Dân số Nhật Bản đã giảm năm thứ 12 liên tiếp do số ca tử vong tăng và tỉ lệ sinh tiếp tục giảm, theo dữ liệu của chính phủ Nhật Bản công bố ngày 12.4.
Người dân đi bộ trên đường phố ở Tokyo, Nhật Bản.
Số liệu cho thấy dân số Nhật Bản ở mức 124,49 triệu người vào năm 2022, giảm 556.000 người so với năm trước.
Con số đó thể hiện sự thay đổi tự nhiên về số ca tử vong và số ca sinh nở, cũng như dòng người nhập cảnh và rời khỏi quốc gia này.
Trong cuộc họp báo ngày 12.4, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết, Nhật Bản năm ngoái ghi nhận sự thay đổi tự nhiên về dân số lớn nhất, với mức giảm 731.000 người.
Sự thay đổi này bao gồm cả dòng người nhập cư vào Nhật Bản, khiến số liệu này tăng thêm 175.000 người.
“Điều cần thiết là phải thực hiện các biện pháp kiên quyết để giải quyết tỉ lệ sinh ngày càng giảm, vốn là một yếu tố chính dẫn đến giảm dân số. Đây là một trong những vấn đề ưu tiên hàng đầu cần được giải quyết” – ông Matsuno nói.
CNN cho hay, Nhật Bản có một trong những nước có tỉ lệ sinh thấp nhất trên thế giới, cũng như là một trong những quốc gia có tuổi thọ trung bình cao nhất.
Theo dữ liệu của chính phủ vào năm 2020, cứ khoảng 1.500 người ở Nhật Bản lại có 1 người từ 100 tuổi trở lên.
Điều đó có nghĩa là dân số già ngày càng tăng, lực lượng lao động bị thu hẹp và không đủ thanh niên để lấp đầy khoảng trống trong lực lượng lao động, từ đó gây ra khủng hoảng nhân khẩu học kéo dài nhiều thập kỷ.
Xu hướng này xuất hiện trên khắp đất nước, với tất cả 47 tỉnh thành của Nhật Bản, ngoại trừ Tokyo báo cáo sự sụt giảm dân cư vào năm ngoái. Một ngôi làng ở miền Trung Nhật Bản chỉ ghi nhận 1 đứa trẻ được sinh sau 25 năm.
Tình hình nghiêm trọng đến mức, hồi tháng 1, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cảnh báo các nhà lập pháp rằng nước này “đang trên bờ vực không thể duy trì các chức năng xã hội” do tỉ lệ sinh giảm.
Thủ tướng Kishida thông tin thêm, việc hỗ trợ nuôi dạy trẻ là “chính sách quan trọng nhất” của chính phủ và việc giải quyết vấn đề dân cư cần được thực hiện ngay lập tức.
Người dân đi dã ngoại tại công viên Yoyogi ở Tokyo, Nhật Bản.
Một số nhà nghiên cứu và nhà khoa học khí hậu cho rằng, sự suy giảm dân số có thể mang lại lợi ích cho các hệ sinh thái đang bị tàn phá và giảm lượng khí thải khi khủng hoảng khí hậu đang trở nên tồi tệ hơn.
Tuy nhiên, việc dân số suy giảm cũng gây rắc rối cho các quốc gia như Nhật Bản, với ít người lao động hơn để hỗ trợ cho hệ thống hưu trí và y tế, cũng như có ít người để chăm sóc người già hơn.
Tháng 4.2023, Nhật Bản đã ra mắt Cơ quan Trẻ em và Gia đình, tập trung vào các biện pháp hỗ trợ cha mẹ như thành lập thêm các nhà trẻ và cung cấp các dịch vụ cho thanh thiếu niên.
Lối sống đô thị bận rộn và thời gian làm việc dài khiến một số người Nhật Bản có ít thời gian để lập gia đình. Ngoài ra, chi phí sinh hoạt ngày càng tăng đồng nghĩa với việc sinh con là quá đắt đỏ đối với nhiều người trẻ.
Theo nghiên cứu từ tổ chức tài chính Jefferies, vào năm 2022, Nhật Bản được xếp hạng là một trong những nơi đắt đỏ nhất thế giới để nuôi dạy trẻ nhỏ. Nền kinh tế của đất nước đã bị đình trệ kể từ đầu những năm 1990, đồng nghĩa với việc mức lương thấp và rất ít khả năng thăng tiến.
Sự sụt giảm số lượng công dân Nhật Bản trong năm qua cũng làm nổi bật quan điểm bảo thủ sâu sắc của chính phủ đối với vấn đề nhập cư. Người nước ngoài chỉ chiếm 2,2% dân số Nhật Bản vào năm 2021, so với 13,6% ở Mỹ.
PV (theo laodong)
Bình luận (0)