Tràng Giang là bài thơ xuất sắc nhất của Huy Cận, sẽ là bài thơ được người đời lưu truyền dài lâu nhất trong phong trào thơ mới. Bởi Tràng Giang khi đọc lên là gợi nhớ đến những kiệt tác Đường Thi mênh mang sông nước, trong đó có Hoàng Hạc Lâu, có bến Tầm Dương. Đó cũng là lý do vì sao Tràng Giang được chọn giảng trong chương trình Ngữ văn THPT.
Nhà thơ Huy Cận
1. Nhiều người truyền nhau, rằng Huy Cận đã viết bài thơ Tràng Giang trong một buổi chiều năm 1939 ở Chèm (Hà Nội) bên bờ sông Hồng. Với tôi, sự thẩm định tính chính xác lịch sử sáng tác bài thơ không quan trọng. Quan trọng hơn là vì sao có Tràng Giang. Hiển nhiên rồi, chiều Hồng Hà là cảm xúc đột phá sinh ra Tràng Giang. Nhưng hồn cốt của Tràng Giang lại là Ngàn Sâu – con sông quê của nhà thơ Huy Cận ở Hà Tĩnh. Không có Ngàn Sâu thì không có một Tràng Giang hay đến như vậy. “Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp”. “Sóng gợn tràng giang” thì dễ hiểu. Nhưng “buồn điệp điệp” chỉ có thể là những người mắt đã “uống sóng” nhiều năm. Không sống bên bờ Ngàn Sâu từ tấm bé, Huy Cận đã không có câu mở đầu cái thế đến như vậy trong Tràng Giang. Nếu câu thơ đầu mở ra trước mắt chúng ta một khung cảnh mênh mang sông nước, thì ba câu thơ tiếp theo cho chúng ta một trạng thái thiên về nội tâm: “Con thuyền xuôi mái nước song song/ Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả/ Củi một cành khô lạc mấy dòng”. Những ai đã sống bên bờ sông Hồng đoạn qua Hà Nội, và dọc chiều sông Ngàn Sâu, sẽ hiểu rất rõ sự khác biệt của cảm xúc này. Sông Hồng về mùa mưa nước cuồn cuộn đến “hoa lau cũng phải chìm”. Còn mùa khô thì nước cạn xa bờ. Nên rất khó có một “cành khô” từ núi rừng Tây Bắc theo sông Đà, hay từ Lào Cai theo sông Thao, hoặc giả từ Tuyên Quang theo sông Lô về được đến Chèm cho Huy Cận mục kích. Không phải không có nhưng xác suất rất nhỏ. Bởi vậy “Củi một cành khô lạc mấy dòng” trong tâm hồn Huy Cận – phải được nuôi dưỡng từ cảm xúc dồn nén bao tháng năm từ sông Ngàn Sâu, nơi rừng núi nhấp nhô bao bọc một dòng sông uốn lượn giữa đại ngàn. Ngược lại, “Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu” lại rất Hồng Hà. Những cồn bãi sông Hồng rất khác xa với Ngàn Sâu, nơi trùng điệp non cao với những làng xóm lãng đãng khói chiều. Cũng bởi thế, “Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều” lại là đứa con của Ngàn Sâu hơn là mẹ Hồng Hà.
Sáu câu thơ tiếp theo, sông mẹ Hồng Hà lại giữ vai trò giai điệu “Đô trưởng”: “Nắng xuống, trời lên sâu chót vót/ Sông dài, trời rộng, bến cô liêu/ Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng/ Mênh mông không một chuyến đò ngang/ Không cầu gợi chút niềm thân mật/ Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng”. Càng đúng hơn nữa lại là: “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”. Đây là một câu kết tuyệt vời – vô tiền khoáng hậu.
2. Khói hoàng hôn đã đi cùng Huy Cận suốt tháng năm tuổi thơ. Khói hoàng hôn của Huy Cận cũng rất khác. Khác bởi vì khói hoàng hôn của bản làng ven núi không giống như khói hoàng hôn của làng xóm ven biển hay đồng bằng. Sự bãng lãng la đà quấn quýt được sinh ra do không khí và địa hình núi rừng, điều mà không gian đồng bằng hay ven biển không có được. Chính sự bãng lãng la đà quấn quýt này đã quấn quýt khói hoàng hôn trong tâm trí Huy Cận dài theo năm tháng. Cho nên, dẫu trong khung cảnh bến Chèm sông Hồng chưa có khói hoàng hôn, mà trong tâm trí Huy Cận đã bãng lãng khói hoàng hôn. Từ đó, Huy Cận đã truyền cho người đọc – không nói đến khói hoàng hôn, mà phải nghĩ về khói hoàng hôn – rồi sinh ra câu thơ tuyệt diệu “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”.
Không chỉ có thế, điều độc đáo góp thêm sức sống cho Tràng Giang còn nằm ở điểm khác nữa. Đó là cảm giác âm thanh trong Tràng Giang của Huy Cận. Hãy đọc lại khổ thơ đầu tiên. Không nói về âm thanh mà như nghe thấy âm thanh. Như nghe thấy sóng vỗ “buồn điệp điệp”. Như nghe tiếng mái chèo khua “nước song song”. Như nghe nỗi sầu dâng tỏa ra muôn ngả. Như nghe thấy tiếng rên bi ai của nhành củi khô bị xoáy “lạc mấy dòng”. Thật lạ lùng, cái buồn “điệp điệp”, cái “khua nước song song”, cái “sầu muôn ngả”, cái rên khóc “lạc mấy dòng” tự nhiên cho tôi một liên tưởng đến bến Tầm Dương. Một khung cảnh ban chiều. Một khung cảnh ban đêm. Một nỗi buồn ban chiều. Một nỗi buồn ban đêm. Thế mà lại chợt nhớ đến. Đó không chỉ là do khung cảnh vừa tương phản vừa gần gũi chiều và đêm. Đó còn là do âm thanh – cái âm thanh buồn ở Tràng Giang, bên ngoài thì không tiếng, mà bên trong thì réo rắt như tiếng đàn tỳ bà của người kỹ nữ trên bến Tầm Dương.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM) trong tiết học môn văn do chính… học sinh đứng lớp tại chương trình “Một ngày làm giáo viên”
Có thể đây là cảm nhận rất riêng của cá nhân tôi, không phải của bạn đọc. Và tôi không áp đặt suy nghĩ này cho bạn đọc. Cũng đừng nghĩ là tôi “ngoa ngắt”. Vì thực sự tôi nghe được âm thanh trong Tràng Giang. Tôi không quả quyết, nhưng tôi đồ rằng Huy Cận đã nghe thấy âm thanh trước khi viết các câu thơ. Vì nghe được âm thanh nên ông mới viết được những dòng thơ tuyệt kỹ vang lên âm thanh như vậy. Ngàn Sâu không chỉ là thần cốt của Tràng Giang. Ngàn Sâu còn đi suốt trong thơ ca Huy Cận. Ở đâu ông viết về sông nước, là ở đó có Ngàn Sâu. Ngàn Sâu thấm đẫm trong Huy Cận một hồn quê hương chảy mãi không ngừng.
Hồn quê hương đã sinh ra một Tràng Giang – làm nên một thi sĩ Huy Cận. Hồn dân tộc đã tôi luyện Huy Cận từ một thi sĩ phong trào thơ mới, tiến xa hơn, thành một thi sĩ hành động cách mạng. Hồn quê hương và hồn dân tộc là hai dòng chảy – như Ngàn Sâu và Hồng Hà – đã tạo nên tài năng thi ca của Huy Cận. Không phải 100 năm, mà ngàn năm sau người đời còn mãi nhắc đến Huy Cận. Ở nơi đâu có dòng sông, ở nơi đó có Tràng Giang.
Nguyễn Ngọc Chu
Bình luận (0)