UBND TP.HCM vừa gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, đề xuất giải pháp duy trì, ổn định sản xuất, chuỗi cung ứng an toàn trước bối cảnh dịch Covid-19.
Bị tác động bởi dịch Covid-19, các doanh nghiệp sản xuất lương thực thực phẩm rất cần sự hỗ trợ trong sản xuất để đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa cho người dân
UBND TP cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trong thời gian qua, tình hình hoạt động và sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng rất nặng nề. Trong khi đó, tất cả các nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ cho việc sản xuất của các doanh nghiệp trong ngành lương thực, thực phẩm tại TP.HCM đều lệ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu đến từ các tỉnh, nhất là 19 tỉnh thành phía Nam. Bất cứ một sự đứt gãy nào đều sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, xuất khẩu và đời sống người dân.
Qua ghi nhận ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp và tình hình thực tế, UBND TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tỉnh phải đặt hoạt động sản xuất nông nghiệp là thiết yếu, cần được ưu tiên, tạo mọi điều kiện duy trì sản xuất, không bị đứt gãy nguồn cung trong thời gian tới. Trong đó, bảo đảm vùng nguyên liệu và nguồn nguyên liệu an toàn cho sản xuất và cung ứng lương thực thực phẩm thiết yếu cho TP.HCM và xuất khẩu khi kiểm soát được dịch Covid-19.
Để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh ngoài các nguyên liệu chính thì các doanh nghiệp sản xuất đầu cuối phải nhập từ nhiều loại nguyên phụ liệu khác nhau. Trong tình hình hiện nay, khả năng các nhà cung cấp nguyên phụ liệu phải dừng hoạt động khi xuất hiện trường hợp F0 có thể xảy ra bất cứ lúc nào; khi đó doanh nghiệp không nhập được nguyên liệu và phải ngừng sản xuất, dẫn đến hàng hóa tiêu dùng, lương thực thực phẩm thiết yếu sẽ bị thiếu.
Vì thế, UBND TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép doanh nghiệp có thể thay đổi nguyên liệu, tỷ lệ nguyên liệu nhưng chất lượng không thay đổi; được sử dụng bao bì hiện tại để giảm chi phí sản xuất và gửi báo cáo chi tiết cho các cơ quan quản lý nhà nước liên quan, thông tin minh bạch, cam kết không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Mặt khác, việc tăng dự trữ nguồn nguyên liệu sản xuất cũng như dự trữ trong nước là rất cần thiết, nhất là ngành lương thực, thực phẩm. Các doanh nghiệp cần được ưu tiên hấp thụ nguồn vốn từ ngân hàng thông qua hỗ trợ cho vay mới và giảm lãi suất cho vay để gia tăng, tiếp tục ổn định sản xuất, tránh nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng.
UBND TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngành ngân hàng hỗ trợ cho doanh nghiệp lương thực, thực phẩm và các doanh nghiệp sản xuất vật tư tiêu hao phục vụ ngành y tế trên địa bàn TP về miễn giảm lãi suất vay và cho vay mới với hạn mức tín dụng cao hơn.
Đẩy nhanh quá trình giải ngân các khoản vay; chủ động về nguồn vốn gắn với các chương trình tín dụng ưu đãi, gói tín dụng với mức lãi suất ưu đãi để bổ sung nguồn vốn nhằm thu mua dự trữ nguyên liệu, vật tư hàng hóa dành cho các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu.
Điều chỉnh nâng hạn mức định giá những tài sản thế chấp để tăng giá trị vốn vay lưu động từ 70% lên 85%, nhằm giảm áp lực phải tìm thêm tài sản thế chấp.
Hiện nay vẫn còn tình trạng chưa thống nhất phương thức kiểm soát phương tiện vận chuyển hàng hoá tại các chốt kiểm soát giữa các tỉnh, TP. Việc lưu thông hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh, nhu yếu phẩm, chưa kịp thời; chưa được giải quyết triệt để, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn.
UBND TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, TP thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1015 ngày 25-7-2021 về việc vận chuyển hàng hoá thiết yếu phục vụ đời sống người dân vùng có dịch Covid-19, chỉ kiểm tra phương tiện vận chuyển hàng hoá tại nhà máy, tại kho, không kiểm tra trên đường.
Chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với Bộ Công an và Bộ Y tế ban hành phương thức kiểm tra phương tiện vận chuyển người và hàng hóa lưu thông qua các chốt kiểm soát dịch bệnh để thống nhất áp dụng trong khu vực thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 và trên cả nước; xây dựng luồng, tuyến ưu tiên cho các xe vận chuyển hàng hóa lưu thông tại các chốt kiểm soát dịch bệnh tại địa phương, tránh ảnh hưởng đến thời gian vận chuyển, nhất là đối với các mặt hàng thực phẩm.
N.Trinh
Bình luận (0)