Dạy đọc hiểu văn bản văn học, gặp các kết thúc hay, có vấn đề, giáo viên cần cho học sinh phân tích, trao đổi, bàn luận để hiểu giá trị và hiệu quả đích thực của cách kết thúc tác phẩm (TP).
Theo tác giả, kết thúc của một tác phẩm liên quan chặt chẽ với tính vấn đề của tác phẩm đó. Trong ảnh: Học sinh lớp 12 trong giờ học môn ngữ văn. Ảnh: Y.Hoa
Có thể thấy kết thúc TP liên quan chặt chẽ với tính vấn đề của TP đó. Kết thúc một TP là vấn đề này được giải quyết đồng thời vấn đề khác lại được đặt ra buộc người đọc phải trăn trở, suy nghĩ. TP có thể dừng lại ở một trang, một dòng nào đó về mặt hình tuyến, nhưng vấn đề đặt ra trong đó thì không kết thúc. Nó tiếp tục sống, tiếp tục hành chức và phát triển trong tâm hồn bạn đọc theo nhiều hướng, nhiều chiều, nhiều khả năng khác nhau. Những kết thúc như thế sẽ tạo nên vẻ đẹp “đa thanh” và tính chất “không đáy” của TP nghệ thuật. TP nào cứ lăm lăm giải quyết một cách triệt để, kết thúc rõ ràng, sòng phẳng thì thường khó để lại dư ba trong lòng độc giả. Thực chất ở đó tính vấn đề đã bị thủ tiêu.
Ai đã đọc “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố hẳn còn nhớ câu này: “Buông tay, chị vội choàng dậy, mở cửa chạy té ra sân. Trời tối như mực và như cái tiền đồ của chị”. Đó là những dòng cuối cùng chấm hết cuốn sách. Cái kết thúc này nổi tiếng đến nỗi nhiều người không đọc “Tắt đèn” cũng biết. Nhiều năm trước đây, người ta thường coi đó là hạn chế của tác giả và TP “Tắt đèn”. Vì kết thúc như thế thì tiêu cực, đen tối quá, nhân vật và người đọc không nhìn thấy lối ra; chẳng có tương lai và tiền đồ gì cả… Không chỉ với “Tắt đèn” mà hầu như kiểu nhìn nhận ấy đã trở thành khuôn mẫu; thành cách phán xét chung của một thời đối với nhiều TP văn học hiện thực Việt Nam giai đoạn 1930-1945. “Chí Phèo” đâm chết Bá Kiến rồi tự vẫn cũng là bế tắc. “Giông tố” thì mịt mù, còn “Bước đường cùng” thì chỉ đọc cái tên cũng đã thấy cùng đường rồi… Tất nhiên bây giờ chúng ta đã “nhìn lại”, đã “tỉnh ngộ”, đã bỏ qua các định kiến lạc hậu, cũ mèm… Nhưng dạy đọc hiểu vẫn cần cho học sinh học cách “đọc ra” ý nghĩa của các cách kết thúc TP.
Những tác phẩm lớn chẳng bao giờ có kết thúc, hiểu theo nghĩa rộng của từ này. Bao giờ nó cũng để lại một khoảng trống khổng lồ với nhiều điều “có thể”. |
Với “Tắt đèn”, giả sử ngày ấy Ngô Tất Tố kết thúc TP một cách sáng sủa hơn. Ví như cho chị Dậu gặp được cách mạng, được giác ngộ và trưởng thành, hoặc giả cho chị Dậu cứu được chồng, chuộc được con, thoát khỏi kiếp mù mịt “tắt đèn” thì sẽ thế nào? Tôi nghĩ, nếu như thế có lẽ tiểu thuyết “Tắt đèn” đã không còn ai nhớ nữa. Ngô Tất Tố đã kết thúc đúng như nó phải kết thúc. Ở đây, một mặt ông đã tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc của chủ nghĩa hiện thực; mặt khác và quan trọng hơn là kết thúc như thế đã tạo được hiệu quả thẩm mỹ đối với người đọc. Gấp cuốn sách lại, trăm ngàn câu hỏi sẽ hiện lên day dứt: Chị Dậu sẽ đi đâu? Kiếm ăn bằng cách nào? Chồng con chị ra sao? Còn cạm bẫy nào đang chờ chị? Thế lực nào tiếp tục săn đuổi người đàn bà khốn khó này? Cuộc đời sao cay nghiệt thế? Quan lại sao tàn ác, khốn nạn và đểu cáng thế? Rốt cuộc tương lai chị sẽ ra sao?… Một kết thúc như vậy, đã tạo nên được sức ám ảnh và sự lay thức tâm hồn người đọc, buộc họ phải suy nghĩ, trăn trở khôn nguôi về thân phận và số kiếp con người… Theo hướng này, khi dạy đọc hiểu truyện “Lão Hạc”, giáo viên nên nêu ra vấn đề kết thúc truyện. Trước hết khuyến khích học sinh thử làm nhà văn đề xuất một số cách kết thúc khác hoặc gợi mở cho các em như: 1) Giả sử Nam Cao cho lão Hạc vẫn sống, dù là ăn xin hoặc trộm cắp như Binh Tư tới tận ngày con lão trở về. 2) Tại sao lão Hạc tự tử bằng cách ăn bả chó mà không tự tử bằng cách khác?… Từ đó cho học sinh trao đổi để chỉ ra nếu kết thúc như thế thì ý nghĩa của truyện sẽ thay đổi thế nào? Kết thúc thế thì sẽ mất đi hoặc thêm được nội dung tư tưởng hay đặc sắc nghệ thuật gì so với cách kết thúc của Nam Cao?…
Văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975 dù phát triển đa dạng phong phú đến đâu, nhưng xét riêng về mô hình kết thúc TP thường có chung một hướng, một khuôn giống nhau: ta thắng địch thua, cái mới thắng cái cũ. Kết thúc phải rõ ràng như thế. Do đó, không ít TP chỉ cần xem mở đầu đã biết kết thúc. Con sông cuộc đời đầy quanh co uẩn khúc, lắm thác, nhiều ghềnh cuối cùng đều được bàn tay chắc khỏe của tác giả nắn thẳng dòng chảy để thể hiện xu hướng vận động “đi lên”, “từ bóng tối ra ánh sáng”, “từ hiện tại đến tương lai”… Trong khi cuộc sống cũng như con người chứa trong mình muôn vàn bí ẩn với trăm ngàn “câu hỏi không lời đáp”; “Câu trả lời thật không dễ dàng chi”. Văn học viết về cuộc sống nhân thế, một mặt cần phải giúp bạn đọc hiểu vẻ đẹp long lanh, rạng rỡ của tâm hồn con người, nhưng mặt khác cũng cần phải giúp họ hiểu được cái phần u tối, không hiểu nổi của con người…
Tôi luôn nghĩ, những TP lớn chẳng bao giờ có kết thúc, hiểu theo nghĩa rộng của từ này. Bao giờ nó cũng để lại một khoảng trống khổng lồ với nhiều điều “có thể”. Dấu chấm hết của tác giả ở cuối văn bản cũng chỉ là chấm hết của một điều “có thể”, còn lại, độc giả hãy tự lựa chọn lấy một cách kết thúc thuận ý mình. Cũng vì thế, những TP lớn không thuộc về cá nhân nào trong lịch sử, nó là sản phẩm “đồng sáng tạo” của nhiều người, nhiều thế hệ. Nó không chết, không bất động mà cứ tiếp tục lang thang mãi trong hành trình dài dặc, thăm thẳm và mênh mông của tâm hồn nhân loại.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống
Bình luận (0)