Các chuyên gia giáo dục nghề nghiệp và việc làm đánh giá, trình độ chuyên môn và ngoại ngữ của lao động Việt Nam đang đối mặt với không ít thách thức và sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Một lớp học lập trình robot và tự động hóa tại Công viên phần mềm Quang Trung
Theo đó, để lao động Việt Nam có chỗ đứng trong doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI thì cần phải trang bị kiến thức mới, kỹ năng sáng tạo trong điều kiện mới. Trước những hạn chế của chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay, để có thể đáp ứng được yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, cần đầu tư cho các cơ sở đào tạo trọng điểm để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Lao động có kỹ năng cũng bị ảnh hưởng
Theo TS. Trần Thị Thanh Nga (Trường ĐH Lao động – Xã hội, cơ sở II), sự tác động của cuộc CMCN 4.0 không chỉ đe dọa tới việc làm của những lao động trình độ thấp mà ngay cả lao động có kỹ năng bậc trung cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu không trang bị kiến thức mới, kỹ năng sáng tạo trong điều kiện mới. Trong số hơn 23 triệu lao động được đào tạo cơ bản, có bằng cấp, chứng chỉ vẫn còn những bất cập. Chất lượng lao động của nhóm lao động có trình độ tay nghề còn chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường cả về chuyên môn và trình độ ngoại ngữ. Do vậy, lao động Việt Nam được đánh giá đang đối mặt với không ít thách thức.
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cảnh báo, trước tác động của cuộc CMCN 4.0, trong 10 năm tới, khoảng 70% số việc làm trong các ngành sử dụng nhiều lao động phổ thông ở nước ta như da giày, lắp ráp điện tử, chế biến thủy sản, dịch vụ bán lẻ có rủi ro cao bị thay thế bởi máy móc và thiết bị hiện đại. Theo nghiên cứu của ILO, dự kiến sẽ có khoảng 800 triệu công nhân trên toàn thế giới mất việc làm vì robot và tự động hóa vào năm 2030, tương đương 1/5 lực lượng lao động toàn cầu hiện nay. Ngoài nguy cơ bị mất việc làm tại chỗ do máy móc thay thế, người lao động còn phải đối mặt với nguy cơ bị mất việc làm do công việc bị chuyển về nước có thị trường, nơi mà cuộc CMCN 4.0 đã làm giảm chi phí lao động tại thị trường đó.
Học sinh THPT tham quan mô hình đào tạo nghề công nghệ ô tô tại Trường CĐ Lý Tự Trọng TP.HCM
Theo TS. Trần Thị Thanh Nga, với tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo hoặc đã qua đào tạo nhưng kỹ năng còn thấp vẫn còn chiếm đa số, lao động Việt Nam cần được chuẩn bị, giảm và hạn chế tác động tiêu cực từ cuộc CMCN 4.0. Nếu tận dụng tốt các cơ hội nhờ khoa học kỹ thuật cũng như tăng cường khả năng ngoại ngữ, lao động Việt Nam có thể tăng thu nhập, từ đó thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển. Ngược lại, lao động Việt Nam sẽ bị tụt hậu ngày càng xa so với thế giới nếu không học tập nâng cao trình độ kỹ thuật để thích ứng. “Một hệ thống pháp luật lao động tiến bộ là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc bảo vệ và phát triển nguồn nhân lực – tài sản quý của quốc gia”, TS. Nga kỳ vọng.
Xã hội hóa đào tạo nguồn nhân lực
Tại Hội thảo khoa học quốc gia “Tác động của cuộc CMCN 4.0 đến quan hệ lao động và chất lượng việc làm trong doanh nghiệp FDI” do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức mới đây, ông Lê Đình Phú (Trường ĐH Thủ Dầu Một) đã chỉ ra nhiều hạn chế của nguồn nhân lực trong bối cảnh hiện nay. Theo ông Phú, thực tế việc đào tạo các kỹ năng mềm, kỹ năng ngoại ngữ, công nghệ thông tin, kỹ năng tự học và sáng tạo chưa được quan tâm đúng mức. Thêm nữa là chương trình đào tạo còn xa với thực tế của doanh nghiệp. Từ thực trạng trên, ông Phú đề xuất cần đổi mới, cập nhật chương trình đào tạo theo yêu cầu doanh nghiệp. Song song đó, tăng cường dạy thực tiễn từ các chuyên gia đến từ doanh nghiệp, tăng thời gian thực hành, thực tập tại doanh nghiệp trong và ngoài nước; kết nối nhà trường với doanh nghiệp và thị trường lao động; tạo sự liên kết giữa doanh nghiệp FDI với các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngoài ra, ông Phú cũng đề cập đến vai trò của công tác xã hội hóa đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Khuyến khích doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp quy mô lớn, tự đào tạo lao động phục vụ nhu cầu của đơn vị, của đối tác… Đồng thời hỗ trợ các cơ sở đào tạo công và tư về kinh phí đầu tư trang thiết bị, chuyên gia tư vấn, tạo điều kiện về cơ sở thực hành, thực tập tại các doanh nghiệp FDI.
Theo khảo sát của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) về chất lượng lao động tại Việt Nam, trong 2.000 sinh viên học ngành công nghệ thông tin, chỉ có khoảng 90 ứng viên – tương đương 5% – vượt qua được các bài khảo sát về chuyên môn. Trong đó, chỉ có 40 ứng viên có đủ trình độ tiếng Anh để làm việc. |
Tương tự, TS. Phạm Ngọc Thành (Giám đốc Cơ sở II, Trường ĐH Lao động – Xã hội) cho rằng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ CMCN 4.0 là khâu đột phá, là nền tảng phát triển bền vững và tăng lợi thế cạnh tranh quốc gia. Bên cạnh đó bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng công nghệ cho người lao động để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp. TS. Thành cho rằng truyền thông về giáo dục nghề nghiệp cũng là một giải pháp góp phần đào tạo nguồn nhân lực, trong đó có nhận thức của xã hội, doanh nghiệp và cải thiện hình ảnh giáo dục nghề nghiệp. Đây cũng là cách để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác phân luồng học sinh sau THCS, THPT vào học nghề, đồng thời hỗ trợ công tác tuyển sinh, hướng nghiệp, lập nghiệp và khởi nghiệp.
TS. Trương Anh Dũng (Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, để đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu cuộc CMCN 4.0, Bộ LĐ-TB&XH đã lựa chọn một số trường trên cả nước để đào tạo các nghề trọng điểm cũng như chương trình chất lượng cao. Theo khảo sát của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, học sinh – sinh viên theo học các chương trình này ra trường tỷ lệ việc làm lên đến 90%, trong đó hầu hết làm việc tại các doanh nghiệp có quy mô lớn, đặc biệt là doanh nghiệp FDI.
Tại buổi thăm và làm việc với các trường nghề trên địa bàn TP.HCM, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng yêu cầu các trường phải xác định tầm nhìn xa và có những bước đi vững chắc trong đào tạo nghề, cung ứng nguồn lao động chất lượng cho thị trường. Cụ thể là xác định thế mạnh của mình trong tương lai để có hướng đi đúng, liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo và sử dụng lao động…
Trần Trọng Tri
Bình luận (0)