Trong vai trò chủ tịch luân phiên nhiệm kỳ 2022-2023, sáng 15-9, Hội Xuất bản Việt Nam cùng UBND TP.HCM, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã tổ chức Hội nghị Ban chấp hành Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á (ABPA).
Hội nghị Ban chấp hành Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á diễn ra tại Trung tâm Báo chí TP.HCM
Ngành xuất bản TP tăng trưởng tốt
Ông Lâm Đình Thắng – Giám đốc Sở thông tin và Truyền thông TP.HCM bày tỏ niềm vinh dự khi TP.HCM được chọn là nơi đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên của Ban chấp hành Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á năm 2023 cũng như các hoạt động hội thảo, triển lãm…
Theo ông Thắng, lãnh đạo TP.HCM qua nhiều thời kỳ luôn dành sự quan tâm lớn đến việc phát triển văn hóa đọc. Hàng năm TP bố trí nguồn ngân sách không nhỏ để phát triển văn hóa đọc. Nhiều công trình, thiết chế văn hóa đọc được đầu tư xây dựng trong đó có Đường sách TP.HCM – điểm đến văn hóa đặc sắc và là niềm tự hào của ngành xuất bản, người dân TP.
Hoạt động phát triển văn hóa đọc được tổ chức đều khắp ở tất cả sở, ban, ngành và địa phương toàn TP. Tất cả hoạt động đó đã góp phần thúc đẩy ngành xuất bản TP tăng trưởng tốt trong thời gian dài.
“TP cũng đang phấn đấu đạt các tiêu chuẩn của danh hiệu Thủ đô sách Thế giới của UNESCO. Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng đầu tư cho phát triển văn hóa đọc là đầu tư cho phát triển văn hoá của con người và TP cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực cho các hoạt động này”, ông Thắng nhấn mạnh.
Làm đa dạng bản sắc ASEAN
Tại hội nghị, các đại biểu đã rà soát thực trạng ngành xuất bản các nước thành viên ABPA. Xuất bản của một số quốc gia như: Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippine, Việt Nam… đều có tín hiệu tích cực. Xuất bản các nước ABPA đã nỗ lực lớn để đa dạng hóa các hoạt động phát triển văn hóa đọc, thành lập trung tâm giao dịch bản quyền, tăng cường hiện diện tại các hội sách quốc tế, tổ chức các giải thưởng sách quốc gia, thúc đẩy sử dụng học liệu điện tử…
Hội nghị cũng đề xuất các hướng thúc đẩy hợp tác nội khối. Với tư cách Chủ tịch luân phiên ABPA nhiệm kỳ 2022-2023, Hội Xuất bản Việt Nam đề xuất tiếp tục nghiên cứu thực hiện sáng kiến “One ASEAN”, thông qua ABPA thúc đẩy quan hệ giao lưu hợp tác giữa nhà xuất bản của các nước. Từ đó học hỏi kinh nghiệm, trao đổi bản quyền trong khu vực, thực hiện mục tiêu làm đa dạng bản sắc ASEAN, đưa khu vực thành trung tâm xuất bản, từng bước vươn tầm thế giới.
Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị thành lập trung tâm bản quyền trực thuộc ABPA nhằm giới thiệu sách của các nhà xuất bản thuộc các hiệp hội thành viên, góp phần thúc đẩy giao dịch bản quyền nội khối và chia sẻ thông tin để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm bản quyền.
Đại diện một số quốc gia trong ABPA dự triển lãm sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước
Giải thưởng sách ASEAN, với ban giám khảo (chủ tịch các hội xuất bản thành viên ABPA) sẽ cho ý kiến về các nguyên tắc, quy chế và tiêu chí lựa chọn sách viết về chủ đề ASEAN (bằng tiếng Anh hoặc ngôn ngữ địa phương kèm bản dịch tiếng Anh).
Tại hội nghị, Việt Nam đề xuất Malaysia sẽ là chủ tịch ABPA nhiệm kỳ 2024-2025. Đề xuất này được đại diện các nước đồng tình. Lễ chuyển giao sẽ được tổ chức cuối năm 2023.
PGS.TS Phạm Minh Tuấn – Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Chủ tịch luân phiên ABPA – bày tỏ niềm vui khi Việt Nam là một phần của một cộng đồng đã sát cánh cùng nhau trong 18 năm qua.
Sáng cùng ngày, Đường sách TP.HCM đã tổ chức triển lãm sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Triển lãm giới thiệu 100 tác phẩm nổi bật, trong đó có di sản tinh thần mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho dân tộc đã được công nhận là bảo vật Quốc gia: “Đường Kách mệnh”; “Nhật ký trong tù”; “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”; “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước” và “Bản di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”… Bên cạnh đó là nhiều ấn phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện tư tưởng xuyên suốt, nhất quán, kiên định của Đảng Cộng sản Việt Nam về những vấn đề đặc biệt quan trọng như: về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, về công cuộc đổi mới, về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực… |
“Hiệp hội bước đầu đáp ứng được các nhu cầu giao lưu, hợp tác giữa các nước thành viên. Hiệp hội trở thành một kênh trao đổi thông tin, chia sẻ những chính sách mới của ngành xuất bản mỗi nước cũng như chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay thúc đẩy phát triển văn hóa đọc. Qua đó các thành viên có cơ hội học hỏi lẫn nhau, tùy chỉnh áp dụng cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của từng nước”, PGS.TS Phạm Minh Tuấn nói.
Sau gần 2 năm đảm nhiệm vai trò chủ tịch luân phiên của ABPA, Hội Xuất bản Việt Nam đã đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp ngoại giao nhân dân, đóng góp tích cực vào việc nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Các hoạt động do Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức cũng hướng đến mục tiêu chung ASEAN, đặc biệt là “Duy trì, thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định; tăng cường hơn nữa các giá trị hướng tới hòa bình trong khu vực, nâng cao khả năng tự cường khu vực thông qua đẩy mạnh hợp tác chính trị, an ninh, kinh tế và văn hóa – xã hội”.
Dịp này, ban tổ chức đã trao tặng giấy chứng nhận cho một số thành viên kỳ cựu và đại diện các đoàn tham dự hội nghị.
Hồ Trinh
Bình luận (0)