Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nhiều trăn trở với sân khấu cải lương

Tạp Chí Giáo Dục

Hội Sân khấu TPHCM đang thực hiện công trình sách Sân khấu cải lương TPHCM 1975-2025 nhằm nhìn nhận, đánh giá một tiến trình quan trọng, từ đó tìm ra giải pháp đưa sân khấu cải lương vượt qua khó khăn hiện nay.

Đánh giá đúng vai trò của video, cải lương truyền hình

Theo Nghệ sĩ nhân dân Trần Ngọc Giàu – Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM – hiện nay, cải lương đã không chỉ gói gọn trên sàn diễn hay phòng thu âm như trước mà xuất hiện nhiều hình thức mới: video cải lương, cải lương truyền hình, cải lương tụ điểm, game show cải lương… Mỗi loại hình đều có vai trò, tác động đến sức sống sân khấu cải lương (SKCL) trong từng giai đoạn, cần được nhìn nhận, đánh giá toàn diện và khách quan.

Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đã phục dựng vở cải lương kinh điển Tuyệt tình ca, đây là vở cải lương xã hội duy nhất trong năm 2023 tính đến nay

Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đã phục dựng vở cải lương kinh điển Tuyệt tình ca, đây là vở cải lương xã hội duy nhất trong năm 2023 tính đến nay

Theo soạn giả Hoàng Song Việt, bất cứ loại hình nào xuất hiện cũng có nguyên do. Điển hình như video cải lương ra đời và phát triển mạnh mẽ trong thập niên 1990 là nhằm đáp ứng nhu cầu của khán giả kiều bào. Giai đoạn đầu, video cải lương được thực hiện chỉn chu, có chất lượng cao với kịch bản hay, dàn nghệ sĩ ngôi sao, quay ngoại cảnh hấp dẫn. Lúc đó, video cải lương thực sự trở thành món ngon tinh thần cho khán giả kiều bào lẫn bà con các tỉnh, vùng sâu vùng xa vốn ít cơ hội tiếp xúc sân khấu sàn diễn.

“Nhưng đến khi tôi nghe 1 người làm băng đĩa nói, chỉ cần đưa họ 1 cuốn tuồng có đầu có đuôi, có bài ca là họ quay liền, không cần xem xét chất lượng kịch bản, thì mọi thứ đã khác. Người làm video cải lương từng làm rất tốt nhưng rồi lại tự đánh mất dần lòng tin của khán giả” – soạn giả Hoàng Song Việt nói.

Tương tự, cải lương truyền hình cũng là  kênh đưa SKCL lan tỏa đến mọi nhà. Ban đầu là những vở tuồng được quay với chất lượng gần như chuyển tải đầy đủ sức sống sàn diễn trên sóng truyền hình. Tuy nhiên sau đó thời lượng dần bị rút ngắn, kịch bản phải cắt gọt, chọn diễn viên không phù hợp để tiết kiệm chi phí, giờ phát sóng lùi từ giờ vàng đến 2 giờ khuya, 4 giờ sáng. Từ đó, cải lương truyền hình chỉ còn là thứ phẩm lấp sóng. Dù vậy, cần ghi nhận Đài truyền hình TPHCM đã khai sinh được các chương trình cải lương truyền hình, đặc biệt là Vầng trăng cổ nhạc, Chuông vàng vọng cổ hay Ngân mãi chuông vàng với hình thức mới lạ, góp phần giữ lửa và lan tỏa SKCL nhiều năm qua.

Tiến sĩ Lê Hồng Phước – Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM – cho rằng: SKCL đã thể hiện rõ khả năng thích ứng linh hoạt với thời đại qua các hình thức video cải lương, cải lương truyền hình và hiện nay là cải lương internet. “Cải lương video hay cải lương truyền hình, cải lương internet không triệt tiêu sân khấu sàn diễn mà là 1 kênh để quảng bá cải lương, đưa cải lương đến với rộng rãi công chúng cả trong và ngoài nước. Từ hơn 10 năm trước, tôi đã gợi ý các nghệ sĩ nên tự quảng bá hình ảnh qua mạng xã hội thì nay gần như nghệ sĩ nào cũng có kênh YouTube riêng, tự sản xuất, phát hành sản phẩm trên kênh của mình. Tuy nhiên, cái gì cũng phải có liều lượng và cách làm phù hợp. Khi video cải lương sản xuất hàng loạt hay cải lương internet tràn lan thiếu kiểm soát chất lượng thì dĩ nhiên sẽ lại ảnh  hưởng đến hình ảnh cải lương” – tiến sĩ Lê Hồng Phước chia sẻ.

Phải biết khán giả muốn gì

Theo anh Nguyễn Mộng Long – con của soạn giả Quy Sắc – có thời gian, người làm cải lương đã duy ý chí khi chỉ tập trung vào các vở tuồng đúng định hướng mà bỏ quên nhiều kịch bản rất hay. “Tại sao khi video cải lương ra đời lại được đón nhận nồng nhiệt đến vậy? Vì khai thác đề tài đa dạng, đáp ứng nhu cầu giải trí đang quá đơn điệu của quần chúng. Thế nhưng công chúng hiện nay là ai, cải lương phải làm gì để phục vụ họ thì dường như SKCL hiện nay chưa quan tâm lắm” – anh Nguyễn Mộng Long chia sẻ.

Tồn tại hơn 20 năm, “Vầng trăng cổ nhạc” là chương trình cải lương truyền hình lâu năm nhất hiện nay.

Tồn tại hơn 20 năm, “Vầng trăng cổ nhạc” là chương trình cải lương truyền hình lâu năm nhất hiện nay.

Cũng theo anh Nguyễn Mộng Long, nhiều năm qua, chiếm lĩnh sàn diễn là cải lương tuồng cổ, nhưng nhìn lại lịch sử, cái làm nên đẳng cấp cho SKCL chính là tuồng xã hội. “Trước đây, có nhiều tuồng xã hội lay động lòng người của các tác giả Năm Châu, Hà Triều – Hoa Phượng, Thu An, Quy Sắc… Họ đã đưa hình ảnh khán giả vào trong vở, người xem cải lương thấy được mình trong đó. Hiện nay, công chúng có thấy được bản thân, thấy được số phận, thấy được thời đại của mình trong tác phẩm cải lương hay không?” – anh Nguyễn Mộng Long đặt vấn đề.

Đồng quan điểm, với góc nhìn 1 khán giả, anh Nguyễn Phúc An – Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM – cho rằng, người làm cải lương hôm nay chưa bắt kịp nhu cầu khán giả, thậm chí chưa coi trọng công chúng. “Tôi cảm thấy rất tiếc 600.000 đồng tiền vé để xem 1 vở cải lương tuồng cổ nội dung sao chép, bài bản cắt ghép tùy tiện, đưa nhạc mới vào tuồng rất lạc quẻ. Hiện nay, ngồi nhà tôi có thể thưởng thức 1 vở tuồng kinh điển của các nghệ sĩ thế hệ vàng thì tại sao lại phải đến rạp để xem 1 vở diễn không hay, tài năng diễn viên cũng không đủ thuyết phục?” – anh Nguyễn Phúc An nói.

Anh Nguyễn Mộng Long cho rằng: “Cải lương muốn tồn tại và phát triển phải đứng vững trên nền tảng văn hóa dân tộc, thấm sâu hồn cốt dân tộc, nhưng phải không ngừng đổi mới, cách tân. Nhưng làm gì thì làm, cái gọi là cái mới, cái hiện đại, cái tích cực trước tiên phải qua sự thẩm định của công chúng, được khán giả yêu thương và nuôi dưỡng thì mới có thể tồn tại và phát triển lâu dài”. 

Theo Ninh Lộc/PNO

 

Bình luận (0)