Hội nhậpThế giới 24h

Khủng hoảng nợ công: Nghịch lý các nước đang phát triển nghèo đi

Tạp Chí Giáo Dục

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã buộc nhiều quốc gia vay mượn nhiều hơn, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass cảnh báo thế giới đang đối mặt với làn sóng khủng hoảng nợ công thứ 5.

Ngân hàng Thế giới (WB) hôm 6-12 cho biết nợ nước ngoài của các nền kinh tế đang phát triển đã tăng hơn gấp đôi so với một thập kỷ trước, lên 9 ngàn tỉ USD trong năm 2021, cảnh báo cuộc khủng hoảng nợ mà các quốc gia này đối mặt ngày càng gia tăng.

Nhiều quốc gia đã đối mặt hoặc có nguy cơ rơi vào tình trạng nợ nần khi lạm phát toàn cầu gia tăng và lãi suất tăng cao.

Khủng hoảng nợ công: Nghịch lý các nước đang phát triển nghèo đi - Ảnh 1.

Người đàn ông đứng bên ngoài ngôi nhà bị phá hủy sau bão ở Cộng hòa Dominica. Ảnh: Reuters

Ngân hàng Thế giới cho biết tăng trưởng toàn cầu chậm lại đáng kể trong năm 2022, với nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới gia tăng vào năm 2023 trong bối cảnh "một trong những giai đoạn thắt chặt chính sách tiền tệ diễn ra đồng bộ nhất trên phạm vi quốc tế" trong 50 năm qua.

Ông Malpass nói thêm: "Cần có một cách tiếp cận toàn diện để giảm nợ, tăng tính minh bạch và tạo điều kiện tái cơ cấu nhanh hơn để các quốc gia có thể tập trung vào chi tiêu hỗ trợ tăng trưởng và giảm nghèo".

WB cho biết các nước nghèo nhất đủ điều kiện vay từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) hiện chi hơn 1/10 doanh thu xuất khẩu của họ để trả nợ công dài hạn và nợ nước ngoài được bảo lãnh công khai. Đây là tỉ lệ cao nhất kể từ năm 2000.

Theo Reuters, các khoản thanh toán nợ công của những nước nghèo nhất thế giới dự kiến tăng 35% từ năm 2021 đến 2022, lên khoảng 62 tỉ USD trong khi các khoản thanh toán trong hai năm tới dự kiến vẫn ở mức cao một phần do lãi suất tăng và giá trị các đồng tiền yếu đi.

Theo Bộ trưởng Tài chính Ghana Ken Ofori-Atta, Ghana, cùng với Sri Lanka và Zambia, đang phải đối mặt với một cuộc đại tu nợ, đã chứng kiến các khoản thanh toán lãi vay của họ tăng lên từ 70 đến 100% nguồn thu của chính phủ.

WB cho rằng tình trạng nợ tăng ở các nước nhấn mạnh một nhu cầu cấp thiết phải cải thiện tính minh bạch của nợ công.

Đối với các quốc gia đủ điều kiện vay IDA, tỉ lệ chủ nợ tư nhân đã tăng gấp 4 lần kể từ năm 2010 lên 21% trong năm 2021, trong khi tỉ lệ nợ nước ngoài trên tổng thu nhập quốc dân tăng từ 20% lên 36,2% trong cùng kỳ.

Theo Xuân Mai/NLĐO

 

Bình luận (0)