Trước hiểm họa ma túy thế hệ mới “tấn công” học sinh, sinh viên, ngành giáo dục TP.HCM nỗ lực xây dựng đa dạng các giải pháp để ngăn chặn tệ nạn này xâm nhập vào học đường.
Phiên tòa giả định về phòng chống ma túy tổ chức tại Trường THPT Phong Phú (huyện Bình Chánh)
Hiểm họa với giới trẻ từ ma túy “núp bóng”
Theo báo cáo của Công an TP.HCM, tình trạng sử dụng ma túy hiện diễn biến phức tạp. Trong 3 năm (từ 2021 đến 2023), Công an TP.HCM và các lực lượng chức năng đã tiến hành xử lý 4.654 vụ với hơn 11.000 đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về ma túy, thu giữ hơn 3,19 tấn ma túy các loại. Kết quả cho thấy nỗ lực của lực lượng công an trong phát hiện, đấu tranh tội phạm ma túy song cũng phản ánh tình trạng phức tạp của các loại tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn thành phố.
Ma túy tổng hợp chiếm chủ yếu với tỷ lệ 73,3% cho thấy xu thế dịch chuyển nguồn ma túy truyền thống sang ma túy tổng hợp. Đáng chú ý, các loại ma túy mới “núp bóng” đồ uống, thực phẩm, thuốc lá điện tử như nước xoài, sôcôla, kẹo, bóng cười, nước vui, shisha… là những sản phẩm tội phạm thường lợi dụng đưa ma túy xâm nhập vào thị trường, dấy lên mối lo ngại ma túy xâm nhập vào giới trẻ, học đường.
Theo thống kê, số người sử dụng ma túy trên ghế nhà trường chiếm tỷ lệ khá thấp nhưng thực tế có những trường hợp học sinh sử dụng ma túy mà gia đình, nhà trường không hay biết. Thượng tá Dương Đình Lập (Phó Trưởng Công an Q.12) cho hay, người sử dụng ma túy đang có chiều hướng trẻ hóa, qua rất nhiều vụ án liên quan đến học sinh, nhiều trường hợp xét nghiệm thì phát hiện các em dương tính với ma túy.
Công an TP.HCM thông tin, ma túy thế hệ mới có hình dạng tem thấm, cỏ thơm, có thể hòa tan thành loại nước giải khát pha trộn vào gói trà hoặc trong thuốc lá điện tử, nên người dùng có thể sử dụng dễ dàng mà không cần tiêm chích. Nếu ở lứa tuổi tiểu học, tội phạm ma túy dụ dỗ bằng cách cho sử dụng các loại chất gây nghiện “núp bóng” thì ở lứa tuổi trẻ thành niên, sinh viên, chúng thường lợi dụng tâm lý thích trải nghiệm những cái mới, thích thể hiện bản thân để lôi kéo, rủ rê các em vào con đường nghiện ngập. Không ít trường hợp bị nghiện xuất phát từ những lý do đơn giản ban đầu như thấy hay hay, lạ lạ, thử cho biết, nghe bạn rủ rê… Bóng cười, shisha đang dần phổ biến trong xã hội. Do không được xếp vào chất gây nghiện nên nhiều bạn trẻ vẫn còn ngộ nhận vào tác hại của nó và sử dụng như một công cụ xả stress. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ma túy thế hệ mới hay bóng cười, shisha tàn phá hệ thần kinh nhanh hơn rất nhiều lần, nếu dùng quá liều sẽ dẫn đến tử vong.
Tăng cường các biện pháp giáo dục sinh động
Phương thức tuyên truyền, giáo dục học sinh về kiến thức pháp luật phòng chống ma túy được các trường học tại TP.HCM tổ chức đa dạng, sinh động, giúp học sinh hiểu về tác hại của các loại ma túy, thủ đoạn của tội phạm ma túy; từ đó học sinh có thể nhận diện được các hành vi vi phạm pháp luật, nguy cơ tệ nạn ma túy để tránh xa, cảnh giác. Đại diện Trường Tiểu học Huỳnh Văn Chính (Q.Tân Phú) cho biết, hàng năm nhà trường đều phối hợp với Công an Q.Tân Phú tổ chức tuyên truyền phòng chống ma túy học đường cho học sinh. Bằng những câu chuyện thực tế, những hình ảnh trực quan sinh động phù hợp với lứa tuổi, lực lượng công an đã giúp trang bị cho học sinh những kiến thức bổ ích, thiết thực về tác hại của ma túy, nhận diện được ma túy, từ đó sẽ tránh xa… Ngoài ra, nhà trường cũng tăng cường giáo dục học sinh, tuyên truyền đến phụ huynh không mua, không sử dụng đồ ăn trước cổng trường, đặc biệt với đồ ăn, thức uống không rõ nguồn gốc để bảo vệ trẻ.
Tăng cường công tác giáo dục pháp luật phòng chống ma túy trong trường học Công an TP.HCM và Sở GD-ĐT TP.HCM vừa thực hiện ký kết và triển khai kế hoạch phối hợp về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phòng, chống ma túy trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2024-2030. Chương trình phối hợp gồm 8 nội dung, trong đó tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về phòng chống ma túy; xây dựng và hình thành kỹ năng phòng tránh tệ nạn ma túy cho học sinh. Đẩy mạnh các hoạt động tìm hiểu pháp luật về phòng chống ma túy, thi sáng tác các tác phẩm, tiểu phẩm, thi văn nghệ chủ đề phòng chống ma túy trong học sinh. Tích hợp, lồng ghép nội dung giáo dục pháp luật về phòng chống ma túy vào các hoạt động giáo dục ở tất cả các bậc học dưới các hình thức phong phú, đa dạng nhằm giáo dục kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh…
|
Trong khi đó, hình thức phiên tòa giả định về phòng chống ma túy học đường là cách thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng chống ma túy hiệu quả được Trường THPT Phong Phú (huyện Bình Chánh) phối hợp với Tòa án Nhân dân huyện và Viện Kiểm sát nhân dân huyện triển khai. Cô Nguyễn Thị Minh Tâm (Hiệu trưởng Trường THPT Phong Phú) cho biết, phiên tòa giả định có thẩm phán, viện kiểm sát, công an, luật sư, thư ký, người phạm tội… do đoàn viên các cơ quan và học sinh đóng vai, đã tạo nên một hình thức tuyên truyền trực quan sinh động, cuốn hút học sinh chăm chú theo dõi và nắm bắt dễ dàng kiến thức pháp luật. “Nhà trường cũng tổ chức các cuộc thi cho học sinh tìm hiểu về kiến thức pháp luật phòng chống ma túy, tác hại của ma túy; tổ chức các hoạt động ngoại khóa, chuyên đề lồng ghép giáo dục học sinh về kiến thức pháp luật phòng chống ma túy… Bên cạnh đó, mỗi giáo viên, giám thị nhà trường đều tăng cường nắm bắt tâm lý học sinh để các em chủ động chia sẻ những vấn đề bản thân, bạn bè đang gặp phải, cũng như kịp thời phát hiện những hành vi, biểu hiện học sinh cần được hỗ trợ để can thiệp kịp thời…”, cô Tâm cho biết thêm.
Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng, hàng năm Sở GD-ĐT TP.HCM chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức nội dung giáo dục phòng chống về ma túy vào các nội dung giáo dục, hoạt động giáo dục, lồng ghép trong chương trình giáo dục, hoạt động ngoại khóa, đồng thời phối hợp với lực lượng công an tổ chức tập huấn về phòng chống ma túy và thuốc lá cho giáo viên. Đặc biệt, năm 2023, đối tượng tập huấn được mở rộng cho học sinh, để nối dài cánh tay truyền thông, tuyên truyền một cách hiệu quả về phòng chống ma túy trong trường học. “Việc tuyên truyền hướng tới tiếp cận đầy đủ đối tượng, từ học sinh, giáo viên đến phụ huynh để có nhìn nhận đúng đắn về tác hại của ma túy, từ đó phòng chống có hiệu quả tệ nạn ma túy”, ông Dũng chia sẻ.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)