Chiều 5-9-2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và các bộ ngành về việc tháo gỡ khó khăn, nhu cầu, khả năng cung ứng vật liệu cho các dự án giao thông trọng điểm trong vùng.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo tại buổi làm việc
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải (GT-VT), vùng ĐBSCL đang triển khai 4 dự án cao tốc, với chiều dài 355 km, tổng mức đầu tư khoảng 82.871 tỷ đồng. Các dự án có nhu cầu cát đá các loại khoảng 6,6 triệu m3, đất đắp khoảng 4,7 triệu m3, cát đắp nền khoảng 53,68 triệu m3.
Đối với mặt đá, đất, các mỏ đang khai thác trong khu vực cơ bản đảm bảo đủ trữ lượng đáp ứng nhu cầu theo tiến độ các dự án. Đối với vật liệu cát, theo khảo sát, nguồn cát sông đảm bảo chất lượng kỹ thuật cung cấp cho các dự án chủ yếu tại các tỉnh có sông Tiền và sông Hậu đi qua. Trong đó, lượng trữ lớn tập trung tại tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long; các địa phương này đã cam kết cung ứng lượng cát xây dựng các tuyến cao tốc theo từng năm và đến kết thúc dự án. Tuy nhiên, hiện nguồn cát cung cấp này đang thiếu hụt, nhiều tuyến đường tạm dừng thi công chờ cát. Nguyên nhân chính là do các mỏ khai thác đang vướng vấn đề pháp lý, trình tự thủ tục gia hạn, cấp giấy phép khai thác mất nhiều thời gian. Nhiều địa phương còn chậm trong thăm dò, cấp phép khai thác do e ngại vấn đề sạt lở vì chưa có đánh giá tác động môi trường cụ thể; sự phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương trong khai thác cát chưa đồng bộ, chặt chẽ…
Quang cảnh buổi làm việc
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các địa phương đã trình bày những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án trên địa bàn; trong đó có tình trạng toàn bộ các dự án vùng ĐBSCL đi qua khu vực địa chất yếu, việc xử lý lún nền thì các vật liệu xây dựng đủ đáp ứng nhu cầu cho các dự án, nhưng trong triển khai các thủ tục nâng công suất mỏ, giao mỏ mới cho nhà thầu khai thác theo cơ chế đặc thù của các địa phương thì còn chậm, nên chưa đáp ứng tiến độ.
Đại biểu trình bày những khó khăn trong thực hiện dự án cao tốc tại địa phương
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị các địa phương đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu có trữ lượng cát lớn phải bảo đảm nguồn cung cát theo chỉ đạo của Chính phủ, ưu tiên cho cao tốc Cần Thơ – Cà Mau; đồng thời chủ động phối hợp với các bộ, ngành thực hiện việc gia hạn giấy phép, tăng công suất các mỏ cát đã được cấp phép và cấp phép các mỏ cát mới theo các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; có đánh giá tác động môi trường, nhất là tình trạng sạt lở trong khai thác cát để việc khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên hữu hạn này.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GT-VT rà soát cơ chế, thành lập tổ công tác do một đồng chí thứ trưởng phụ trách, với sự tham gia của Bộ GT-VT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, phối hợp với các địa phương để giải quyết các khó khăn trong quá trình triển khai dự án. Các địa phương có dự án cao tốc đi qua, các chủ đầu tư, các đơn vị thi công phải phân tích rõ nguyên nhân những vướng mắc để tìm giải pháp giải quyết; đồng thời cần phản ánh ngay những khó khăn đến Chính phủ, bộ, ngành liên quan trong quá trình triển khai dự án.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khảo sát tình hình thi công cao tốc Cần Thơ – Hậu Giang – Cà Mau
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, vật liệu cát đang là vấn đề khó, không thể hút mãi cát sông, phải lấy việc bảo vệ môi trường và giám sát vấn đề sạt lở là ưu tiên. Về lâu dài phải tính đến việc dùng cát biển trong xây dựng, nhưng trước khi khai thác cần hoàn thành các thủ tục và khảo sát theo các tiêu chí cơ lý, môi trường và kinh tế. Nếu trọn vẹn thì dùng phương án này thay cho khai thác mỏ cát ở trên sông.
Trước đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã đến khảo sát tình hình thi công cao tốc Cần Thơ – Hậu Giang – Cà Mau, đoạn nút giao IC2, phường Tân Phú, quận Cái Răng, TP.Cần Thơ.
Đan Phượng
Bình luận (0)