Cùng kỳ này năm 2020, BV Nhi đồng Cần Thơ tiếp nhận và điều trị nội trú cho 97 bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng (TCM) thì nay riêng điều trị nội trú tại BV là 887 ca. Cùng với đó là cả ngàn trường hợp điều trị ngoại trú…
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi mắc tay chân miệng tại Khoa Truyền nhiễm, BV Nhi đồng Cần Thơ. Ảnh: Đ.Phượng
BS.CKII Huỳnh Hùng Dũng – Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Nhi đồng Cần Thơ – cho biết: Hiện nay, khoa tiếp nhận điều trị trung bình từ 70 ca đến trên 100 ca TCM/ngày. Đến thời điểm này, chưa có ca tử vong.
Nhiều bệnh nhi nặng phải cấp cứu
Có mặt tại BV Nhi đồng Cần Thơ vào những ngày giữa tháng 5, chúng tôi ghi nhận rất nhiều trẻ mắc bệnh TCM đang được điều trị tại đây.
Chị Nguyễn Thị Thơm (xã Thới Hưng, huyện vùng sâu Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ), cho biết: Con trai chị (bệnh nhi Phan Nhựt M. – 28 tháng tuổi) bị nổi bóng nước trên cơ thể từ ngày 30-4. Ngay sau đó chị đã đưa con đến BV Đa khoa Long Xuyên, An Giang. BV chẩn đoán cháu mắc bệnh TCM nên cho thuốc điều trị, hết các bóng nước. Nhưng một tuần sau cháu M. lại sốt cao, bỏ ăn, quấy khóc, thở khò khè. Theo đó chị Thơm đưa con đến khám tại phòng mạch tư. Qua 3 ngày, bệnh nặng hơn, cháu M. thường xuyên giật mình khi ngủ, chới với, sợ quá chị Thơm vội đưa con đến BV Nhi đồng Cần Thơ. Tại BV Nhi đồng Cần Thơ, cháu M. được chẩn đoán mắc bệnh TCM độ 2 nên được chỉ định nằm tại phòng bệnh nặng, BS và điều dưỡng thường xuyên theo dõi diễn tiến bệnh.
Chị Thơm cho biết thêm, tại trường mầm non nơi cháu M. học, có 1 bé mắc bệnh TCM nhưng không nổi bóng nước nên phụ huynh vẫn cho con đi học. Khi bị sốt cao, đưa đến BV mới biết bé đó mắc bệnh TCM.
BS Anh Thư, phụ trách điều trị cho bé Phan Nhựt M. cho biết: “Lần đầu bệnh nhi mắc TCM thể nhẹ. Lần tái nhiễm này M. mắc bệnh với chủng virus nặng hơn, được chẩn đoán bệnh TCM độ 2A. Cháu được chỉ định điều trị bằng các loại thuốc nâng đỡ thể trạng, giảm đau, an thần, hạ sốt, giảm thiểu và ngăn chặn những biến chứng nặng của bệnh”.
TP.HCM: Dịch bệnh xảy ra tại tất cả các quận, huyện Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, số ca mắc TCM tại TP từ năm 2014 đến năm 2020 giảm nhiều so với giai đoạn năm 2011-2013. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến nay số ca bệnh TCM đã tăng gần gấp 2 lần so với trung bình cùng kỳ từ năm 2017-2020. Đáng lưu ý số ca bệnh TCM nặng (độ 2B trở lên) đang có khuynh hướng gia tăng. Từ đầu năm đến nay, toàn TP ghi nhận gần 3.000 ca TCM nhập viện. Đáng nói có những tuần ghi nhận khoảng 350 ca mắc; dịch bệnh xảy ra tại tất cả các quận, huyện. Mới đây, tại buổi giao ban trực tuyến về công tác y tế dự phòng tháng 5-2021, BS Nguyễn Hữu Hưng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP – đã chỉ đạo, HCDC phối hợp Trung tâm Y tế TP.Thủ Đức và các quận, huyện tập trung đánh giá tình hình dịch bệnh TCM; có giải pháp phù hợp xử lý các ổ dịch trong cộng đồng, đặc biệt tập trung những nơi có số ca mắc nhiều và có ổ dịch như Q.6, 8, Bình Tân, Bình Chánh, Nhà Bè… H.Triều |
Theo BS Dũng, bệnh TCM mắc rải rác quanh năm. Năm nay bệnh bắt đầu tăng từ đầu tháng 3 tới nay, hầu hết trẻ mắc bệnh dưới 6 tuổi, nhiều nhất là trẻ dưới 3 tuổi. Do BV Nhi đồng Cần Thơ là tuyến cuối nhi khoa ở ĐBSCL nên bệnh nhi từ các BV trong khu vực chuyển đến đây đều là nặng, đa số từ độ 2B trở lên, (cơ sở y tế tuyến dưới chỉ điều trị bệnh TCM độ 1 – PV). Có ngày Khoa Truyền nhiễm chuyển bệnh nhi TCM nặng xuống Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc tới 4 ca. Có ca đang độ 1 đột ngột suy hô hấp, chuyển độ 3. Một số ca nặng do nhiễm chủng virus có độc lực cao EV71; còn lại do người nhà không biết về bệnh TCM, chủ quan khi con có dấu hiệu bệnh, hoặc không theo dõi sát, không tuân thủ lời dặn về cách chăm sóc của BS điều trị khi bệnh mới độ 1…
“Cũng may các ca bệnh nặng đều tiến triển tốt, do các cháu được chúng tôi theo dõi sát và điều trị tích cực. Ngoài ra đa số phụ huynh, khi thấy con sốt, đưa đến các cơ sở y tế địa phương hoặc phòng mạch tư điều trị nhưng không khỏi, vẫn bỏ ăn bỏ bú, họ liền đưa trẻ đến BV Nhi đồng Cần Thơ…”, BS Dũng nói.
Tăng giường để bệnh nhi không phải nằm hành lang
Dù bệnh nhi nhập viện tăng cao nhưng số cháu nằm các giường bệnh kê ngoài hành lang không nhiều.
BS Ông Huy Thanh – Phó Giám đốc BV Nhi đồng Cần Thơ – cho biết: “Từ đầu năm 2021, BV đã lập kế hoạch chuẩn bị cơ số thuốc thiết yếu để sử dụng trong năm, đảm bảo nhu cầu khi bệnh TCM tăng (cao điểm là từ tháng 3 đến tháng 5, và từ tháng 9 đến tháng 11). Khoa Truyền nhiễm có 80 giường bệnh nhưng thực kê 96 giường, BV bố trí thêm nửa khu của Khoa Sốt xuất huyết, tổng cộng 120 giường. Nếu bệnh nhi tăng nhiều hơn thì sẽ điều động số giường của các khoa có ít bệnh và huy động nhân lực y tế từ các khoa khác hỗ trợ Khoa Truyền nhiễm. Khoa Truyền nhiễm cũng được bố trí 1 phòng cấp cứu và phòng bệnh nặng để những trường hợp bệnh có chuyển biến xấu sẽ được theo dõi và xử trí sớm, kịp thời”.
Để chủ động phòng tránh bệnh, Sở Y tế TP.Cần Thơ đã tăng cường tuyên truyền; trong đó đặc biệt lưu ý các trường mầm non, mẫu giáo, về những dấu hiệu, nguyên nhân gây bệnh TCM, cách nhận biết và biện pháp phòng chống như vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, nơi các bé học tập hoặc sinh hoạt, người chăm sóc bé và bản thân bé phải rửa tay thường xuyên với xà phòng. Sở cũng tăng cường công tác giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời, triệt để các ổ bệnh, các điểm nóng về TCM, cố gắng không để bệnh bùng phát thành dịch.
Đan Phượng
Bình luận (0)