Dù tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn, làm mất mỹ quan đô thị nhưng tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trên địa bàn TP.HCM luôn tái diễn. Tuy nhiên, từ ngày 1-9 tới đây quy định mới về việc sử dụng vỉa hè, lòng đường sẽ có hiệu lực. Người dân muốn sử dụng vỉa hè, lòng đường phải tuân thủ nguyên tắc và đóng phí theo quy định.
Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường khiến con đường Nguyễn Duy Dương (Q.10) nhếch nhác, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông
Nguy cơ gây tai nạn
Lấn chiếm vỉa hè, lòng đường là vấn đề nan giải trên địa bàn TP.HCM trong thời gian qua. Dù chính quyền địa phương, cơ quan chức năng đã quyết liệt xử lý nhưng vẫn tái diễn. Bởi người vi phạm khi gặp cơ quan chức năng tìm mọi cách né tránh, sau đó lại tiếp tục mua bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.
Tình trạng này xuất hiện chủ yếu ở những khu vực kinh doanh ăn uống, các chợ, phía trước khu công nghiệp, khu chế xuất. Chợ Hòa Hảo (Q.10) là một trong những khu vực điển hình của việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Dù buổi sáng hay buổi chiều thì con đường Nguyễn Duy Dương (trước chợ) luôn tấp nập người mua bán, xe cộ. Các xe ba gác chở hàng hóa cồng kềnh dừng ngay lòng đường để bán hàng. Những xe bán hàng này thường có giá rẻ nên thu hút đông người dân đến mua. Có lúc các xe mua hàng của người dân đậu tràn ra đường khiến khu vực ùn tắc. Một số người tham gia giao thông thiếu ý thức chạy, dừng bất ngờ khiến xe sau không kịp xử lý dẫn đến va chạm, gây thương tích. Mỗi khi cơ quan chức năng xuống kiểm tra, những người mua bán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè tìm cách chạy trốn, khi cơ quan chức năng đi qua lại bày ra mua bán. Do đó, việc xử lý người vi phạm vô cùng khó khăn.
Không chỉ ở khu vực các chợ, phía trước các khu công nghiệp, khu chế xuất cũng rất điển hình trong việc vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Cứ vào giờ tan ca, trước Khu công nghiệp Đông Nam (huyện Củ Chi) lại lộn xộn, bởi người mua, kẻ bán lấn chiếm lòng lề đường. Người bán lần lượt mang các loại thực phẩm bày bán ven đường hoặc để hàng hóa ngay trên xe, thậm chí để thu hút khách hàng, hàng hóa còn bày bán tràn lan xuống lòng đường.
Có cầu ắt có cung, thế là chợ tự phát xuất hiện với đầy đủ các loại hàng hóa, giá cả phải chăng. Song, việc mua bán tự phát như trên kéo theo nhiều hệ lụy. Nhiều người bán vô tư tụ tập buôn bán lấn chiếm hết phần đường dành cho người đi bộ, xe mô tô 2 bánh. Còn người mua chủ yếu là công nhân thì dừng, đậu xe trên lòng đường. Trong khi đó, dưới lòng đường lưu lượng phương tiện tham gia giao thông qua lại đông đúc, đặc biệt là các xe tải, xe container. Vào giờ cao điểm công nhân tan ca thì tình trạng giao thông bị ùn ứ. Việc họp chợ tự phát như trên không những tạo nên hình ảnh nhếch nhác mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Đồng thời, việc hình thành khu chợ tự phát, kéo theo không ít hệ lụy như ô nhiễm môi trường, nguồn gốc thực phẩm trôi nổi… gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân.
Quyết định số 32 có hiệu lực sẽ góp phần giảm tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, tạo mỹ quan đô thị
Theo chính quyền huyện Củ Chi, để chấn chỉnh thực trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trước Khu công nghiệp Đông Nam, thời gian qua các cơ quan chức năng đã phối hợp cùng chính quyền địa phương tổ chức ra quân giải tỏa lấn chiếm hành lang an toàn giao thông khu vực. Tuy nhiên, đến nay thực tế việc buôn bán tái lấn chiếm lòng lề đường trước Khu công nghiệp Đông Nam vẫn tái diễn.
Quy định có hiệu lực từ ngày 1-9
Nhằm bảo đảm an toàn, hiệu quả và mỹ quan đô thị, từ ngày 1-9 tới, Quyết định số 32/2023/QĐ-UBND ban hành quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn TP.HCM sẽ có hiệu lực. Quyết định mới này thay thế Quyết định 74 năm 2008 về quản lý và sử dụng lòng đường, hè phố.
Theo đó, chính quyền TP.HCM cho phép các trường hợp được sử dụng tạm vỉa hè, lòng đường và đóng phí làm nơi tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa, điểm trông giữ xe có thu phí, nơi tổ chức hoạt động văn hóa và giữ xe phục vụ hoạt động này, điểm trung chuyển vật liệu, phế thải… Nguyên tắc khi sử dụng tạm một phần lòng đường, vỉa hè phải đảm bảo không gây mất trật tự, an toàn giao thông; không chắn ngang nơi đường giao nhau, trước cổng và trong phạm vi 5m.
Chiều rộng hè phố dành cho người đi bộ tối thiểu từ 1,5m. Nếu sử dụng ngoài mục đích giao thông phải bảo đảm phần lòng đường còn lại đủ bố trí tối thiểu 2 làn ô tô cho một chiều lưu thông. Trường hợp đặc biệt do UBND TP.HCM quyết định.
Ngoài ra, Quyết định 32 cũng quy định việc sử dụng tạm một phần lòng đường, vỉa hè phải được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép hoặc chấp thuận cũng như phân loại đối tượng, trường hợp phải nộp phí theo quy định, việc thu và nộp phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố thực hiện theo quy định tại luật phí, lệ phí và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Trước đó, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã có dự thảo đề án thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè. Dự thảo đưa ra mức thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè để kinh doanh là 20.000-100.000 đồng/m2/tháng và mức thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè để trông giữ xe là 50.000-350.000 đồng/m2/tháng, tùy vị trí các tuyến đường.
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, toàn TP có 1.238 tuyến đường có bề rộng lòng đường từ 7,5m trở lên với chiều dài 1.716km và 929 tuyến đường có vỉa hè rộng từ 3m trở lên với chiều dài 673,31km. Nếu triển khai quy định trên, số phí thu được sẽ mang lại cho ngân sách TP.HCM khoảng hơn 1.500 tỷ đồng/năm.
Thúy Kiều
Bình luận (0)