Chưa năm nào, công tác tổ chức thi lại bị động như năm nay. Đội ngũ thanh tra ủy quyền của Bộ GD&ĐT đến từ các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng phải điều chỉnh liên tục đến sát ngày thi; trong giờ thi vẫn phát hiện, truy vết thí sinh thuộc diện F khiến một số điểm thi phải dừng hoặc điều chỉnh phương án tổ chức.
Trước buổi thi, thí sinh tại điểm thi Trường THCS Lê Quý Ðôn, TPHCM được kiểm tra thân nhiệt và yêu cầu khai báo y tế, trình giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính. Ảnh: NGÔ TÙNG |
Dừng thi khẩn cấp
Sáng 7/7, Phú Yên dừng khẩn cấp tổ chức thi tốt nghiệp tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, huyện Tây Hòa và điểm thi Trường THCS Trần Hưng Đạo, thành phố Tuy Hòa. Nguyên nhân là hai điểm thi này có yếu tố về dịch tễ. Hơn 700 thí sinh sẽ thi vào đợt 2.
Cũng trong sáng qua, điểm thi Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TPHCM phát hiện 1 thí sinh đang thi môn Văn có vấn đề về sức khỏe. Thí sinh được test nhanh, kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Tại điểm thi Trường THCS Đặng Trần Côn, quận Tân Phú, TPHCM có 1 thí sinh F0 đến làm thủ tục chiều 6/7 (hôm sau không đến điểm thi). Tại Trường THPT Lê Thánh Tôn, quận 7, TPHCM có 1 thí sinh F0 đến làm thủ tục chiều 6/7 và dự thi môn Văn sáng 7/7.
Kiểm tra thi tại Bắc Giang sáng 7/7, Thứ trưởng Bộ GD&ÐT Phạm Ngọc Thưởng yêu cầu địa phương tổ chức kỳ thi đảm bảo an toàn phòng dịch, nghiêm túc quy chế. “Từng cán bộ, nhân viên tham gia làm thi tuyệt đối không chủ quan bởi chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể gây ra ảnh hưởng lớn cho kỳ thi. Quá trình tổ chức thi có các tình huống phát sinh, việc xử lý làm sao thuận lợi nhất cho thí sinh, người lớn nỗ lực giải quyết khó khăn”, ông nói |
Chiều 6/7, một học sinh của Trường THPT Lạng Giang số 3, tỉnh Bắc Giang đến trường để làm thủ tục dự thi, sau đó về trạm y tế xã để xét nghiệm nhanh COVID-19, kết quả dương tính với SARS-CoV-2, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang, ông Bạch Đăng Khoa, cho biết. Ngay sau khi nhận được thông tin, Ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tỉnh Bắc Giang quyết định điều chỉnh phương án thi đối với điểm thi tại Trường THPT Lạng Giang số 3, cho 472 thí sinh chuyển sang thi đợt 2.
Ông Lê Văn Dị, Hiệu trưởng Trường THPT Quảng Xương 1 (Thanh Hóa), nói: “Nếu 1 thí sinh F0 lọt vào điểm thi, rõ ràng những thí sinh khác sẽ bị ảnh hưởng, lo lắng mình liệu có bị lây nhiễm không, từ đó cũng có thể ảnh hưởng tới kết quả bài thi, nhất là những em chưa chắc chắn về mặt kiến thức”. Ông Nguyễn Quốc Bình, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), cho rằng, nếu địa phương có COVID-19 chưa thể kiểm soát dịch thì có thể tổ chức thi đợt 2 và các trường ĐH cân đối tỷ lệ tuyển sinh để dành chỉ tiêu cho thí sinh không phải là điều khó khăn. Theo một chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, các địa phương, điểm thi, người có trách nhiệm liên quan phải thực hiện nghiêm túc quy trình rà soát, phân loại, đo nhiệt độ, giãn cách… “Thực hiện quy trình qua loa, cho có, cho xong sẽ để lại hậu quả”, vị chuyên gia nhận định.
Nhiều cảm xúc
Sáng 7/7, sau khi tới thị sát và động viên thí sinh, giám thị tại điểm thi Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cùng đoàn công tác tới kiểm tra công tác tổ chức thi tại 2 điểm thi tại Trường THPT Kỳ Sơn và Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh Hoà Bình. “Kỳ thi năm nay diễn ra trong bối cảnh nhiều thách thức, vừa đảm bảo kỷ cương trường thi, vừa lo phòng chống dịch COVID-19, vừa lo phòng chống thiên tai, bão lũ nên có nhiều khó khăn, thách thức và nhiều cảm xúc”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Ðình chỉ giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tân Yên
Ngày 7/7, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang giao Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Giang ban hành ngay quyết định đình chỉ công tác bà Ngô Thị Thu Hà – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tân Yên, và thành lập hội đồng xét kỷ luật vì liên quan thí sinh nghi mắc COVID-19. Trước đó, chiều 6/7, tại Trường THPT Lạng Giang số 3 phát hiện 1 học sinh lớp 12 (ngụ xã Liên Chung, huyện Tân Yên) nghi dương tính với SARS-CoV-2. Vì thế, 472 thí sinh tại điểm thi Trường THPT Lạng Giang số 3 phải chuyển sang thi đợt 2.
Nguyễn Thắng
|
Theo ông Sơn, bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, địa phương cần đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, chất lượng, khách quan, công bằng; đồng thời làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, bão lũ, sạt lở đất… Giám đốc Sở GD&ĐT Hoà Bình, bà Bùi Thị Kim Tuyến, cho biết, với thí sinh ở Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT của tỉnh, nhà trường yêu cầu tất cả học sinh, kể cả những em ở ngoài, phải vào ở ký túc xá từ đầu tháng 6 đến khi kỳ thi kết thúc để đảm bảo công tác phòng chống dịch. Điểm thi xa nhất của tỉnh thuộc huyện Đà Bắc, cách thành phố Hòa Bình hơn 100km, rất dễ bị chia cắt thi có mưa lũ, nên UBND tỉnh đã đề nghị lực lượng công an, quân đội sẵn sàng phương án vận chuyển bài thi, đề thi khi thiên tai xảy ra.
Ngày thi đầu tiên kết thúc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ trao đổi nhanh với báo chí về công tác tổ chức thi. Ông Độ nói rằng, các điểm thi cần làm công tác tư tưởng giúp thí sinh yên tâm, tự tin để làm bài thi đạt kết quả cao nhất; cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia làm nhiệm vụ kỳ thi cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng dịch, vừa làm việc. “Tôi đề nghị tất cả các thầy cô, với tinh thần nhân văn, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh nhưng cũng thật nghiêm khắc đối với những hành vi không đúng trong phòng thi”, ông nói.
Theo Nghiêm Huê – Nguyễn Hà/TNO
Bình luận (0)