Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đầu tư cho giáo dục còn thấp, hiệu quả chưa cao

Tạp Chí Giáo Dục

10 năm qua, giáo dục – đào tạo nước ta đã có những bước phát triển và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Song bên cạnh đó, đầu tư cho giáo dục ĐH còn thấp, chưa có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả chưa cao. Ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục chưa bảo đảm tối thiểu 20% theo yêu cầu. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu.


Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc trình bày báo cáo tóm tắt kết quả 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29

Trong báo cáo tóm tắt kết quả 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc đã đề cập những nội dung trên.

Hệ thống giáo dục quốc dân cơ bản được hoàn thiện

Thứ trưởng đánh giá, 10 năm qua, giáo dục – đào tạo nước ta đã có những bước phát triển và đạt được nhiều thành tựu quan trọng; góp phần nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

Hệ thống giáo dục quốc dân cơ bản được hoàn thiện theo hướng mở, liên thông giữa các cấp học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục – đào tạo. Quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập suốt đời của người dân. Cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi; từng bước nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và THCS.

Chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành và tổ chức triển khai trên thực tế; chuyển từ nặng về truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực người học. Triển khai một chương trình nhiều sách giáo khoa và xã hội hóa trong biên soạn, phát hành sách giáo khoa bước đầu tạo chuyển biến tích cực, đem lại sự chủ động, sáng tạo cho giáo viên, học sinh. Chất lượng giáo dục phổ thông đại trà và mũi nhọn ngày càng nâng cao. Giáo dục thường xuyên phát triển đa dạng về nội dung và hình thức.

Chất lượng giáo dục nghề nghiệp chuyển biến tốt hơn, việc đào tạo nghề cho công nhân và lao động nông thôn được quan tâm. Đổi mới giáo dục ĐH gắn với tăng cường tự chủ đã tạo ra động lực mới, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học, nhất là công bố khoa học quốc tế tăng mạnh. Một số cơ sở giáo dục ĐH học được xếp hạng trong nhóm ĐH tốt nhất khu vực châu Á và thế giới.

Việc đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá, đặc biệt là thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ sư phạm, giáo dục

 nghề nghiệp ngày càng thực chất, hiệu quả hơn; cơ bản khắc phục tình trạng học lệch, học tủ, giảm áp lực, tốn kém cho xã hội. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cơ bản được chuẩn hóa, từng bước đảm bảo số lượng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được cải thiện, bước đầu đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục – đào tạo; tích cực thực hiện chuyển đổi số trong toàn ngành.

Đầu tư cho giáo dục còn thấp, hiệu quả chưa cao

Bên cạnh những kết quả đạt được, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, Thứ trưởng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế mà toàn ngành cần khắc phục. Trong đó, công tác tuyên truyền, quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết 29 ở một số nơi còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương và người đứng đầu chưa thực sự quan tâm sâu sắc đến nhiệm vụ đổi mới giáo dục – đào tạo; công tác kiểm tra, giám sát thực hiện còn chưa được coi trọng đúng mức.


Theo Bộ GD-ĐT, việc đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH – CĐ ngày càng thực chất, hiệu quả. Ảnh: Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh vào Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM năm 2023

Thiếu tính đồng bộ và liên thông giữa các chính sách liên quan với các chính sách mới về giáo dục – đào tạo; thiếu những cơ chế, chính sách ưu tiên cho giáo dục – đào tạo. Cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục chưa được tham gia nhiều trong việc thẩm định, phân bổ kinh phí và tuyển dụng, bổ nhiệm viên chức quản lý lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Thực hiện tự chủ trong các cơ sở giáo dục – đào tạo còn gặp nhiều khó khăn.

Mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông có nơi phân bố chưa hợp lý; còn tình trạng thiếu trường, lớp ở các thành phố lớn, khu công nghiệp, khu vực đông dân cư và miền núi. Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH còn chậm hoàn thiện. Đào tạo liên thông giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH còn hạn chế. Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành chậm tiến độ 2 năm, chưa hoàn thành được mục tiêu miễn học phí cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi trước năm 2020. Việc triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới còn gặp nhiều khó khăn.

Chất lượng giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH mặc dù đã được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực; nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tri thức. Công tác đào tạo chưa gắn kết chặt chẽ, thường xuyên với yêu cầu sử dụng lao động và nhu cầu xã hội. Công tác dự báo nhu cầu nhân lực, nhất là cho các ngành nghề mới còn hạn chế.

Cơ cấu, số lượng đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông còn bất cập; vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; chất lượng đội ngũ chưa đồng đều giữa các vùng, miền. Ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục chưa bảo đảm tối thiểu 20% trong tổng chi ngân sách Nhà nước theo yêu cầu của Nghị quyết 29. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục – đào tạo, nhất là trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đầu tư cho giáo dục ĐH còn thấp, chưa có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả chưa cao.

Qua tổng kết, đánh giá từ thực tiễn, Thứ trưởng cho rằng, những quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết 29 mang tầm chiến lược, cơ bản vẫn còn phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra và phù hợp với xu thế chung của thế giới. Vì vậy, Ban Cán sự Đảng Bộ GD-ĐT đề xuất Bộ Chính trị ban hành kết luận của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29. Trong đó yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện quyết liệt hơn, hiệu lực, hiệu quả hơn nữa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 29.

Việt Ngân

 

Bình luận (0)