Năm 2021, trong bối cảnh tác động nặng nề của dịch Covid-19 lần thứ 4, TP.HCM vẫn nỗ lực ổn định thị trường, liên kết cùng các tỉnh, thành đưa hàng Việt chất lượng, uy tín đến tận tay người tiêu dùng. Theo đó, việc triển khai và thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn TP ngày càng đi vào chiều sâu, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành vi ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam của người tiêu dùng.
Đại biểu tham quan các gian hàng giới thiểu sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam
Thay đổi thói quen “sính ngoại”
Theo Ban Chỉ đạo Cuộc vận động TP, thực hiện 5 nhóm giải pháp của UBND TP, trong đó đối với công tác phát triển hệ thống phân phối, các chợ đầu mối đã phát huy hiệu quả, làm đầu mối tập hợp và phân bổ, điều phối nguồn hàng cho TP và các tỉnh xung quanh. Đa số các hệ thống phân phối lớn đều tham gia, liên kết với các doanh nghiệp trong chương trình bình ổn thị trường, đồng thời tích cực tham gia, hưởng ứng tốt chương trình hành động của TP nhằm thực hiện hiệu quả cuộc vận động.
Ông Ngô Thanh Sơn – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động – cho biết, thông qua các hoạt động giao lưu kết nối, xúc tiến thương mại, kết nối ngân hàng – doanh nghiệp đã góp phần thúc đẩy doanh nghiệp TP nâng cao hơn sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, hướng đến tiêu chí “Hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam”, góp phần thiết thực và hiệu quả cho cuộc vận động.
“Doanh nghiệp tuy chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng cũng là dịp phát huy sáng tạo, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, quản trị để thích ứng, rõ nét nhất là khi TP thực hiện giãn cách xã hội, chú trọng hơn về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa. Còn người tiêu dùng đã từng bước nhận thức đúng đắn hơn khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam và chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam; tâm lý “sính ngoại” của một bộ phận người tiêu dùng đã có sự thay đổi, phong cách tiêu dùng mới từng bước được xây dựng…”, ông Sơn nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Chiên – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Q.Tân Phú – cho biết: “Qua công tác tuyên truyền, vận động, sự phối hợp giữa các ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể đã lồng ghép với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” với nhiều phương thức đa dạng, phong phú đã từng bước nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân ý thức tiêu dùng hàng Việt Nam là yêu nước. Theo đó, tỷ lệ mua sắm tiêu dùng hàng Việt Nam, nhất là hàng Việt Nam chất lượng cao ngày càng nhiều hơn trong nhân dân”.
Tại Q.Bình Tân, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân, đơn vị kinh doanh đã xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên, doanh nghiệp và người dân tích cực tham gia hưởng ứng. Từ đó, cuộc vận động được lan tỏa sâu rộng trong các khu dân cư, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của người tiêu dùng, ưu tiên lựa chọn sử dụng các sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất trong nước thay vì các mặt hàng ngoại nhập, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ như trước đây. Các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh trên địa bàn quận cũng đã chú trọng nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư trang thiết bị, đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng, hạ giá thành nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, phát triển và đưa hàng hóa đến người tiêu dùng.
Khẳng định vị thế của hàng Việt
Cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn TP ngày càng đi vào chiều sâu, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành vi ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam trên địa bàn; từ đó, góp phần khẳng định vị thế của hàng Việt Nam với chủng loại đa dạng, chất lượng nâng cao, giá cả hợp lý, chiếm tỷ trọng lớn trong hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ trên địa bàn TP; đồng thời, tạo hiệu ứng lan tỏa đến các tỉnh, TP trong cả nước, nhất là các địa phương có quan hệ hợp tác thương mại với TP và từng bước mở rộng xuất khẩu.
Người tiêu dùng chọn mua hàng Việt Nam tại siêu thị
Đối với năm 2022, ông Nguyễn Hồ Hải – Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động TP.HCM – đề nghị các tổ chức Đảng, các cấp, các ngành từ TP đến cơ sở cần tổ chức triển khai, quán triệt và thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động trong tình hình mới. Trọng tâm tuyên truyền sâu rộng tạo sự thống nhất, tạo chuyển biến thực sự về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các nhóm giải pháp thuộc Chương trình hành động của TP về Cuộc vận động. Tập trung vào các nhóm giải pháp đa dạng, mở rộng hình thức, quy mô xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với người tiêu dùng, hình thành các liên kết chiến lược giữa các doanh nghiệp phân phối, giữa phân phối và sản xuất, góp phần tăng cường liên kết nội bộ, liên kết vùng để hình thành và phát triển chuỗi cung ứng, phân phối hàng hóa có giá trị, ổn định và dẫn dắt thị trường.
Đặc biệt, để thích ứng với sự phát triển của xã hội cũng như đáp ứng các nhu cầu của người tiêu dùng, cần quan tâm đến vấn đề thương mại điện tử. Các sở, ngành TP cần đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển thương mại điện tử theo hướng tạo điều kiện, khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động ứng dụng thương mại điện tử và các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ số.
Bên cạnh triển khai thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2022 “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”, cần tổ chức giới thiệu các sản phẩm công nghệ mới, các ngành hàng thuộc lĩnh vực sản phẩm chủ lực của TP; qua đó thúc đẩy nâng cao giá trị và tiêu chuẩn hàng hóa Việt. Đồng thời, cung cấp thông tin thị trường, chất lượng hàng hóa Việt Nam để người dân lựa chọn…
Phú Cát
Bình luận (0)