Trên cao nguyên Trung phần nói chung, TP.Đà Lạt nói riêng giai đoạn đầu thế kỷ XX do người Pháp cai quản. Bởi vậy, “dấu ấn Pháp” đã lưu lại qua hàng trăm công trình kiến trúc nhuốm màu thời gian. Trong đó, ga Đà Lạt – một không gian của miền hoài niệm, trước nay là điểm đến tham quan, nghiên cứu của đông đảo khách du lịch, các nhà khoa học trong và ngoài nước…
Đầu máy và 2 toa tàu là cuộc hành trình trên tuyến đường 7km… Ảnh T.D.H
“Dấu ấn Pháp”
Câu nói “Đà Lạt là một tiểu Pari” chẳng biết xuất hiện trong đời sống của cư dân trên xứ sở ngàn hoa từ bao giờ. Song, sự hiện hữu của nhiều công trình mang đậm kiến trúc Pháp cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 lưu lại đã thể hiện sự ưu ái của người Pháp dành cho “tiểu Pari” ở Đà Lạt – Việt Nam khá rõ nét!
Cư dân thành phố sương mờ mỗi sáng thức dậy đã thấy hình ảnh chú gà trống đứng trên cây thánh giá ở chóp cao chót vót của Nhà thờ Con Gà Đà Lạt. Nếu đi loanh quanh trên các tuyến phố sẽ gặp những công trình: Nha Địa Dư, Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, Trường THPT Bùi Thị Xuân (trường nữ sinh trung học ngày xưa), ga Đà Lạt, hay hàng trăm dinh thự, biệt thự cổ nằm trên các con đường: Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Nguyễn Du, Yersin, Phạm Hồng Thái, Trần Phú… Nhiều công trình kiến trúc này một số được trùng tu và đưa vào khai thác và một số dinh thự, biệt thự (vì nhiều lý do) bị bỏ hoang nhuốm màu ký ức!
Theo tài liệu ghi lại, tuyến đường sắt Phan Rang – Đà Lạt; điểm bắt đầu tại ga Tháp Chàm (Ninh Thuận) và điểm đến cuối cùng là ga Đà Lạt (dài 84km) được người Pháp khởi công từ năm 1908 đến năm 1932 hoàn thành (kinh phí lúc đó trên 200.000 France). Trên toàn tuyến đường sắt này có 12 nhà ga, 5 hầm chui; đặc biệt, có 2 đoạn đường sắt răng cưa vượt đèo dài gần 14km. Đây là tuyến đường sắt cổ kính nhất và độc đáo nhất; bởi đoạn đường răng cưa vượt đèo này có một không hai trên toàn xứ Đông Dương. Sau thời gian khai thác đến năm 1968, tuyến đường sắt Phan Rang – Đà Lạt dừng hoạt động bởi chiến tranh; sau năm 1975 được khôi phục lại một phần và đến 1986 ngưng hoạt động hoàn toàn…
Dù tuyến đường sắt dừng hoạt động; song, nhà ga Đà Lạt tiếp tục được Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đầu tư hơn 3 tỷ đồng để xây dựng, chỉnh trang các hạng mục: trồng cây xanh, hoa, xây dựng một số tiểu cảnh xung quanh khu vực nhà ga; nâng cấp đường nội bộ, bãi đỗ xe, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng… để phục vụ khách du lịch.
Du khách yêu thích chụp hình bên những toa tàu cổ… Ảnh T.D.H
Với lối kiến trúc phương Tây độc đáo được gắn kết hài hòa với phong cảnh đặc trưng của tự nhiên Đà Lạt, ga Đà Lạt thực sự là một kiến trúc hết sức đẹp, một “tác phẩm” mỹ thuật độc đáo mang hơi thở châu Âu xa xôi và cũng thật gần gũi với tâm tình của các thế hệ người Đà Lạt…
Toàn bộ không gian bên ngoài của ga Đà Lạt được thiết kế ba hình chóp trên mái; đây là hình ảnh cách điệu từ ngọn núi Langbiang hùng vĩ; với kiểu mái nhà rông truyền thống văn hóa của đồng bào Tây Nguyên tái hiện tạo điểm nhấn cho ga Đà Lạt khác biệt với bất cứ nhà ga nào ở Việt Nam, trong khu vực và trên thế giới.
Năm 2001, ga Đà Lạt được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ VH,TT&DL) công nhận là Di tích kiến trúc cấp quốc gia…
Không gian hoài niệm
Ga Đà Lạt nằm cách nhà tôi ở chừng 600m và trên cùng một con đường (đường Quang Trung – phường 9 – Đà Lạt); mỗi ngày 4 lượt đi làm về tôi đều ngang qua đây… Gần 30 năm lập nghiệp trên phố núi là chừng ấy năm tôi chứng kiến bao nhiêu đổi thay của Đà Lạt và sự “hồi sinh”, hoạt động và ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn của công trình kiến trúc này đối với đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Nhiều khách du lịch mỗi khi đặt chân đến thành phố này thì ga Đà Lạt là sự ưu tiên lựa chọn để tham quan, nghiên cứu, trải nghiệm, nhất là khách nước ngoài, giới khoa học và tuổi trẻ. Thường vào các dịp nghỉ lễ, nghỉ hè, 2 toa tàu lặng lẽ lăn bánh chầm chậm đi – về trên cung đường dài 7km (đưa đón và trả khách từ ga Đà Lạt đến Trại Mát – thuộc phường 11 – Đà Lạt).
Dù tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt đã trở thành hoài niệm; song, cung đường 7km này và công trình kiến trúc nhà ga Đà Lạt vẫn rộn ràng du khách đến tham quan, chụp ảnh, check in và chênh chao trên chuyến tàu giữa lòng phố núi!
Điều thuận lợi để tuyến đường sắt (có lẽ ngắn nhất thế giới) tồn tại và phát triển là vì ở cuối tuyến (điểm dừng) có chùa Linh Phước (thường gọi chùa “ve chai” – phường 11). Đây là công trình kiến trúc tôn giáo mang đậm bản sắc Á Đông đã được xác lập kỷ lục Việt Nam (năm 2010); kỷ lục châu Á (năm 2012) và năm 2017, tượng Phật Quan Thế Âm Bồ Tát được kết bằng hoa bất tử lớn nhất thế giới của ngôi chùa này đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng chứng nhận kỷ lục thế giới.
Khi tàu lửa đến đây sẽ dừng lại chừng 30 phút để du khách tham quan ngôi chùa cổ kính (xây dựng từ năm 1949), điểm đến không thể bỏ qua. Sau đó, du khách lên tàu trở về ga Đà Lạt và kết thúc cuộc hành trình đầy thú vị này…
Ga Đà Lạt được thiết kế hình ngọn núi Langbiang của Đà Lạt. Ảnh T.D.H
Giữa mênh mông rừng thông, hồ, thác, thiên nhiên và cảnh quan yên bình, chợt thi thoảng nghe gióng lên tiếng còi tàu làm cư dân bản địa (dù đã quá quen) cũng lắm khi thao thiết bao điều. Còn đối với du khách được trải nghiệm cung đường sắt xuyên qua những vườn rau, hoa, cây trái của phố núi cũng sẽ thấy tâm hồn thư thái, nghe những dư âm hoài niệm và có cảm giác “lạc” vào chốn xa xưa trong miền ký ức…
“Mỗi lần lên Đà Lạt tôi đều tìm đến nơi đây dù để chụp vài tấm hình gửi bạn bè hiện sống ở nước ngoài, hoặc tham gia chuyến tàu “ngắn nhất”, với tôi ga Đà Lạt lưu lại ký ức của tôi và bạn bè thời trai trẻ” – đó là tâm sự của anh Bình Thanh đến từ Khánh Hòa. Còn đối với Jenmissa Lenles – cô giáo trẻ người Pháp đang công tác tại TP.HCM thì “Đến Đà Lạt tôi gặp lại quê nhà; tiểu Pari hoa lệ cổ xưa hiện hữu trên thành phố xinh đẹp của Việt Nam…”.
Đà Lạt đang bước vào mùa nắng cao nguyên – mùa đẹp nhất trong năm, bạn hãy đến với thành phố này trong dịp kỷ niệm 128 năm hình thành và phát triển để đến thăm, dù một lần nhà ga Đà Lạt – công trình kiến trúc Pháp (cũng đã gần một thế kỷ) hiện hữu trên vùng đất này để chênh chao trên chuyến tàu đi về miền ký ức…
Thanh Dương Hồng
Bình luận (0)