Hàng Việt đứng vững trên thị trường nội địa bằng chất lượng tốt, giá cả ổn định, thông tin minh bạch chính là kỳ vọng lớn nhất mà Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đang hướng tới. Muốn như vậy, cuộc vận động cần được nâng chất để hàng Việt chinh phục người Việt.
Hàng Việt chinh phục người Việt phải bằng chất lượng
90% hàng trong siêu thị là hàng Việt
Theo Ban chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam TP.HCM, hơn 10 năm tổ chức thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Khảo sát tại một số siêu thị như Co.opmart, Satra, Bách Hóa Xanh… cho thấy, hàng Việt áp đảo khi chiếm 90 đến 95% tổng sản phẩm. Tại hệ thống siêu thị của doanh nghiệp nước ngoài như AEON, Centrail Retail, Mega Market… hàng Việt chiếm tỷ lệ từ 80-90%. Ngoài ra, tại kênh phân phối là các chợ, cửa hàng tiện lợi, tỷ lệ hàng Việt Nam cũng chiếm từ 80% trở lên.
Không chỉ khẳng định thành công tại thị trường trong nước, cuộc vận động cũng góp phần hỗ trợ nhiều ngành hàng có thế mạnh của Việt Nam liên tục giữ vị trí nhóm đầu trong kim ngạch xuất khẩu của thế giới, đưa Việt Nam vào nhóm 23 nước có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất thế giới. Nhiều nông sản Việt thông qua các hệ thống phân phối đã đứng vững và chinh phục lòng tin của người tiêu dùng tại các quốc gia khó tính như Nhật Bản, Singapore…
Gặt hái nhiều thành quả vượt trội nhưng hoạt động thương mại hàng Việt trên thị trường hiện nay vẫn đặt ra nhiều thách thức. Đơn cử như trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm chế biến, dù các ngành chức năng đã tăng cường phối hợp kiểm tra giám sát nhưng vẫn còn tình trạng hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng len lỏi lưu hành trên thị trường, tuồn vào hệ thống siêu thị, xuất hiện nhiều trên các kênh thương mại điện tử. Hiện vẫn có thực trạng nhà sản xuất cố ý giảm chất lượng để cạnh tranh về giá. Công tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trên thị trường ngày càng tốn kém chi phí, công sức nhưng vẫn loay hoay trong tình trạng “thả gà vào vườn rồi đuổi bắt”…
Ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM – cho biết: “Hàng hóa của chúng ta chất lượng tốt, xuất khẩu được nhưng trong nước đâu đó còn “hạt sạn” mà sàng lọc mãi không hết. Có những thời điểm rau, thực phẩm bẩn bị phản ánh đặt ra câu hỏi liệu chúng ta có đảm bảo tất cả các lô hàng đều kiểm soát được về nguồn gốc, chất lượng? Vấn đề ở đây là chế tài. Nếu không có chế tài chặt thì chắc chắn rất khó nâng cao trách nhiệm chủ thể”.
Đại diện một số doanh nghiệp Việt cho biết đủ năng lực để sản xuất nông sản – thực phẩm chất lượng; đồng thời cũng rất muốn sản xuất ra những sản phẩm chất lượng. Song tiếc là cơ chế làm hàng và sự cạnh tranh thiếu công bằng của thị trường đã gây nhiều trở ngại. Rõ ràng cách thức quản lý, kiểm soát hiện nay còn nhiều điểm chưa hiệu quả.
“Việc sử dụng sản phẩm không đảm bảo chất lượng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, người tiêu dùng lại không thể nhận biết được vì nhìn bề ngoài thì sản phẩm đạt chuẩn và không đạt rất giống nhau, chỉ người bán, người sản xuất mới biết được…”, bà Huỳnh Thị Thu Trang – Giám đốc điều hành Công ty TNHH Nông sản Xanh An Phát – nói về điểm yếu trong kiểm soát chất lượng hàng hóa hiện nay, trong đó có thị trường rau quả.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hồng Phong – Giám đốc Công ty TNHH SXTM Nông sản Phong Thúy – cho rằng: “Trên thị trường càng nhiều sản phẩm trôi nổi không đảm bảo chất lượng thì càng khó cho nhà sản xuất chân chính. Nếu cơ quan quản lý Nhà nước kiểm soát tốt hơn sẽ tạo ra dư địa cho nhà sản xuất tốt, kích thích các nhà sản xuất mạnh dạn đầu tư để làm ra sản phẩm tốt”.
Tạo cơ chế loại hàng kém chất lượng ra khỏi thị trường
Bà Trần Kim Yến – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam TP.HCM – chia sẻ: “Để nâng chất cuộc vận động, không chỉ là khai thác lòng tự hào hàng Việt của người tiêu dùng nước nhà mà hàng Việt phải thật sự có chất lượng để cạnh tranh. Hàng Việt đã đứng vững ở nước ngoài thì không có cớ gì lại thua trên sân nhà”.
Để Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đạt hiệu quả, năm 2024, Ban chỉ đạo cuộc vận động tại TP.HCM đã triển khai giải pháp phối hợp các ngành, các cấp tăng cường kết nối các địa phương với nhiều chương trình; trong đó, trọng tâm của hoạt động nâng chất hàng Việt kể từ năm 2024 là Chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn TP.HCM. Theo đó với chương trình này, thông tin của nhà cung cấp và kết quả kiểm tra chất lượng hàng hóa sẽ được chia sẻ giữa các hệ thống phân phối tham gia chương trình. Sản phẩm vi phạm cam kết về chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ bị tất cả các hệ thống phân phối trong chương trình đánh giá lại, có nguy cơ đánh mất hoàn toàn thị trường. Mặt khác, minh bạch thông tin sẽ giúp nhà sản xuất nắm rõ các tiêu chí để đưa hàng về thị trường TP.HCM, chấm dứt tình trạng thủ tục vào siêu thị khó khăn và tốn kém; đồng thời giúp giảm chi phí so với kiểm nghiệm riêng lẻ; chấm dứt tâm lý hạ chất lượng hàng hóa để giảm giá cả.
Ông Phương thông tin, bước đầu chương trình sẽ chọn một số sản phẩm có quy trình kiểm soát đang tốt, từ từ nhân rộng ra các sản phẩm khác.
Với chương trình này, ông Nguyễn Anh Đức – Tổng Giám đốc Saigon Co.op – đề xuất lấy các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP làm nền, còn lại tùy vào sự tự nguyện của hệ thống phân phối.
Bà Đỗ Thị Dậu – Trưởng ban Quản lý hệ thống bán lẻ SATRA – đề xuất áp dụng các hình thức chuyển đổi số để quản lý chất lượng hàng hóa và thông tin cho nhau trong hệ thống.
Theo Ban chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam TP.HCM, chuỗi cung ứng bền vững sẽ tạo “đòn bẩy” duy trì mức tăng trưởng thương mại hàng Việt cả trong và ngoài nước, giúp thị trường đủ sức đề kháng với hàng kém chất lượng, hàng gian, hàng giả. Lúc này, nhà sản xuất chỉ tập trung vào việc nâng cao chất lượng, cải tiến để giữ lấy niềm tin của người tiêu dùng, đáp ứng mối quan tâm lớn nhất của người tiêu dùng hiện nay về sức khỏe và an toàn thực phẩm; không cần cố gắng cạnh tranh bằng việc giảm giá thành như lâu nay một nhà sản xuất vẫn làm…
Ông Bruno Jousselin – Tổng Giám đốc điều hành MM MEGA Market Việt Nam – kỳ vọng qua chương trình sẽ cùng nhau thành lập hiệp hội bán lẻ, xây dựng bộ nguyên tắc chung để định hướng cũng như kiểm soát chất lượng sản phẩm một cách thống nhất; xây dựng những chương trình về giá và thúc đẩy thương mại.
Bà Trang cũng kỳ vọng nhà sản xuất chân chính sẽ dần có được thị trường bán các sản phẩm chất lượng, còn những sản phẩm không chất lượng sẽ bị loại khỏi thị trường.
Minh Phương
Bình luận (0)