Năm 2020, TP.HCM xác định chủ đề năm “Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”. Theo các chuyên gia, để xây dựng TP văn hóa (VH) thì cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động GD VH dân tộc ngay từ trong nhà trường và có sự kết hợp cả xã hội, gia đình.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nói về xây dựng TP văn hóa
Bỏ quên văn hóa, bi kịch xã hội sẽ xảy ra
PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng – nguyên Hiệu trưởng Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM – cho biết, trung tâm VH dân tộc, VH địa phương vẫn là yếu tố con người. Nói đến vai trò xây dựng TP VH nhất thiết phải nói đến tính chất VH con người TP.HCM. Việc xây dựng TP VH thực chất là những hoạt động chủ động làm cho định hướng GD “chân – thiện – mỹ” được hiện thực hóa và phát huy, áp dụng trong đời sống. Điểm tựa đầu tiên xây dựng TP VH là giữ gìn, phát huy tốt bản sắc VH dân tộc, địa phương; từ đó tạo ra bộ lọc và động lực để trong quá trình tiếp thu tinh hoa VH nhân loại, chúng ta có thể xây dựng phát triển nền VH dân tộc theo những quan điểm hiện nay. Xây dựng TP VH cần thực hiện một số mục tiêu lớn, trong đó có mục tiêu xây dựng chủ thể VH và đời sống VH tổng thể của TP. Tức là xây dựng con người VH, nếp sống VH, môi trường VH và thực chất là việc đẩy mạnh hơn nữa hoạt động GD VH dân tộc ngay từ trong nhà trường và có sự kết hợp cả xã hội, gia đình.
Mặt khác, “về nguyên tắc, VH phải có quá trình tích lũy từ ít đến nhiều, từ thấp lên cao. Ngoài nỗ lực tự thân con người thì VH có thể kế thừa. Muốn mục tiêu được thực hiện hiệu quả, trước hết Đảng, chính quyền TP phải quan tâm cụ thể, sâu sắc hơn nữa trong chỉ đạo đầu tư, quản lý, xây dựng phát triển VH ngang tầm với phát triển kinh tế. Bởi nếu phát triển kinh tế mà bỏ quên VH thì bi kịch xã hội sẽ xảy ra”, ông Thắng góp ý thêm.
Bà Phùng Thị Diệu Hương – Phó Bí thư Thường trực Ban cán sự Đoàn ĐH Quốc gia TP.HCM – khẳng định, chính vai trò của cấp bộ Đảng, lãnh đạo TP cũng như các tổ chức đoàn thể sẽ tạo điều kiện cho thanh niên hiện nay phát huy được vai trò của mình. Nếu nhìn nhận ở góc độ tổng quan thì đại bộ phận thanh niên có nhìn nhận chính trị đúng đắn, có tinh thần yêu nước, tiếp cận nhanh với tri thức, không ngừng sáng tạo, khát vọng vươn lên. Thanh niên hiện nay cũng có tính hướng ngoại và tính năng động, rất dễ tiếp thu trào lưu mới, ưa sự thay đổi, dịch chuyển. Nếu không có nền tảng VH cơ bản, vững vàng thì khi tiếp xúc với những giá trị VH mới sẽ cảm thấy VH truyền thống trở nên lạc hậu, có thể kiềm chế sự phát triển bản thân, có những suy nghĩ, hành động lệch lạc trong hành động của mình. Mặt khác, trước sự bùng nổ của game show, các trào lưu đề cao cái tôi cá nhân trên phương tiện truyền thông một mặt giải phóng vai trò cá nhân của thanh niên nhưng mặt khác cũng dẫn dắt các bạn đến một chủ nghĩa cá nhân cực đoan, đôi khi là ích kỷ, vô cảm hay thiếu ý thức trách nhiệm.
“Thanh niên hiện nay cần sống trong không gian VH có sự tương tác liên cá thể, trong đó mỗi cá thể sẽ thể hiện bản sắc riêng của mình. Hoạt động của các tổ chức đoàn thể sẽ góp phần tạo ra những môi trường bài bản, phù hợp, sinh động hơn để phát huy được vai trò của thanh niên và chính thanh niên là những người lan tỏa điều tích cực đó trong xã hội”, bà Hương cho biết.
Xây dựng TP văn hóa từ trong trường học
Đây là gợi ý của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân. Ông cho rằng, sức mạnh quốc gia không chỉ đo bằng sức mạnh kinh tế, giá trị vật chất mà còn bằng sức mạnh VH. Trong cuộc sống, VH là tiền đề để cộng đồng phát triển ổn định, bền vững, tạo nên sức mạnh dân tộc khi đối đầu với các thách thức và vượt qua thách thức. VH còn là nền tảng hạnh phúc của cá nhân và gia đình. Nếu không quan tâm đầy đủ về duy trì yếu tố VH, mất cân bằng kinh tế thì có nguy cơ xảy ra các tệ nạn xã hội.
TP.HCM vừa mang đặc điểm VH Nam bộ gắn đô thị hóa, vừa có yếu tố nước ngoài. Phát triển VH – xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, làm nền tảng cho TP phát triển bền vững là một trong các giải pháp được TP.HCM hết sức quan tâm. Đây còn là giải pháp xây dựng TP thông minh, phát triển nhanh, bền vững, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.
Ông Nhân nhấn mạnh, nếu coi VH là nền tảng và trụ cột của đất nước và TP thì phải dành tỷ lệ ngân sách cố định cho hoạt động VH giống như ngân sách dành cho GD, khoa học, công nghệ. Đầu tư VH là đầu tư lâu dài mang lại hiệu quả cao, tránh được suy thoái của dân tộc về VH. Theo đó phải đưa GD VH dân tộc vào trong trường học. GD VH phải từ HS phổ thông, thậm chí từ trẻ mầm non. Không đưa VH dân tộc vào trường phổ thông thì lớn lên giới trẻ sẽ không có nhu cầu vì nhu cầu xã hội luôn hình thành trước 20 tuổi. Ngay bây giờ phải xem lại mỗi năm chương trình phổ thông có bao nhiêu tiết học nói về VH nghệ thuật dân tộc, từ đó thiết kế cho phù hợp để đưa vào giảng dạy trong nhà trường. Đồng thời, rà soát và tiếp tục thực hiện các hoạt động thực hành nghệ thuật dân gian địa phương trong trường học; chăm sóc các di tích VH, nghĩa trang liệt sĩ.
Về đào tạo nguồn lực, cần có trường phổ thông năng khiếu VH nghệ thuật Hồ Chí Minh để các em HS vừa học VH bình thường, vừa được bồi dưỡng VH nghệ thuật.
Bài, ảnh: Nguyễn Trinh
Bình luận (0)