Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Thế giới ngôn từ của văn chương Nhật Bản đương đại

Tạp Chí Giáo Dục

Thế hệ nhà văn Nhật Bản đương đại đã và đang khắc dấu ấn sâu đậm trên văn đàn thế giới với những tên tuổi được kỳ vọng cho giải Nobel cùng những tác phẩm “phản địa đàng”, tiếng nói ám ảnh, cảnh báo về hiện thực đầy ấn tượng.

Ảo mộng và thực tại

Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam (The Japan Foundation) và Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam vừa giới thiệu với bạn đọc tác phẩm Hiến đăng sứ của nữ nhà văn Tawada Yoko – một tác phẩm “phản địa đàng” có sức dẫn dụ mê hoặc đến kỳ lạ. Đây cũng là một trong những tác phẩm văn chương đương đại Nhật Bản được bàn luận, phân tích nhiều trong các group về văn học trên mạng xã hội thời gian qua. Tác phẩm càng khó đọc, chứa đựng nhiều thông điệp ngầm lại càng thu hút sự quan tâm trao đổi của bạn đọc về chiều sâu tác phẩm. Điều đó cũng chứng tỏ thành công và dấu ấn của nhà văn Tawada Yoko trong việc đặt ra những thử thách bằng ngôn ngữ và chinh phục người đọc, cho người đọc quá trình tự cảm nhận và tái khám phá tác phẩm qua nhiều góc độ.

Với những tác phẩm giá trị và ấn tượng, các nhà văn đương đại của văn học Nhật Bản đã và đang ghi dấu ấn sâu đậm trên văn đàn thế giới

Với những tác phẩm giá trị và ấn tượng, các nhà văn đương đại của văn học Nhật Bản đã và đang ghi dấu ấn sâu đậm trên văn đàn thế giới

“Phản địa đàng” (tiếng Anh là Dystopia, có gốc từ tiếng Hy Lạp) là khái niệm được dùng để nói đến các xã hội hay thế giới ở khía cạnh tiêu cực, đáng sợ. Theo nhà nghiên cứu Nhật Chiêu, văn học “phản địa đàng” có thể được hiểu theo cách đơn giản nhất là sự hoài nghi của con người về thiên đàng mà nhân loại từ xưa đã mơ ước, nghĩ về ở một thế giới khác. Các tác phẩm viết theo trường phái này sẽ cho người đọc bước vào một thế giới giả tưởng đầy ám ảnh với những vấn đề mà con người phải đối mặt: những biến động khôn lường, sự biến mất của hành tinh, sự sống hoặc sự suy tàn, thậm chí là diệt vong. Nữ nhà văn Tawada Yoko đã thể hiện điều đó trong tác phẩm Hiến đăng sứ (có thể được hiểu là “sứ giả của ánh sáng” – người nhận nhiệm vụ cầm đèn, giữ ngọn lửa soi sáng cho nhân loại).

“Tác phẩm này cần đọc chậm và đọc đi đọc lại, ngẫm để hiểu sâu. Tôi bị ấn tượng bởi những tiêu đề truyện ngắn trong tác phẩm: Rải rác khắp nơi trên trái đất, Đảo bất tử, Tháp Babel của các loài vật, Bên kia bờ hạnh phúc… Nhà văn đã viết về vấn đề ô nhiễm môi trường, sự biến mất của các dòng sông, nỗi lo sợ về chất phóng xạ, những vấn đề giáo dục… Tất cả đều đó đã và đang trực tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến loài người. Giữa những mảng màu đen tối về thế giới tương lai ấy, tác phẩm vẫn toát lên tinh thần của tình yêu thương, ước vọng trong sáng và tràn đầy hy vọng” – tiến sĩ văn học Hồ Khánh Vân chia sẻ. 

Vẽ ra một viễn tưởng đầy ác mộng cho thế giới loài người, qua đó thể hiện tính cảnh báo là một trong những đặc điểm của văn học “phản địa đàng”. Câu chuyện u tối ở thì tương lai ấy chính là “quả” cho mọi “nhân” mà con người đã gieo ở hiện tại. Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu đánh giá Hiến đăng sứ là tác phẩm, dù đề cập đến tương lai của hành tinh, chính là phản ánh thực tại. Với tất cả giá trị đó, Hiến đăng sứ là tác phẩm được The Japan Foundation đặc biệt chọn quảng bá ra thế giới thời điểm này. 

Ứng cử sáng giá của Nobel văn chương

Trước thềm giải Nobel văn chương (dự kiến công bố vào tháng Mười), nhà văn Murakami Haruki một lần nữa được công chúng gọi tên. Nhưng theo nhà nghiên cứu Nhật Chiêu, Tawada Yoko cũng có thể là ứng viên sáng giá của giải thưởng năm nay. Trước Hiến đăng sứ, bà còn có tác phẩm Mắt trần (xuất bản tại Việt Nam vào năm 2011), cũng được đánh giá đầy sức quyến dụ, mê hoặc. 

Văn học Nhật Bản đương đại (tính từ năm 1989 đến nay) đã có 2 nhà văn từng được vinh danh tại giải thưởng danh giá này: Kenzaburo Oe (năm 1994) và Kazuo Ishiguro (nhà văn Anh gốc Nhật, được trao giải Nobel văn chương năm 2017). Và không chỉ có Murakami Haruki, những tên tuổi nổi bật, được yêu thích nhiều thập niên qua còn có: Banana Yoshimoto (Bóng từ ánh trăng, Say ngủ…), Murakami Ryu (Màu xanh trong suốt, Xuyên thấu, Thử vai, 3 đêm trước giao thừa…), Ichikawa Takuji (Em sẽ đến cùng cơn mưa, Nếu gặp người ấy cho tôi gửi lời chào…). Nổi lên với thể loại tiểu thuyết trinh thám còn có nhà văn Higashino Keigo với các tác phẩm: Bạch dạ hành, Vụ án mạng ở nhà khách núi Hakuba, Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya, Phía sau nghi can X…

Hiện thực xã hội với những vấn đề lớn như tham nhũng, tệ nạn, bạo lực hay ở khía cạnh đời sống, gia đình; “phản địa đàng” hay nỗi cô đơn của thân phận, thế giới nội tâm của những người trẻ đều có thể tìm thấy trong văn học Nhật Bản đương đại. Nhưng dù ở thể loại hay đề tài nào, các tác phẩm cũng đầy sức dẫn dụ và đặc biệt luôn gây ấn tượng với người đọc về sự uyển chuyển, giàu mỹ cảm của ngôn từ. Trong những câu chuyện dù bi thương hay trần trụi đều cho người đọc nhìn thấy vẻ đẹp của sự soi rọi và tĩnh lặng. 

Ngày càng có nhiều tác phẩm văn học Nhật Bản đương đại được phát hành tại Việt Nam, liên tục tái bản và được độc giả bàn luận trên các diễn đàn đọc sách, cho thấy sự quan tâm lớn của bạn đọc Việt đối với văn học Nhật hiện nay; đồng thời cũng cho thấy sự phát triển và nhanh chóng khẳng định dấu ấn thế hệ nhà văn đương đại của văn học Nhật Bản trên văn đàn thế giới. 

Theo Cầm Thi/PNO

 

Bình luận (0)