Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Văn học, nghệ thuật góp phần vào những thắng lợi to lớn của dân tộc

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã nhấn mạnh giá trị này tại Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề Văn học, nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng, do Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức ngày 25-4 tại  TP.HCM.


Quang cảnh hội thảo

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, trong gần 80 năm qua, nền văn học, nghệ thuật cách mạng nước tta luôn đồng hành với dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là: phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc; phụng sự nhân dân, trước hết là công, nông, binh.

Để thực hiện sứ mệnh vẻ vang đó, hàng ngàn văn nghệ sĩ cả nước đã đi vào cuộc sống kháng chiến, kiến quốc, có mặt trên khắp mọi nẻo đường cách mạng để sáng tạo, trình diễn các tác phẩm văn học, nghệ thuật… phục vụ kịp thời các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.

Đồng thời, hiện thực cuộc sống kháng chiến với nhân vật trung tâm là người chiến sĩ cách mạng, đề tài trung tâm là chiến tranh cách mạng đã được văn học, nghệ thuật phản ánh một cách chân thực, sinh động trở thành biểu tượng của sức mạnh dân tộc, trí tuệ của thời đại và lương tâm của loài người.

Theo ông, các thế hệ văn nghệ sĩ  nối tiếp nhau “lớp cha trước, lớp con sau"; “lớp anh trước, lớp em sau” đi qua các cuộc kháng chiến, kiến quốc đã tạo nên đội quân văn nghệ thật hùng hậu với những phong cách sáng tạo độc đáo, để lại cho nền văn học nghệ, thuật Việt Nam nhiều tác phẩm giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, ghi dấu những tên tuổi đáng tự hào như Tố Hữu, Văn Cao, Đỗ Nhuận, Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Cầm,…

Sau ngày đất nước thống nhất, đội quân văn học, nghệ thuật vẫn tiếp tục có mặt trên mọi miền đất nước, đến với nhân dân và chiến sỹ nơi biên giới và hải đảo xa xôi để viết tiếp về cuộc chiến đấu kiên cường, bền bỉ bảo vệ chủ quyền dân tộc và công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, hiện thực đời sống trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ và các cuộc chiến đấu bảo vệ biên làng là giới phía Bắc và Tây Nam đất nước vẫn được nhiều văn nghệ sĩ tiếp tục phản ánh với cách nhìn mới, đa diện hơn, giàu tính nhân bản hơn.

“Hôm nay, sau gần 80 năm nhìn lại, chúng ta có thể tự hào nói rằng, nền văn học, nghệ thuật Việt Nam về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng đã làm tròn sứ mệnh vẻ vang của mình, góp phần vào những thắng lợi to lớn của dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, góp phần làm phong phú và rạng rỡ nền văn học Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế-xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; đảm bảo quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”.

Do vậy, để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đã đề ra, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ lòng yêu nước, tỉnh thần đoàn kết, ý chí, sức mạnh của văn hóa, con người Việt Nam. Trong đó văn nghệ sĩ Việt Nam đóng vai trò quan trọng, với sứ mệnh cao cả và trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang.

Đặc biệt, bằng sáng tạo văn học, nghệ thuật và thông qua sáng tạo văn học, nghệ thuật của mình, các văn nghệ sĩ là những người ươm trồng những hạt giống của cái đẹp, lòng nhân ái và sự tử tế; gìn giữ và thổi bùng lên ngọn lửa của truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong mỗi người Việt Nam.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa kỳ vọng các văn nghệ sĩ hôm nay, nhất là thế hệ sinh ra trong hòa bình, không ngừng trau dồi, nâng cao bản lĩnh, tài năng, hòa mình trọn vẹn vào thực tiễn đời sống của lực lượng vũ trang và của nhân dân; nỗ lực tìm tòi, đổi mới nội dung và phương thức biểu hiện; sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, đáp ứng sự mong đợi của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Đặc biệt, các văn nghệ sĩ hôm nay phải cống hiến hết mình để vun đắp các giá trị cao đẹp, chúng ta nêu cao dũng khí bảo vệ chân lý, bảo vệ cái đúng, cái hay, cái đẹp, kiên quyết đấu tranh, phê phán những biểu hiện lệch lạc, sai trái, gây phương hại cho sự phát triển lành mạnh của đời sống văn học, nghệ thuật nước nhà.

N.Trinh

Bình luận (0)