Hoạt động hướng nghiệp (HN) tại các trường THCS trên địa bàn TP.HCM vài năm nay đã có nhiều khởi sắc. Đó không chỉ đơn thuần là HN để phân luồng mà nhiều trường học đã mạnh dạn HN với mục đích trang bị hiểu biết ngành nghề cho HS. Chính việc đổi mới HN đã tạo ra “hệ sinh thái” trong định hướng ngành nghề cho HS ở bậc THPT.
Học sinh khối 9 Trường THCS Minh Đức (Q.1) tham gia trải nghiệm thực hành ngành nghề bếp tại một trường trung cấp
Hướng nghiệp gắn với ngành nghề địa phương
Với mong muốn mở rộng cơ hội trải nghiệm và tiếp cận đa dạng ngành nghề cho HS, năm học này Trường THCS Minh Đức (Q.1) đã thực hiện đổi mới công tác HN cho HS khối 9. Theo đó, ngay từ đầu năm, những tiết HN tập trung đã được nhà trường sinh động hóa thành những tiết trải nghiệm ở từng lĩnh vực ngành nghề cụ thể gắn lý thuyết với thực hành.
“Xuyên suốt học kỳ I, các ngành nghề HS trải nghiệm (bao gồm: Quản trị du lịch, hướng dẫn viên du lịch, quản trị dịch vụ giải trí, tổ chức sự kiện, nghề bếp), được nhà trường cân nhắc dựa trên chính đặc thù của địa phương mà cụ thể là Q.1 với lợi thế về phát triển du lịch dịch vụ. Ở mỗi ngành nghề, HS trải nghiệm theo nhiều nhóm nhỏ, đảm bảo việc HN đi vào thực chất và hiệu quả. GD HN gắn với địa phương sẽ giúp các em hiểu hơn về tình hình kinh tế, nhu cầu việc làm của địa phương mình, định hướng sâu đến việc chọn ngành nghề của các em sau này”, cô Trần Thúy An – Hiệu trưởng nhà trường – chia sẻ.
Điểm mới trong chương trình HN lần này là các chuyên đề được phân chia với từng báo cáo viên riêng biệt, là các chuyên gia am hiểu về chính ngành nghề đó. Bên cạnh trải nghiệm tại trường, đối với ngành đặc thù, HS được tham quan thực tế tại trường trung cấp. Bước sang học kỳ II, việc HN sẽ được nhà trường thiết kế với sự tham gia “đứng lớp” trực tiếp của phụ huynh HS.
“HN cho HS cuối cấp THCS không phải chỉ mang mục đích phân luồng. Tại trường, hàng năm số HS khối 9 chủ động phân luồng sau khi HN mà không tham gia thi tuyển sinh 10 chỉ chiếm khoảng 10% (tương đương 37-40 HS). Điều quan trọng nhất mà nhà trường muốn hướng tới khi thực hiện đổi mới hoạt động HN đó là trang bị cho HS những hiểu biết cơ bản về các ngành nghề, trao cho các em cái nhìn khách quan bao quát nhất về ngành nghề; từ đó hỗ trợ các em chọn lựa đúng ngành nghề sau này…”, cô An bày tỏ.
Cũng với quan điểm tạo cơ hội để HS cuối cấp được trải nghiệm các ngành nghề từ sớm, hoạt động HN của Trường THCS Trần Quốc Toản (Q.2) được mở ra với nhiều lối đi mới gắn với kế hoạch GD của trường.
“Không chờ đến khi làm hồ sơ tuyển sinh 10 thì HS khối 9 mới được tư vấn HN. Hoạt động này được nhà trường lồng ghép trong chính các hoạt động GD trải nghiệm xuyên suốt trong năm học. Điểm đến các hoạt động GD trải nghiệm của HS cuối cấp thường là về các ngành nghề nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, cơ khí, thiết kế… Song song đó, các tiết học HN cho HS khối 9 cũng được nhà trường chủ động qua việc mời chuyên gia về chia sẻ, thậm chí là phụ huynh trực tiếp chia sẻ”, cô Nguyễn Thị Thu Hằng – Hiệu trưởng nhà trường – cho hay.
Theo cô Hằng, khi HS được tiếp cận từ sớm các ngành nghề sẽ giúp các em hình thành cái nhìn thực tế, bao quát, khách quan, tác động trực tiếp đến định hướng nghề nghiệp sau này.
“Nếu chỉ nhìn nhận HN bậc THCS là để HS phân luồng thì còn rất hạn chế. Bởi, trên thực tế tác động của hoạt động này đến nhận thức ngành nghề của HS là rất lớn. Xa hơn việc phân luồng đó là tạo ra được hệ sinh thái trong HN cho HS, giúp các em định hướng được ngành nghề phù hợp với bản thân; từ đó xây dựng được kế hoạch học tập phù hợp ngay cả khi các em bước lên các bậc học tiếp theo…”, cô Hằng nhấn mạnh.
Không phải “hớt váng ao bèo”
Lâu nay hoạt động HN cho HS cuối cấp tại các trường THCS thường chỉ được nhìn nhận và triển khai căn cứ vào đối tượng HS. Cách thức triển khai tại hầu hết các đơn vị thường là tổ chức tập trung, theo hình thức ngày hội và chủ yếu làm vào thời điểm “cận kề” tuyển sinh 10. Thậm chí, ở nhiều đơn vị, quan điểm của hiệu trưởng còn khá “bảo thủ” khi cho rằng chỉ có đối tượng HS yếu mới cần HN; HS khá, giỏi không cần thiết. Chính từ quan điểm đó, hoạt động HN khi được triển khai không mang lại hiệu quả cao, chỉ ở mức “cưỡi ngựa xem hoa”. HS khi tiếp cận các ngành nghề chỉ dừng lại ở việc “hớt váng ao bèo”, tức là chỉ hiểu bề nổi của ngành nghề mà không hiểu về bản chất nghề nghiệp đó.
“Từng có trường THCS ở Q.4 liên hệ với nhà trường ở Q.12 để mời hợp tác trong ngày hội HN nhưng nhà trường từ chối tham gia vì không phù hợp với điều kiện thực tế. Ngay cả khi nhà trường có nhận lời tham gia thì chắc gì HS cuối cấp của trường THCS đó đã mặn mà. Việc không quán triệt quan điểm HN ngay từ đầu cũng gây khó khăn cho nhà trường trong công tác phân luồng HS”, hiệu trưởng một trường trung cấp nghề tại Q.12 bày tỏ.
Vị hiệu trưởng này cũng đưa ra thực tế, nhiều HS sau THCS khi lựa chọn học nghề tại trường một thời gian thì bỏ ngang. Lý do các em đưa ra là “ngành học không phù hợp với bản thân”. Khi được hỏi tại sao trước kia các em chọn học ngành này thì câu trả lời là do ngày trước được thầy cô tư vấn.
Nhìn nhận từ nhiều nhà quản lý GD bậc THPT thì hoạt động HN cho HS khối 9 cần được coi là một hoạt động GD chứ không phải chỉ đơn thuần là hoạt động trải nghiệm hay gói gọn trong 9 tiết như quy định.
Thầy Đặng Đình Quý – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Bình (Q.Tân Bình) – cho rằng, hiệu quả của hoạt động HN sớm từ bậc THCS có tác động rất lớn đến tính hiệu quả của hoạt động HN ở bậc THPT. Khi HS đã có một nền tảng về ngành nghề từ bậc THCS, được trao cho cơ hội để thử sức và trải nghiệm nhiều ngành nghề trước đó thì các em sẽ bước đầu biết được năng lực sở thích của mình đối với ngành nghề nào, từ đó có định hướng đúng đắn trong việc học. Như vậy, công tác HN của nhà trường cũng sẽ nhẹ nhàng hơn, lộ trình HS đi sẽ đúng hơn, tránh việc chọn sai ngành học, trường học…
Bài, ảnh: Nam Định
Bình luận (0)