Vấn đề đang được quan tâm đặc biệt hiện nay của giáo viên giảng dạy môn ngữ văn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là việc ra đề kiểm tra ngữ văn. Trong đó, khâu chọn ngữ liệu như thế nào để vừa có tính giáo dục, vừa phù hợp tâm lý lứa tuổi; không quá phản cảm và không gây “tai tiếng” từ sự đánh giá của phụ huynh, từ dư luận xã hội là điều vô cùng quan trọng…
Học sinh THPT sân khấu hóa truyện cười dân gian Việt Nam (ảnh minh họa)
Chương trình mới quy định chọn ngữ liệu như thế nào?
Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn ngữ văn (ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Hà Nội, 2018), quy định tiêu chí lựa chọn ngữ liệu trong môn ngữ văn như sau: Ngữ liệu là một bộ phận cấu thành của nội dung giáo dục, góp phần quan trọng trong việc hình thành, phát triển ở học sinh những phẩm chất và năng lực được nêu trong chương trình. Chương trình chỉ nêu định hướng về các kiểu văn bản và thể loại được dạy ở từng lớp; riêng ở cấp tiểu học có quy định độ dài của văn bản.
Để đáp ứng yêu cầu hình thành và phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh, ngữ liệu được lựa chọn bảo đảm các tiêu chí sau: Phục vụ trực tiếp cho việc phát triển các phẩm chất và năng lực theo mục tiêu, yêu cầu cần đạt của chương trình. Phù hợp với kinh nghiệm, năng lực nhận thức, đặc điểm tâm – sinh lý của học sinh ở từng lớp học, cấp học. Từ ngữ dùng làm ngữ liệu dạy tiếng ở cấp tiểu học được chọn lọc trong phạm vi vốn từ văn hóa, có ý nghĩa tích cực, bảo đảm mục tiêu giáo dục phẩm chất, giáo dục ngôn ngữ, giáo dục thẩm mỹ và phù hợp với tâm lý học sinh. Có giá trị đặc sắc về nội dung và nghệ thuật, tiêu biểu về kiểu văn bản và thể loại, chuẩn mực và sáng tạo về ngôn ngữ. Phản ánh được thành tựu về tư tưởng, văn học, văn hóa dân tộc; thể hiện tinh thần yêu nước, độc lập dân tộc, ý thức về chủ quyền quốc gia; có tính nhân văn, giáo dục lòng nhân ái, khoan dung, tình yêu chân thiện mỹ, tình yêu thiên nhiên, tinh thần hội nhập quốc tế, hướng đến những giá trị phổ quát của nhân loại. Chương trình có định hướng mở về ngữ liệu. Tuy vậy, để bảo đảm nội dung giáo dục cốt lõi, thống nhất trên cả nước, bên cạnh những văn bản gợi ý tác giả sách giáo khoa và giáo viên lựa chọn, chương trình quy định một số văn bản bắt buộc và văn bản bắt buộc lựa chọn.
Giáo viên tự soạn ngữ liệu đọc hiểu cho đề văn được không?
Quy định trên khá rõ ràng nhưng chưa lường trước hết khó khăn của người soạn đề. Nhất là, theo yêu cầu của chương trình mới, phần đọc hiểu và nghị luận của đề kiểm tra môn ngữ văn phải lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa, văn bản mà học sinh chưa được học. Điều này dẫn đến yêu cầu là giáo viên phải nắm thật chắc văn bản nào học sinh chưa từng được học, việc chọn cho được ngữ liệu “hoàn hảo” theo quan niệm bấy lâu nay dần khan hiếm và khó khăn hơn. Điều này cũng đặt ra câu hỏi: Giáo viên tự soạn ngữ liệu để đưa vào đề kiểm tra môn ngữ văn cho khỏi “đụng hàng” có được không?
Việc này rất khó bởi nhiều lý do. Trong đó có quan niệm đã thành lối mòn. Trước nhất, mặc dù nắm chắc đặc trưng thể loại văn bản nhưng không phải giáo viên nào cũng có năng khiếu sáng tác, có thể tạo lập được văn bản đáp ứng các yêu cầu cần thiết. Quan trọng hơn, giáo viên ngữ văn ở nhà trường bấy lâu nay chưa có thói quen này, chưa chấp nhận cho việc tự soạn ngữ liệu.
Thông lệ quen thuộc là phải lấy văn bản của nhà thơ này, nhà văn nọ; của sách này, sách kia… Suy nghĩ ấy đóng khung, ràng buộc sự sáng tạo của giáo viên, giống như “luật bất thành văn”. Thậm chí nhiều thầy cô có năng khiếu sáng tác, họ đã xuất bản nhiều tập thơ, tập truyện, bài viết tốt nhưng cũng “ngại” đưa vào đề, vì đó là của cá nhân, riêng tư!
Thông lệ quen thuộc là phải lấy văn bản của nhà thơ này, nhà văn nọ; của sách này, sách kia… Suy nghĩ ấy đóng khung, ràng buộc sự sáng tạo của giáo viên, giống như “luật bất thành văn”. Thậm chí nhiều thầy cô có năng khiếu sáng tác, họ đã xuất bản nhiều tập thơ, tập truyện, bài viết tốt nhưng cũng “ngại” đưa vào đề, vì đó là của cá nhân, riêng tư! |
Suy nghĩ có vẻ thuyết phục hơn cả và rập khuôn nhất là, đề kiểm tra phải cho ngữ liệu của các tác giả (nổi tiếng, quen thuộc…) để học sinh biết thêm về họ. Học ngữ văn thì phải biết về tác giả văn học, và các tác phẩm của các tác giả văn học ấy…
Nếu chấp nhận đột phá, giáo viên sẽ làm được
Đem câu hỏi trên thăm dò ý kiến đồng nghiệp, một số thầy cô cho rằng được và về lâu dài thì nên, nếu có sự đồng thuận và chấp nhận đột phá. Nếu giáo viên tự soạn ngữ liệu cho đề kiểm tra sẽ kích thích sự sáng tạo cho họ nhiều hơn trong việc dạy văn. Học sinh sẽ thấy lý thú hơn khi làm bài, nếu văn bản hay, ý nghĩa. Giáo viên cũng tạm thời giải quyết được một phần về khâu chọn ngữ liệu khi làm đề. Với ngữ liệu của mình, thầy cô cũng sẽ nắm chắc nội dung văn bản, các câu hỏi và đáp án chấm cũng dễ chính xác hơn.
Lập luận học ngữ văn thì phải biết về tác giả văn học, và các tác phẩm của các tác giả văn học ấy rất cần đưa vào đề kiểm tra là chưa đúng hoàn toàn. Vì thực tế, theo quan sát, nhiều đề kiểm tra hiện nay có ngữ liệu rất mới, tác giả rất lạ, nguồn dẫn cũng thiếu độ tin cậy, vì lấy từ các trang mạng xã hội.
Trong khi đó, thực tế cũng đã cho thấy rằng, để tiện lợi trong việc xác lập chủ đề của đề thi và thuận tiện cho cách đặt câu hỏi, nhiều ngữ liệu trong đề thi ở các kỳ thi quan trọng do chính bộ phận làm đề tự tạo lập. Ví dụ, đề thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập môn ngữ văn ở TP.HCM năm 2023-2024 vừa qua, có văn bản được tạo lập bởi người làm đề với tác giả là “Cô giáo của em”.
Ngay trong sách giáo khoa ngữ văn 10, 11 chương trình mới cũng có rất nhiều văn bản mà nhóm tác giả biên soạn sách cũng tự tạo lập văn bản. Ví dụ, bài “Quan niệm về thần tượng” (Ngữ văn 10, bộ Chân trời sáng tạo), hay bài “Một vài nét về nghệ thuật tự sự của Nam Cao trong truyện ngắn Đời thừa” (Ngữ văn 11, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống). Nếu tìm kiếm ngữ liệu bên ngoài sẽ khó có thể đáp ứng hoàn hảo những yêu cầu theo định hướng của bài học.
Thiết nghĩ, với đề thi tốt nghiệp THPT môn ngữ văn từ năm 2025, ban soạn đề thi cũng có thể tự xây dựng văn bản riêng để làm ngữ liệu cho đề thi.
Trần Ngọc Tuấn
Bình luận (0)