Mong sao cho mỗi ngày, mỗi tháng sẽ xuất hiện ngày càng nhiều “sao tháng Giêng” để làm rạng sáng cho tương lai dân tộc.
Ảnh tư liệu
|
“Dậy! Dậy! Dậy!
Bên án gà vẫn gáy
Chim trên cây liền ngỏ ý chào mừng
Xuân ơi xuân, xuân có biết cho chăng
Thẹn cùng sông, buồn cùng núi, tủi cùng trăng
Hai mươi năm lẻ đã từng chua với xót…”
Cái nỗi niềm chua xót của thế hệ thanh niên thời xưa- thời của nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu thế kỷ trước là nỗi chua xót vì đại họa mất nước mà toàn dân phải chết dần trong thảm cảnh nô lệ.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 bằng sức mạnh của toàn dân đại đoàn kết dành lá cờ của Mặt trận Việt Minh được sự lãnh đạo của Đảng tiền phong, đã nhất tề đứng dậy làm cuộc tổng khởi nghĩa thành công, giành lại được độc lập cho đất nước, giải phóng người dân khỏi khiếp đời nô lệ.
Tuy nhiên, kẻ thù đế quốc thực dân cũ và mới sau đại chiến thế giới thứ hai lại muốn quay lại thống trị đất nước ta một lần nữa. Chúng chia cắt đất nước ta làm hai miền, dùng võ lực phản cách mạng để dày xéo lên một nửa đất nước. Lại một lần nữa, sau một thế kỷ tranh đấu hy sinh vì độc lập, nhân dân và thanh niên ta lại phải bước lên đường tranh đấu hơn 20 năm mới giành lại được nền thống nhất đất nước.
Tổ quốc ta, nhân dân ta, đã phải hy sinh biết bao của cải, tài sản và sinh mệnh, mới có được một ngày nay hãnh diện làm dân một nước độc lập, thống nhất trong hòa bình.
Tuy nhiên, những hậu quả nặng nề của chiến tranh chưa được hoàn toàn xóa hết.
Một bộ phận nhân dân còn sống cảnh thiếu thốn, nghèo nàn, lạc hậu giữa một thế giới không ngừng đổi mới, tiến lên.
Ngày nay, cái nỗi “thẹn cùng sông, buồn cùng núi, tủi cùng trăng” là nỗi thẹn, nỗi buồn, nỗi tủi của người công dân một dân tộc anh hùng đã từng “xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ” từng đi đầu trong phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, từng được thế giới vinh danh là “lương tâm của thời đại, là phẩm giá của loài người".
Ba mươi năm chiến đấu vì độc lập, vì thống nhất, nhưng thế hệ Hồ Chí Minh đã không xao nhãng việc học và việc dạy; nên dù trong khói lửa chiến tranh, nước ta vẫn đã đào tạo được cho mình ở trong và ngoài nước một thế hệ khoa học cách mạng dù không nhiều nhưng cũng tương đối đủ ở các ngành khoa học cơ bản về toán, lý, cơ, năng lượng và năng lượng nguyên tử, cũng như ở các ngành kinh tế mũi nhọn cho kiến thiết hòa bình như các ngành học kinh tế- kế hoạch, sản xuất công nghiệp nông nghiệp, điều tra địa chất, thăm dò khai thác dầu khí, thăm dò nghiên cứu tài nguyên biển…
Tên tuổi của những nhà khoa học có năng lực như các Giáo sư Hoàng Tụy, Nguyễn Cảnh Toàn, các Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu, Nguyễn Văn Chiển, các Giáo sư Tôn Thất Tùng, Phạm Gia Triệu cùng các môn sinh của các ông đã đứng được ở đầu ngành để phục vụ được cho sự phát triển của đất nước.
Ngày nay, thế hệ đầu ngành trước, với tuổi già, đang cần người kế cận.
Trong chế độ bao cấp, người học là vào học theo quy hoạch của nhà nước, nên học xong là được sử dụng theo nhu cầu.
Ngày nay, ngành học là do người học tự chọn, nên xảy ra hiện tượng có những ngành cần cho sự phát triển bền vững và lâu dài của đất nước như những ngành khoa học cơ bản cần thiết như toán, lý, cơ, sinh, hóa, công nông nghiệp và các khoa học xã hội nhân văn thì ở những địa hạt ấy nhu cầu thực nhiều, nhưng sinh viên và nghiên cứu sinh thì chưa nhiều.
Tình trạng học nhưng đến lúc ra trường, không đáp ứng được nhu cầu xã hội, phải kiếm sống bằng mọi cách làm ăn riêng, không theo được ngành nghề đã đào tạo, là một sự lãng phí lớn đối với gia đình và xã hội. Rõ ràng là guồng máy sản xuất xã hội cần có một chương trình đào tạo nhân lực quy mô có quy hoạch thống nhất.
Và cũng rõ ràng là mỗi học sinh, sinh viên cũng cần phải xác định mục đích học tập cho đúng đắn: có học vì mục đích phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đáp ứng đúng nhu cầu của xã hội ngày nay và tương lai thì mới có được một chỗ đứng vững vàng của cá nhân trong cuộc sống cộng đồng.
Quyền lợi địa phương phải phục tùng ưu tiên xem trọng quyền lợi của đất nước, tránh địa phương chủ nghĩa. Quy hoạch vĩ mô của đất nước phải từng giai đoạn điều chỉnh quy hoạch vi mô của địa phương.
Có như vậy mới tránh được sự lãng phí chất xám ở nơi này, và sự thiếu thốn chất xám ở nơi khác, cản trở sự phát triển của đất nước trên bình diện chung.
Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2011, để thảo luận và thông qua Chương trình công tác của Chính phủ năm 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ rõ: “Phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng thực trạng” để có những quyết sách đúng.
Tại buổi làm việc với Ban Bí thư Trung ương Đoàn (ngày 7/1), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, thanh niên là rường cột của đất nước.
Bởi thế, việc giáo dục thanh niên, rèn luyện thanh niên, đào tạo và sử dụng thanh niên hiện nay đang là một nhiệm vụ cấp bách của Đảng và Nhà nước ở mỗi địa phương trong cả nước.
Phải đào tạo lứa tuổi trẻ từ bé đến lớn, trở thành những công dân có lý tưởng cách mạng yêu nước, có trí tuệ hiện đại, có đạo đức trong sáng, có thể lực cường tráng, có thẩm mỹ lành mạnh để xây dựng xã hội mới.
Còn thanh niên, học sinh, sinh viên cần thấm thía lời dạy của Bác Hồ: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc, năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”.
Thanh niên, học sinh, sinh viên ta ngày nay muốn rèn đức, luyện tài, thì còn phải tránh xa các tệ nạn xã hội, có lối sống lành mạnh, biết xác định cho mình tự nguyện, tự giác, noi theo lý tưởng cao đẹp vì Tổ Quốc, vì nhân dân, để có một chỗ đứng xứng đáng trong cộng đồng dân tộc.
Nhân ngày 9/1- ngày truyền thống của học sinh sinh viên toàn quốc, tại nhiều địa phương trên cả nước, nhiều tấm gương thanh niên sinh viên, những "sao tháng Giêng" trên bầu trời tuổi trẻ được tuyên dương. Mong sao mỗi ngày, mỗi tháng sẽ xuất hiện ngày càng nhiều “sao tháng Giêng” để làm rạng sáng cho tương lai dân tộc.
Trần Thái Bình
(Chinhphu.vn)
Bình luận (0)