Học ĐH, CĐ hay TC không phải là điều quan trọng mà quan trọng là phải tìm cho bản thân một ngành nghề phù hợp – phù hợp cả về năng lực, điều kiện của gia đình và nhu cầu xã hội. Đừng “nhắm mắt đưa chân” bằng mọi giá phải vào ĐH dẫn đến học sai ngành nghề…
Học sinh Trường THPT Phạm Văn Sáng đặt câu hỏi cho ban tư vấn
Đó là những lời khuyên được ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM) đưa ra trong chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 11 năm học 2018-2019 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP và ĐHQG TP.HCM tổ chức vừa qua tại Trường THPT Phạm Văn Sáng (huyện Hóc Môn). Chương trình có sự đồng hành của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) và Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM (UEF).
Thất nghiệp hay không phụ thuộc ở người học
Xuyên suốt chương trình, câu hỏi được các em học sinh quan tâm nhất là học ngành gì, học trường gì để không thất nghiệp? Trước băn khoăn này, ông Trần Anh Tuấn cho rằng ngành nghề nào học ra cũng có thất nghiệp và cũng không có ngành nghề nào có việc làm hoàn toàn. Có việc làm hay thất nghiệp không hoàn toàn phụ thuộc vào ngành nghề đã học mà lại nằm ở chính bản thân người học. “Không nhất thiết phải vào ĐH để rồi chọn sai ngành nghề. Học bậc nào cũng được, dù là TC, CĐ hay ĐH, nhưng phải là học ngành nghề phù hợp với bản thân và xã hội”, ông Tuấn chia sẻ.
Theo ông Tuấn, trong thời đại 4.0, lao động quốc tế dịch chuyển, điều quan trọng là các em phải có năng lực, kỹ năng để cạnh tranh với bạn bè. “Để không thua kém lao động nước ngoài, bên cạnh kiến thức và chuyên môn vững vàng, các em phải chủ động xây dựng cho mình tính kỷ luật, sự thích nghi. Đặc biệt là năng lực ngoại ngữ (tiếng Anh) và công nghệ thông tin”, ông Tuấn nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam) giải đáp các thắc mắc của học sinh trong trường
Dự báo về các nhóm ngành nghề đang khan hiếm và có nhu cầu cao về nguồn nhân lực trong tương lai, ông Tuấn cho rằng hiện có 8 nhóm ngành nghề, đó là công nghệ kỹ thuật (chiếm hơn 30% tổng nhu cầu nhân lực); cơ khí, tự động hóa; khoa học tự nhiên (kinh tế, xây dựng…); sư phạm (đặc biệt là sư phạm nghề, sư phạm kỹ thuật); chăm sóc sức khỏe; công nghệ cao trong nông nghiệp; công nghệ sinh học và nhóm ngành dịch vụ (du lịch, nhà hàng, khách sạn…). “Các em cân nhắc xem mình phù hợp ở nhóm ngành nghề nào để học cho ra học. Tuy nhiên, các em hãy luôn ghi nhớ rằng bất cứ ngành nghề nào cũng đòi hỏi nhân lực chất lượng cao. Vì vậy hãy chọn ngành nghề phù hợp và học hết sức mình”, ông Tuấn nhắn nhủ.
Xung quanh câu chuyện thất nghiệp, ThS. Trương Thị Bích Ngọc (Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh và Truyền thông, UEF) bổ sung rằng, muốn cạnh tranh với lao động nước ngoài đang làm việc ở Việt Nam trong thời lao động dịch chuyển hiện nay, yếu tố sống còn là các em nhất định phải trang bị cho mình khả năng tiếng Anh thật tốt. Theo đó, dù học ở đâu, cấp bậc nào (ĐH, CĐ, TC hay thậm chí là học nghề), tiếng Anh phải được coi trọng, đặt lên vị trí trung tâm, các em mới có thể có một công việc tốt sau này.
Học theo đam mê hay học… để kiếm nhiều tiền
Về băn khoăn của học sinh “nên lựa chọn ngành có thu nhập ít nhưng bản thân có đam mê và tố chất hay là lựa chọn ngành có thu nhập cao nhưng bản thân cảm thấy bình thường”, các chuyên gia tư vấn cho hay thu nhập ở mỗi ngành nghề đều rất… vô chừng. Cụ thể, cùng một ngành nghề nhưng có những vị trí thu nhập cao ngất ngưởng và những vị trí thu nhập thấp… chạm đáy. “Thu nhập ít hay nhiều có lẽ không nằm ở ngành nghề và cấp bậc đào tạo mà phụ thuộc vào ngành nghề đó có hợp với bản thân các em hay không. Nếu hợp (yêu thích, có năng lực) thì dù là bất cứ ngành nghề nào, chúng ta đều có khả năng thăng tiến, phát triển. Còn nếu đã không hợp thì dù có đặt vào vị trí cao cũng không có tâm trạng để làm nghề, lấy đâu ra năng lực để phát triển. Do vậy, các em hãy coi xem mình hợp với ngành nghề nào để lựa chọn. Khi đã hợp rồi, dù ngành tự nhiên hay xã hội thì đều sẽ có thu nhập cao”, TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam) chia sẻ.
Học sinh 15 trường THPT ở Kiên Giang được hướng nghiệp Từ ngày 29-10 đến ngày 3-11, Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT Kiên Giang và ĐHQG TP.HCM tổ chức chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 11 năm học 2018-2019 cho gần 8.000 học sinh lớp 12 ở 15 trường THPT trên địa bàn tỉnh. Chương trình có sự đồng hành của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) và Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM (UEF)…
Học sinh Trường THPT Phú Quốc (huyện Phú Quốc, Kiên Giang) đặt câu hỏi trong chương trình Với những quan tâm của học sinh Kiên Giang về các thay đổi của kỳ thi THPT quốc gia 2019, ThS. Trần Nam (Trưởng phòng Truyền thông và Sự kiện, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) cho biết thay đổi đầu tiên là kỳ thi THPT quốc gia 2019 sẽ không còn mang tính chất “2 trong 1” vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa xét ĐH-CĐ mà chỉ đơn thuần là xét tốt nghiệp. Tuy nhiên, phương thức xét tuyển của các trường ĐH-CĐ sẽ vẫn đa dạng, bao gồm cả dùng điểm thi THPT quốc gia, xét điểm học bạ THPT hoặc dùng thêm kỳ thi đánh giá năng lực đầu vào. “Tùy từng trường sẽ có những phương thức xét tuyển khác nhau. Việc này giúp tăng cơ hội học tập tại các trường ĐH-CĐ cho học sinh. Tuy nhiên, đây cũng chính là một trong những lưu ý mà các em phải cân nhắc thật kỹ, biết mình nên dùng phương thức nào và tìm hiểu kỹ các trường ĐH-CĐ với những ngành nghề mà mình có tố chất, đam mê để xét tuyển vào. Bởi điều này giúp các em được học ngành mình yêu thích trong khả năng của bản thân”, ThS. Trần Nam nhấn mạnh. Về bài thi, ThS. Trần Nam cho biết tính đến thời điểm này, nếu không có gì thay đổi thì kỳ thi THPT quốc gia 2019 sẽ vẫn thi theo bài thi và kiến thức có thể bao gồm cả lớp 10, 11, 12. “Để cho chính xác, các em cần phải theo dõi liên tục thông tin được Bộ GD-ĐT đưa ra nhằm có những phương pháp học tập hiệu quả”, ThS. Trần Nam lưu ý. Không chỉ giải đáp những thắc mắc về kỳ thi THPT quốc gia, trong chương trình các chuyên gia tư vấn còn trang bị cho học sinh Kiên Giang kiến thức về các ngành nghề, kỹ năng lựa chọn ngành nghề phù hợp với bản thân, gia đình, xã hội, và đặc biệt là làm sao có chỗ đứng trong thời đại 4.0… Đ.Yến |
Còn theo ông Trần Anh Tuấn, trong xã hội không có ngành nghề nào được coi là “hot” mà chỉ có những “con người hot” trong các nghề bình thường. Do đó, các em phải xây dựng cho mình một giá trị nghề nghiệp thì sẽ có thu nhập xứng đáng.
Cùng chung nhìn nhận, ThS. Nguyễn Đình Đương (Phó ban Tuyển sinh, HUTECH) cho hay công việc tốt, thu nhập cao… không phụ thuộc vào ngành nghề mà lại phụ thuộc vào thái độ, sự nghiêm túc của chính người lao động. “Mỗi một môi trường đào tạo đều luôn cố gắng trang bị cho người học các kiến thức, kỹ năng để có thể kiếm được một công việc tốt. Vấn đề là khi ra trường có đạt được những điều đó hay không lại thuộc vào chính người học. Vì vậy ngay từ bây giờ, ở chính cấp học này, các em hãy xác định cho mình một thái độ học tập thật nghiêm túc”, ThS. Đương đưa lời khuyên.
Yến Hoa
Bình luận (0)