Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Nhai kẹo cao su quá nhiều có thể gây loét dạ dày

Tạp Chí Giáo Dục

Kẹo cao su giúp miệng thơm tho, giảm căng thẳng, thèm ăn nhưng nếu dùng lúc đói hay quá nhiều có thể gây đầy hơi, loét dạ dày.
BS.CKI Hoàng Đình Thành (Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết, kẹo cao su có mùi hương dễ chịu, nhiều công dụng tốt cho sức khỏe nếu sử dụng đúng cách, đúng thời điểm. Nhiều người nhai kẹo cao su hàng ngày cho vui miệng, nhai khi rảnh rỗi, trong lúc làm việc hoặc khi cơn đói bụng kéo đến để quên đi cảm giác thèm ăn. Tuy nhiên, lạm dụng kẹo cao su khi đói có thể gây hại cho sức khỏe, ảnh hưởng đến dạ dày.
Nhai kẹo cao su không đúng cách có thể gây hại cho đường tiêu hóa.
Bác sĩ Thành giải thích, trong quá trình nhai kẹo cao su, chúng ta nuốt nước bọt liên tục, vô tình nuốt một lượng lớn không khí vào bụng. Nếu nhai loại kẹo này quá nhiều làm tăng nguy cơ mắc phải tình trạng ruột kích thích vì không khí dư thừa gây đầy hơi, chướng bụng, đau bụng. Kẹo cao su không đường có chứa những chất tạo ngọt nhân tạo như sorbitol, mannitol… có nguy cơ gây rối loạn tiêu hóa, đau bụng, chướng bụng, tiêu chảy, đầy hơi, thậm chí béo phì do tăng cân tiềm ẩn.
Những người muốn giảm cân bằng cách nhai kẹo cao su trong lúc đói để đẩy lùi cơn thèm ăn cũng vô tình làm hại hệ tiêu hóa. Nguyên nhân là do khi nhai, một lượng lớn dịch vị được tiết ra để tiêu hóa thức ăn. Khi không có thức ăn được đưa vào mà dịch vị và nước bọt vẫn tiết ra liên tục khiến dạ dày dư thừa axit. Nếu thói quen này diễn ra thường xuyên có thể dẫn đến bệnh lý ở đường ruột như loét dạ dày, đầy bụng, chướng hơi…
Ngoài các vấn đề cho hệ tiêu hóa, nhai loại kẹo này thường xuyên còn tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, phá hỏng men răng, rối loạn hàm do nhai quá nhiều gây đau nhức đầu – cổ, khiến cho cử động hàm trở nên khó khăn hơn.
Kẹo cao su hay kẹo gum là một dạng kẹo mềm với thành phần chính cơ bản là chất nền dẻo, chất tạo ngọt, chất làm mềm và hương liệu. Kẹo cao su vốn làm từ nhựa cây chicle (một loại cây ở vùng Trung Mỹ). Sau này, nó được thay thế bằng cao su tổng hợp hoặc hỗn hợp các chất nền nhân tạo và tự nhiên.
Theo bác sĩ Thành, mọi người chỉ nên nhai kẹo cao su tối đa 15 phút và bỏ khi đã hết mùi vị; mỗi ngày sử dụng 1-2 lần, mỗi lần nên cách nhau vài giờ. Không nên nhai kẹo cao su vào lúc đói mà nên dùng sau bữa ăn 20 phút khi dạ dày đã đầy thức ăn; không nên nhai trước khi ngủ hoặc ngậm kẹo khi ngủ.
Loại kẹo này không dành cho trẻ dưới 6 tuổi vì trẻ có thể nuốt và bị hóc, viêm dính ruột. Không thay thế kẹo cao su cho việc đánh răng. Người có dấu hiệu bất ổn về đường tiêu hóa cần đi khám ngay để được các bác sĩ chẩn đoán và điều trị nếu có bệnh lý đường ruột.
NT (theo khoahoc.tv)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)