Bên cạnh hoạt động trưng bày, triển lãm để thu hút khách, các bảo tàng trên địa bàn TP.HCM còn triển khai xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh bằng nhiều nội dung, hình thức. Qua đó, các bảo tàng đã lan tỏa tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến toàn thể cán bộ, nhân viên, người lao động, giúp khách tham quan hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ông Trần Thế Thuận (Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cùng lực lượng công an TP.HCM tham quan triển lãm “Bác Hồ với lực lượng công an nhân dân” tại Bảo tàng Hồ Chí Minh
Đa dạng cách làm
ThS. Nguyễn Khắc Xuân Thi (Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM) cho biết, trong thời gian qua, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM đã triển khai nhiều hoạt động trong việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Trong đó, bảo tàng đã tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như cuộc đời và sự nghiệp của Bác đến toàn thể đảng viên, người lao động. Hàng năm, bảo tàng còn tổ chức trưng bày, triển lãm ảnh về cuộc đời, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân ngày sinh của Bác (19-5), ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước (5-6) để công chúng, đoàn viên, thanh niên, thế hệ trẻ hiểu biết sâu sắc hơn về Bác, qua đó tôn vinh, tuyên truyền, giới thiệu Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất. Đặc biệt, bảo tàng còn xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong khuôn viên thư viện. Trong không gian này có cờ Đảng, cờ Tổ quốc, các câu trích “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”; “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết” và “Thành công, thành công, đại thành công”, phía trước được đặt một tủ trưng bày các ấn phẩm có nội dung về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại đây còn một số hình ảnh của Bác với công tác di sản văn hóa, tái hiện không gian làm việc của Bác tại hang Pác Bó bằng hình thức in panô vách kết hợp bài trí bộ bàn ghế tre… “Học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, bảo tàng còn triển khai những công việc cụ thể như: Tổ chức chăm lo cho viên chức, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức làm vệ sinh, làm đẹp cảnh quan môi trường. Hàng năm, bảo tàng còn đề xuất khen thưởng cá nhân thực hiện tốt “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, ThS. Xuân Thi chia sẻ.
Để khách tham quan hiểu rõ hơn về Bến Nhà Rồng, thời gian qua Bảo tàng Hồ Chí Minh thường tổ chức các chương trình ca nhạc về Bác Hồ nhân dịp các ngày lễ lớn, thực hiện chương trình “Mỗi kỷ vật – Một câu chuyện”. Bên cạnh đó, bảo tàng còn tổ chức các triển lãm Bác Hồ với công an, Bác Hồ với thiếu nhi, xuất bản sách về Bác. Những hoạt động này đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan.
Việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng không chỉ dừng lại ở chính quyền, đoàn thể mà còn lan tỏa đến từng cá nhân. Cụ thể, bảo tàng đã tổ chức các cuộc thi về học tập và làm theo lời Bác Hồ – Bác Tôn giúp cán bộ, nhân viên, người lao động chia sẻ các câu chuyện liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Tôn Đức Thắng, các gương người tốt việc tốt nhằm giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Bên cạnh đó, bảo tàng cũng thực hiện các cuộc triển lãm lưu động với chủ đề Bác Hồ – Bác Tôn tại trường học, khu công nghiệp, trung tâm văn hóa trên địa bàn TP. Song song đó, Bảo tàng Tôn Đức Thắng còn thực hiện triển lãm, trưng bày hình ảnh, tư liệu, sách về cuộc đời, hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vận động quyên góp sách và xây dựng tủ sách Bác Hồ nhằm khuyến khích và phát triển văn hóa đọc trong cán bộ, nhân viên, người lao động, tạo hiệu ứng tích cực để đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đi vào chiều sâu.
Tạo sức lan tỏa
Bà Nguyễn Thị Kim Voanh (đại diện Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ) cho hay, việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ đã tạo nên một không gian văn hóa riêng, mang đậm bản sắc về giới. Đặc biệt, bảo tàng nhấn mạnh đến tình cảm giữa Bác Hồ và phụ nữ miền Nam giúp công chúng có thêm cơ hội tìm hiểu thêm về Bác. Bên cạnh đó, bảo tàng còn chú trọng đến việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành nếp sống của tập thể cán bộ, viên chức tại bảo tàng. Đồng thời, bổ sung thêm nguồn tư liệu, sách, báo khoa học vào thư viện để xây dựng không gian đọc sách về Bác Hồ.
Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh tổ chức triển lãm “Khát vọng hòa bình của Hồ Chí Minh” thu hút đông đảo học sinh đến tham quan
Theo ông Nguyễn Đình Phấn (Bí thư Chi đoàn, Bảo tàng Tôn Đức Thắng), xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp đảng viên, người lao động tại đơn vị có điều kiện tiếp cận thông tin với nội dung đầy đủ, chi tiết về quê hương, gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh; hành trình tìm đường cứu nước… “Điều đó còn góp phần tạo nên văn hóa, sức mạnh tinh thần của cá nhân tại đơn vị trong tình hình hiện nay. Cụ thể hóa những yêu cầu đó, đội ngũ đảng viên, người lao động tại bảo tàng không ngừng hoàn thiện bản thân theo tấm gương Bác Hồ. Qua đó, tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và chuyên môn tại đơn vị”, ông Phấn chia sẻ.
Theo ThS. Nguyễn Thị Anh (Phòng Nghiên cứu sưu tầm, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh), xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, bảo tàng tiếp tục phát huy thành công triển lãm “Khát vọng hòa bình của Hồ Chí Minh” từ khi Người bắt đầu ra đi tìm đường cứu nước cho đến khi nằm xuống. Triển lãm khi được mang đến các trường học, khu công nghiệp, khu chế xuất, các đơn vị đều tạo nên một Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại đó. Mỗi Không gian văn hóa Hồ Chí Minh này sẽ được duy trì trong một khoảng thời gian phù hợp với từng đơn vị. “Trong giai đoạn từ 2022 đến hết quý 1 năm 2023 Không gian văn hóa Hồ Chí Minh lưu động “Khát vọng hòa bình của Hồ Chí Minh” đã được mang đến 5 trường học. Đồng thời, từ những nội dung đã nghiên cứu và xây dựng, bảo tàng đã hỗ trợ thực hiện Không gian văn hóa Hồ Chí Minh cho Trường Tiểu học Trương Quyền. Tiếp nối hiệu quả trên, bảo tàng hiện đã được một số trường học khác đề nghị hỗ trợ thực hiện Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”, ThS. Anh cho biết.
Hồ Trinh
Bình luận (0)