đi mở… sau tuyển sinh 10 Năm học 2020-2021, dự kiến TP.HCM sẽ có khoảng hơn 29 ngàn HS khối 9 “rớt” kỳ tuyển sinh 10. Trừ một bộ phận rất nhỏ HS yếu, kém “tự nguyện” phân luồng, rẽ sang các hướng như học nghề, học GDTX trước kỳ thi tuyển sinh 10, đa phần HS khối 9 đăng ký dự thi. Theo các trường THCS, bên cạnh việc ôn tuyển sinh 10, nhà trường luôn phải song hành cùng với việc “tiếp tục phân luồng cho HS hậu tuyển sinh 10”, để HS, phụ huynh có sự chủ động trong mọi tình huống. “Theo dõi năng lực học tập của từng đối tượng HS, đưa ra các hướng đi phù hợp với năng lực học tập, điều kiện gia đình các em. Bên cạnh đó, nhà trường luôn động viên các em nỗ lực, cố gắng hết mình. Song vẫn chia sẻ với các em rằng, con đường vào lớp 10 THPT công lập không phải là con đường duy nhất để các em có sự chuẩn bị tinh thần, không mặc cảm với các hướng đi mà mình chọn sau này…”, cô Nguyễn Thị Thu Hằng – Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản, Q.2 – chia sẻ. Mùa tuyển sinh năm 2020, Trung tâm GDNN-GDTX Tân Bình dự kiến tuyển 7 lớp 10, đa dạng theo nhiều loại hình học tập, như lớp buổi sáng, buổi chiều và buổi tối. Ngoài các lớp vừa học chương trình GDTX, vừa học trung cấp nghề được nhiều phụ huynh lựa chọn; năm nay trung tâm dự định sẽ mở thêm các lớp học nghề ngắn hạn, tính ứng dụng cao, thời gian học tập ngắn, tạo điều kiện cho học viên đăng ký học khi có nhu cầu. Trung tâm cũng dự kiến đưa tiếng Nhật vào giảng dạy bên cạnh các bộ môn tăng cường khác là tin học, tiếng Anh TOEIC. Cô Phạm Thị Thúy Nhài – Phó Giám đốc trung tâm – cho biết, hiện tại trung tâm đã nhận được vài chục bộ hồ sơ. Thậm chí nhiều phụ huynh đã tới đây tham quan cơ sở vật chất. “Với lợi thế chương trình học tương đương như bậc THPT nhưng học ít môn hơn, việc đổi mới giảng dạy, nghiên cứu khoa học luôn được tiệm cận với các trường THPT, môi trường GDTX sẽ trao cho HS thời gian để các em đầu tư nhiều hơn trong rèn luyện kỹ năng, kiến thức. Chỉ cần người học có quyết tâm thì môi trường nào các em cũng dễ dàng thành công. Học viên trung tâm có nhiều em đậu ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Bách khoa, ĐH Luật…”, cô Nhài nói. Những năm gần đây, hệ thống các trường THPT ngoài công lập tại TP.HCM cũng rất rộng mở. Được đầu tư về cơ sở vật chất, chú trọng đến chất lượng giảng dạy để “giữ chân” người học, môi trường THPT ngoài công lập cũng là một sự lựa chọn để HS tham khảo hướng đi sau tuyển sinh 10. Ngoài ra, các trường THPT ngoài công lập cũng xây dựng hệ bán trú, nội trú…, phù hợp để phụ huynh HS lựa chọn theo nhu cầu. Đỗ Lan |
Trường THCS An Thới (Q.Bình Thủy) có 442 HS khối 9. Cô Nguyễn Thị Nga – Phó Hiệu trưởng nhà trường – thông tin: Sau kỳ thi học kỳ II, trường cho HS đăng ký học các môn toán, ngữ văn, Anh văn và ôn luyện đến sát ngày thi. Dù cạnh trường có những trung tâm luyện thi vào lớp 10 nhưng 100% HS vẫn đăng ký học tại trường. Trong ôn tập, thầy cô giáo cho HS làm nhiều dạng đề, bám sát hình thức cho đề của Sở GD-ĐT, quan tâm nhiều hơn đến những HS trung bình yếu. Gần ngày thi, trường sẽ tổ chức cho HS thi thử để đánh giá sự tiến bộ của các em.
Q.Cái Răng có 5 trường THCS với tổng số HS khối lớp 9 là 1.186 em, trong đó 73% sẽ vào 2 trường THPT công lập. Ông Trần Ngọc Lĩnh – Trưởng phòng GD-ĐT quận – cho biết: Từ đầu năm học, Phòng GD-ĐT đã chỉ đạo các trường THCS xây dựng kế hoạch ôn tập cho HS, tăng tiết các môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ, đẩy mạnh công tác tư vấn để HS chọn trường vừa sức. Sau khi có kết quả thi học kỳ II, căn cứ theo số điểm của từng môn, các trường sẽ điều chỉnh kế hoạch ôn tập, phân loại HS và tăng tiết dạy những môn có nhiều HS điểm kém cũng như tổ chức phụ đạo riêng số HS yếu.
Phương – Lan – Giang – Đan
Bình luận (0)