Năm học 2021-2022 bắt đầu triển khai Chương trình GDPT 2018, SGK mới ở bậc lớp 6. Để thực hiện hiệu quả cao, TP.HCM đặt nhiệm vụ phấn đấu tăng ít nhất 5% tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày ở các địa phương, rà soát trang bị trang thiết bị, cơ sở vật chất, SGK.
Giáo viên chú trọng dạy học phân hóa đối tượng học sinh để không gây áp lực cho học sinh
Tăng cường công tác phối hợp với phụ huynh học sinh để hiểu rõ về chương trình mới để có sự đồng hành, nâng cao hiệu quả giáo dục. Mỗi giáo viên phải chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy, vận dụng kết hợp dạy giữa trực tiếp và trực tuyến… Đặc biệt chú ý phân hóa đối tượng dạy học để tránh gây áp lực cho học sinh, nhất là thời điểm đầu năm học.
Phấn đấu nâng tỷ lệ học 2 buổi/ngày tăng lên ít nhất 5%
Một trong những rào cản lớn nhất của TP.HCM khi thực hiện chương trình mới là áp lực về trường, lớp, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày ở các quận, huyện còn thấp. Trước khó khăn này, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu yêu cầu lãnh đạo các phòng GD-ĐT thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để xây dựng thêm trường học, phòng học đáp ứng yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày. Đặc biệt, đối với các địa phương có tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày thấp (dưới 50%) cần phải có giải pháp để tăng tỷ lệ này trong năm học mới lên ít nhất 5% so với năm học trước, ưu tiên bố trí học sinh lớp 6 được học 2 buổi/ngày.
Về phía nhà trường, lãnh đạo sở yêu cầu đánh giá thực trạng cơ sở vật chất hiện có, từ đó điều chỉnh, bố trí, sắp xếp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng, xác định nhu cầu xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo phòng học, phòng chức năng…, đảm bảo đủ điều kiện thực hiện chương trình mới. Kiểm tra thực trạng thiết bị dạy học hiện có để có kế hoạch sửa chữa, thay thế, mua sắm bổ sung. Ngoài ra, phòng giáo dục hướng dẫn các đơn vị xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch giáo dục tổ chuyên môn, kế hoạch kiểm tra đánh giá theo chuẩn kiến thức, kỹ năng để học sinh không gặp khó khi học, đọc các SGK mới của các NXB khác nhau. Trên cơ sở chuẩn kiến thức, kỹ năng và kế hoạch giáo dục của tổ, nhóm chuyên môn, giáo viên xây dựng kế hoạch giáo dục và kế hoạch bài dạy phù hợp với đối tượng học sinh.
Để chương trình mới thực hiện hiệu quả, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT đặc biệt lưu ý các nhà trường thực hiện thông báo đến phụ huynh học sinh danh mục SGK lớp 6 sử dụng trong năm học 2021-2022 qua các kênh trên trang thông tin điện tử nhà trường và bảng tin. Riêng SGK tiếng Anh, các loại hình lớp học tiếng Anh khác nhau có thể sử dụng SGK khác nhau. Trang bị đầy đủ tại thư viện các SGK lớp 6 theo danh mục phê duyệt của bộ cho giáo viên, học sinh tham khảo, mỗi đầu sách cần trang bị ít nhất 50 quyển, hỗ trợ giáo viên dạy học theo chủ đề với các SGK khác nhau. “Thời điểm chuẩn bị tựu trường, trước khai giảng, nhà trường cần tổ chức hướng dẫn học sinh kỹ năng đọc sách, bảo quản sách; Giáo viên bộ môn hướng dẫn học sinh đọc SGK, sách tham khảo, sách điện tử, cách thức tra cứu tài liệu trên internet và các yêu cầu của môn học, giúp học sinh học tập và tự học hiệu quả”, ông Hiếu chỉ rõ.
Làm tốt công tác phối hợp với phụ huynh
Là năm đầu tiên Chương trình GDPT 2018, SGK mới thực hiện ở bậc THCS, ông Hiếu chỉ rõ, hiệu trưởng các trường THCS, trường phổ thông nhiều cấp học có cấp THCS cần phải căn cứ vào Chương trình GDPT 2018, chương trình GDPT hiện hành và tình hình chất lượng đội ngũ để xây dựng cơ cấu tổ, nhóm chuyên môn, phân công giáo viên phù hợp giảng dạy lớp 6, nhất là ở các môn KHTN, lịch sử – địa lý, hoạt động trải nghiệm. “Lãnh đạo các đơn vị phải xây dựng dự thảo kế hoạch giáo dục nhà trường, hướng dẫn tổ, nhóm thảo luận, thống nhất nội dung kế hoạch giáo dục tổ, nhóm môn học để thực hiện chương trình mới ở khối lớp 6 và chương trình hiện hành ở các khối lớp còn lại. Quá trình xây dựng, các đơn vị cần chú ý đến công tác kiểm tra, đánh giá nhằm đảm bảo các yêu cầu cần đạt theo chuẩn kiến thức, kỹ năng. Tuyệt đối không để học sinh bị ảnh hưởng kết quả trong quá trình kiểm tra, đánh giá do việc sử dụng SGK của các NXB khác nhau”.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở GD-ĐT cũng cho rằng, hiệu trưởng các nhà trường phải tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên tham gia và hoàn thành tốt các chương trình đào tạo, bồi dưỡng và tập huấn theo quy định. Chỉ đạo giáo viên tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học đáp ứng với yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực người học; tổ chức hướng dẫn sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học. Trong đó, đặc biệt chú trọng tăng cường trao đổi thông tin để phụ huynh học sinh nắm được yêu cầu của đổi mới chương trình, đồng hành cùng nhà trường. “Hiệu trưởng phải chủ động tăng cường thăm lớp, có kế hoạch hỗ trợ để giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ khi triển khai thực hiện. Chủ động phối hợp với các NXB, cơ sở đào tạo giáo viên trong công tác bồi dưỡng, hỗ trợ chuyên môn cho giáo viên phù hợp”.
Đối với từng giáo viên, lãnh đạo Sở GD-ĐT nhấn mạnh, giáo viên cần căn cứ vào điều kiện thực tế của nhà trường, đối tượng học sinh được phân công để xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân theo kế hoạch của tổ, nhóm chuyên môn. Xây dựng kế hoạch bài dạy một cách sáng tạo, phù hợp với đối tượng học sinh, chú ý tận dụng tối đa các hình thức tổ chức dạy học tích cực, các hoạt động học tập trải nghiệm, các tiết thực hành nhằm hỗ trợ, hướng dẫn học sinh hình thành kiến thức, kỹ năng cơ bản, giúp các em tích cực học tập, trang bị kỹ năng tự học để học sinh hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ học tập được giao.
Theo ông Hiếu, trong quá trình thực hiện chương trình mới, mỗi giáo viên cần căn cứ vào yêu cầu cần đạt của từng môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình mới để xác định yêu cầu cần đạt theo từng giai đoạn giúp học sinh nắm vững kiến thức, kỹ năng. Xây dựng nội dung dạy học sao cho gần gũi, dễ hiểu phù hợp với từng đối tượng học sinh. “Thầy cô phải chú trọng đổi mới phương pháp, kỹ thuật, hình thức tổ chức, không gian tổ chức hoạt động dạy học. Trong đó, nên sử dụng linh hoạt thiết bị dạy học, vận dụng kết hợp dạy học trực tiếp và dạy học qua internet để mở rộng thời gian, không gian tổ chức dạy học cho học sinh, giúp học sinh có kế hoạch học tập và hứng thú hơn trong việc học”.
Trong giai đoạn đầu năm học, nhằm tránh gây áp lực cho học sinh, nhất là với học sinh tiếp thu bài chưa tốt, chưa hoàn thành các nhiệm vụ học tập, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP nhấn mạnh, giáo viên cần dạy học theo hướng phân hóa đối tượng, có biện pháp giáo dục phù hợp với những học sinh chưa theo kịp yêu cầu chung của lớp học. “Để chương trình mới thực hiện có hiệu quả, ngay từ thời điểm đầu năm học, các nhà trường, giáo viên phải làm tốt công tác phối hợp với phụ huynh bằng nhiều hình thức. Thông qua các cuộc họp phụ huynh đầu năm, nhà trường, giáo viên giải thích, hướng dẫn để phụ huynh hiểu về những thuận lợi, khó khăn trong thực hiện chương trình mới dựa trên đặc thù đơn vị, địa phương để cùng phối hợp. Các phòng giáo dục cũng phải tăng cường nắm bắt thông tin phản ảnh từ nhà trường, giáo viên, phụ huynh khi thực hiện chương trình mới để kịp thời “gỡ rối”, tìm giải pháp phù hợp…”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Đỗ Giang Quân
Bình luận (0)