TP.HCM được biết đến là TP luôn đi đầu, dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là tính mạnh dạn, sớm đưa công nghệ vào giáo dục và đào tạo. Quyết tâm của ngành GD-ĐT TP trong chuyển đổi số được thể hiện qua nhiều kênh, tính hiệu quả, linh hoạt, nhanh chóng trong triển khai dạy và học trong mùa dịch Covid-19.
Học sinh làm bài thi trên điện thoại
Với những thuận lợi như thế, để thành công trong chuyển đổi số giáo dục, theo nhiều chuyên gia, từng nhà trường, giáo viên cần phải tận dụng, mạnh dạn hơn nữa, đưa công nghệ gắn với tiến trình dạy học.
Trong Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3 tháng 6 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thể hiện các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp. Đây được đánh giá là nền tảng, là hành lang pháp lý để ngành giáo dục bắt tay chuyển đổi số một cách sâu, rộng. Ông Phạm Thế Trường (Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam) khẳng định, để nền kinh tế trở thành nền kinh tế số thì bắt buộc phải có nguồn nhân lực thích ứng với chuyển đổi số. Như vậy, ngành giáo dục đóng vai trò then chốt trong việc đào tạo ra những con người thích ứng với tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
“Tại Việt Nam, việc chuyển đổi số gặp khó khi triển khai đồng nhất bởi vướng mắc trong các yếu tố vùng miền, sự sẵn sàng của cơ sở hạ tầng, trang thiết bị máy móc để học sinh tiếp cận không gian số, xây dựng bài giảng số”, ông Trường nhận định.
Theo ông Trường, TP.HCM có ưu thế rất lớn để thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục. Thể hiện qua sự cấp tiến, cam kết và kinh nghiệm của lãnh đạo TP. Nền kinh tế TP.HCM cũng là nền kinh tế lớn nhất, tạo tiềm lực để thực hiện chuyển đổi số. Song, rào cản trong chuyển đổi số của TP là quy mô ngành giáo dục TP quá lớn, sự khác biệt giữa địa bàn trung tâm và ngoại thành. “Điều cần làm từ phía nhà trường, giáo viên ngay bây giờ và dài hơi trong công cuộc chuyển đổi số là khai thác triệt để yếu tố quyết tâm, xây dựng kế hoạch hành động. Linh hoạt, chủ động trong tận dụng tiếp cận kho học liệu số, dữ liệu số trên không gian mạng”.
Cũng theo ông Trường, xu hướng học từ xa, học trên internet sẽ không thể thay thế cho dạy học truyền thống nhưng sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc chuyển đổi số trong thời đại số. Dịch Covid-19 vừa qua có lẽ là cú hích rất lớn, tạo nhu cầu, thậm chí là sức ép để học sinh, giáo viên tham gia việc dạy và học trên nền tảng số. Với điều kiện các nhà trường đóng cửa nhưng vẫn đảm bảo việc dạy và học ở một mức độ nào đó thì nền tảng số đã trở thành nhu cầu rất lớn.
“Để một lớp học trực tuyến – dù là trong không gian nhỏ được thành công thì phụ thuộc rất nhiều vào thái độ của người dạy và người học, mà không phải hoàn toàn là yếu tố công nghệ. Cạnh đó là chất lượng chia sẻ kiến thức và môi trường dạy, học an toàn. Một lớp học dù là không gian nhỏ nhưng nếu không có tính an toàn thì có thể sẽ bị đánh cắp, bị chen ngang… Hành lang về chuyển đổi số, giải pháp chuyển đổi số rất rộng. Nền móng ban đầu, đồng nhất trong công tác chuyển đổi số thể hiện cụ thể qua công tác môi trường chuyển đổi số trong các nhà trường. Trong đó, môi trường từng nhà trường phải đảm bảo các yếu tố: Đầy đủ, có khả năng kết nối giúp nhà trường không bị chồng chéo nhiều nền tảng khác nhau; môi trường đảm bảo an toàn tuyệt đối với nhà trường, giáo viên, học sinh. Khi học sinh tham gia trong nền tảng số thì dữ liệu phải được bảo mật, liên lạc của nhà trường với gia đình phải được đảm bảo”.
Bên cạnh đó, ông Trường nhận định, để chuyển đổi số giáo dục thành công còn phụ thuộc vào cam kết, quyết tâm của cả giáo viên, học sinh, xuất phát điểm từ chính ban lãnh đạo nhà trường. Trên thực tế, nhiều hiệu trưởng có kế hoạch hành động cụ thể, công cụ đo lường, tạo sự chủ động trong chương trình giáo dục của nhà trường nhưng giáo viên không sẵn sàng, thiết bị và cơ sở hạ tầng chưa đồng nhất thì cũng rất khó để thành công.
Trong khi đó, ông Huỳnh Quốc Thắng (Giám đốc Hệ thống Trường học thông minh 789.vn) cho rằng, lo lắng hiện nay của các cơ sở giáo dục trong chuyển đổi số giáo dục, cụ thể là “chuyển đổi số” trong thi cử, kiểm tra, đánh giá về thi trực tuyến thường gặp phải: số lượng máy tính (điện thoại thông minh) không đủ; đường truyền internet và thiết bị phát wifi không đủ dung lượng; quy trình, quy chế, cách thức tổ chức một kỳ thi trực tuyến; chống gian lận trong kiểm tra online ra sao; xử lý tình huống về mất điện, mất kết nối internet, hư thiết bị như thế nào; cách ra đề thi, chấm điểm, bảo mật đề thi như thế nào… “Rào cản lớn nhất trong chuyển đổi số giáo dục vẫn là tính ngại thay đổi từ phía nhà trường, không dám bước ra ngoài vùng an toàn. Vì vậy, chuyển đổi số cần phải bắt đầu từ việc mạnh dạn, tính dám làm, dám đổi mới từ chính cán bộ quản lý”.
Chia sẻ về chuyển đổi số trong giáo dục với các nhà trường, TS. Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – cho rằng, việc chuyển đổi số trong giáo dục sẽ giúp nhà trường chủ động hơn trong xây dựng kế hoạch giảng dạy nhất là trong các tình huống như dịch Covid-19 vừa qua, từng bước tiệm cận với giáo dục hiện đại quốc tế. “Dạy học trực tuyến không chỉ nên là phong trào, làm cho có mà cần phải được xây dựng bài bản, thiết thực, phù hợp với đặc thù của từng nhà trường từng đối tượng học sinh, năng lực giáo viên, cơ sở vật chất, từng bước thực hiện”, ông Sơn nhấn mạnh.
Đỗ Yến Hoa
Bình luận (0)