Theo Bộ GD-ĐT, nếu giáo viên mầm non được bổ sung vào danh mục ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì có căn cứ đề xuất tuổi nghỉ hưu sớm vì qua thăm dò, có tới 96% cán bộ quản lý và giáo viên mầm non trực tiếp giảng dạy chọn tuổi nghỉ hưu là 55, chỉ 4% chọn tuổi 60.
Giáo viên Trường Mầm non Hương Nắng Hồng (TP.Thủ Đức) trong giờ ăn trưa của trẻ
Từ tổng hợp đề xuất của giáo viên, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) vừa qua đã có nhiều nội dung phản hồi, nổi bật trong đó là đề xuất tuổi nghỉ hưu sớm hay tăng phụ cấp cho giáo viên mầm non…
Tới 96% giáo viên mầm non chọn tuổi nghỉ hưu 55
Về đề xuất tuổi nghỉ hưu sớm đối với giáo viên mầm non, Bộ GD-ĐT lý giải, giáo viên mầm non thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi nhằm phát triển toàn diện trẻ em về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ; hình thành yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào học lớp một. Lao động của người giáo viên mầm non có những đặc thù riêng biệt, mang trách nhiệm của người thiết kế và tổ chức các hoạt động bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ; đặt nền móng vững chắc để hình thành, phát triển nhân cách cho con người sau này.
Đối tượng mà giáo dục mầm non hướng tới là trẻ nhỏ, lứa tuổi còn rất non nớt và đang trong giai đoạn phát triển với tốc độ nhanh. Giáo viên mầm non chịu nhiều khó khăn, áp lực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Bộ luật Lao động đã quy định người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì được hưởng lương hưu; những người lao động bị suy giảm khả năng lao động, làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thuộc danh mục do Chính phủ quy định có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định.
Thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã nhận được ý kiến của nhiều địa phương, của cử tri cũng như đại biểu Quốc hội đề nghị giáo viên mầm non cần được nghỉ hưu sớm hơn quy định hiện nay do đặc thù nghề nghiệp. Năm 2020, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tổ chức thăm dò ý kiến của cán bộ quản lý và giáo viên mầm non trực tiếp giảng dạy. Kết quả, có tới 96% người chọn tuổi nghỉ hưu là 55, chỉ có 4% chọn tuổi 60. Như vậy, việc đề xuất cho giáo viên mầm non nghỉ hưu sớm là xuất phát từ nhu cầu chính đáng của giáo viên mầm non.
Hiện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang nghiên cứu, xây dựng thông tư ban hành danh mục bổ sung nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Trên cơ sở đặc thù của ngành học mầm non, Bộ GD-ĐT đã có ý kiến đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội bổ sung vào danh mục đối với giáo viên mầm non. Nếu được bổ sung vào danh mục ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì có căn cứ để đề xuất tuổi nghỉ hưu sớm đối với giáo viên mầm non.
Tăng phụ cấp ưu đãi từ 5-10%
Một vấn đề khác được các giáo viên đề cập chính là đề xuất tăng phụ cấp cho giáo viên mầm non thêm 10% và giáo viên tiểu học 5% từ năm 2023 của Bộ GD-ĐT. Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục thông tin thêm, thời gian gần đây, trong quá trình địa phương thực hiện việc chi trả phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc do việc sửa đổi, điều chỉnh văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc phân chia các khu vực hành chính. Bên cạnh đó, theo thống kê, tổng thu nhập (bao gồm tiền lương và phụ cấp) của giáo viên mầm non, tiểu học chưa tương xứng với hoạt động nghề nghiệp; chưa đủ để đảm bảo mức sống cho giáo viên và đáp ứng nhu cầu về an sinh xã hội. Áp lực về thu nhập là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng giáo viên bỏ nghề, chuyển việc, bỏ việc, thiếu nguồn tuyển, không thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm.
Trên tinh thần kế thừa những quy định đã có, Bộ GD-ĐT đang đề xuất Chính phủ điều chỉnh mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non, tiểu học để phù hợp với đặc thù của ngành học, cấp học; phù hợp với quy định về trình độ chuẩn được đào tạo; phù hợp điều kiện thực tiễn… Theo đó, Bộ GD-ĐT đề xuất điều chỉnh mức phụ cấp ưu đãi đối với cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, tiểu học tăng từ 5-10%. “Đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT đã nhận được sự đồng thuận của các bộ, ngành liên quan. Thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành quy trình xây dựng dự thảo nghị định trình Chính phủ quy định về nội dung này” – Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho biết.
Giáo viên mong có chế độ trông trưa, làm việc ngoài giờ…
Liên quan đến đề xuất có chế độ trông trưa; làm việc ngoài giờ; hỗ trợ giáo viên mầm non dạy điểm trường lẻ, dạy tăng cường tiếng Việt; Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho hay, hiện chế độ làm việc của giáo viên mầm non thực hiện theo quy định tại Thông tư số 48 của Bộ GD-ĐT. Theo đó, đối với giáo viên dạy các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo học 2 buổi/ngày, mỗi giáo viên dạy trên lớp đủ 6 giờ/ngày và thực hiện các công việc chuẩn bị cho giờ dạy trên lớp cũng như các công việc khác do hiệu trưởng quy định để quy đổi đảm bảo làm việc 40 giờ/tuần.
Bên cạnh đó, chính sách đối với giáo viên mầm non dạy lớp ghép, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số thực hiện theo quy định tại Nghị định số 105/2020/NĐ-CP (Điều 7). Đồng thời, khoản 3 Điều 4 Nghị định 105 cũng quy định về việc hỗ trợ kinh phí tổ chức nấu ăn cho trẻ em tại cơ sở giáo dục mầm non công lập ở xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, xã thuộc vùng khó khăn.
Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 07 (hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập), với đơn vị đang thiếu số lượng giáo viên theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền hoặc đơn vị có giáo viên nghỉ ốm, nghỉ thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hoặc đi học tập, bồi dưỡng, tham gia đoàn kiểm tra, thanh tra, tham gia những công việc khác do cấp có thẩm quyền phân công phải bố trí giáo viên khác dạy thay thì thời gian giáo viên mầm non dạy thêm giờ so với định mức quy định được tính để thanh toán tiền lương dạy thêm giờ.
Ngoài ra, theo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, nhiều địa phương đã ban hành chính sách đặc thù riêng hỗ trợ thêm cho giáo viên mầm non để giúp giáo viên có mức thu nhập tương xứng hơn với thời gian lao động thực tế. Đồng thời, ở những nơi có điều kiện kinh tế – xã hội thuận lợi, việc xã hội hóa giáo dục mầm non đã được triển khai trên cơ sở thỏa thuận với cha mẹ trẻ để chi trả tiền ăn bán trú, giữ trẻ ngày thứ bảy, học ngoài giờ chính khóa…
Hiện Bộ GD-ĐT đang nghiên cứu, điều chỉnh chương trình giáo dục mầm non. Sau khi chương trình này được điều chỉnh, ban hành chính thức, bộ sẽ có những đánh giá tổng thể để đề xuất, điều chỉnh các quy định về chế độ, chính sách liên quan đến giáo viên mầm non.
Mê Tâm
Bình luận (0)