So với đề thi tiếng Anh năm ngoái, đề thi tiếng Anh tuyển sinh 10 năm 2020 có cấu trúc không thay đổi. Về mức độ kiến thức, nhiều giáo viên nhận định kiến thức khá nhẹ nhàng, an toàn, phù hợp với chương trình học. Phổ điểm mà học sinh sẽ đạt được trong môn tiếng Anh sẽ dao động từ 6, 7 điểm.
Học sinh dò lại kiến thức sau bài thi Tiếng Anh
Đánh giá chung về đề thi Tiếng Anh, cô Trần Thanh Vân Anh (Giáo viên tiếng Anh, Trường THPT Lương Thế Vinh) nhận định, đề thi vừa sức học sinh, không quá khó. Cấu trúc đề tương đương với năm ngoái tuy nhiên mức độ kiến thức nâng cao không cao như năm ngoái. Cụ thể, đề thi gồm 7 phần, 36 câu. Phần 1 trắc nghiệm; Phần 2 nhìn biển báo để chọn đáp án; Phần 3 chọn đúng hay sai; Phần 4 đọc đoạn văn và điền từ; Phần 5 chia thì; Phần 6 sắp xếp câu và Phần 7 là viết lại câu.
“Trong cả 7 phần, mỗi phần đều có từ 1-2 câu hỏi đánh đố song vẫn bám sát chương trình học nhằm mục đích phân loại họcn sinh. Những câu True False của đoạn văn đọc hiểu, học sinh cần phải đọc kỹ đoạn văn để không làm sai. Bởi các đáp án có khả năng gần như tương đồng nhau khiến học sinh phân vân. Học sinh cũng thường gặp khó ở bài đọc hiểu, song cả 2 bài đọc hiểu năm nay lại tương đối nhẹ. Chủ đề học sinh đã được làm quen nên không quá bỡ ngỡ, từ mới cũng không nhiều. Về cơ bản, đề không quá khó, chỉ cần nắm kiến thức cơ bản là có thể đạt được 7,5 điểm”, cô Vân Anh phân tích.
Nhận định về đề thi Tiếng Anh tuyển sinh 10, thầy Đặng Thanh Huân (Giáo viên Tiếng Anh, Trường THPT Nguyễn Du, Q.10) cho biết, cấu trúc đề thi năm nay tương tự cấu trúc đề thi năm ngoái và một số năm trước nữa. Ngữ liệu ngôn ngữ của đề nằm trong chương trình và không có phần kiến thức giảm tải. Do đó, đề khá nhẹ nhàng, bám sát chương trình, đúng kiểu “học đến đâu, thi đến đó”. Các phần kiến thức đánh đố không có nhiều, thậm chí đối với sức học của nhiều học sinh là gần như không có. “Với mức độ kiến thức trong đề, học sinh trung bình cũng có thể lấy được điểm 6, 7. Đây cũng sẽ là phổ điểm dự đoán nhiều thí sinh đạt nhất. Bên cạnh đó, cũng sẽ có nhiều bài thi đạt điểm cao, số thí sinh đạt điểm 10 cũng sẽ nhiều hơn năm ngoái”.
Nhiều học sinh hớn hở khi làm được bài Tiếng Anh
Tuy nhiên, cũng theo thầy Huân, chính vì cách ra đề quá “an toàn” nên chưa cho thấy sự đột phá, đổi mới. Vì vậy, học sinh sẽ dễ rơi vào lối mòn trong học tập. “Điều này cũng có thể hiểu bởi Tiếng Anh là môn học khiến nhiều học sinh gặp khó nhất, lại cộng với ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc ra đề thi nhẹ nhàng được coi là sẽ phù hợp hơn với sức học của học sinh”.
Tương tự, cô Hồ Thị Bích Ty (Tổ trưởng Tổ Tiếng Anh, Trường THCS Hà Huy Tập, Q.Bình Thạnh) cũng chia sẻ, đề thi Tiếng Anh năm nay không khó, không có nhiều từ mới, các phần kiến thức mọi năm “khó” thì năm nay cũng tương đối dễ thở, phần viết lại câu học sinh chỉ cần nắm đúng công thức là làm được. Chỉ riêng phần trắc nghiệm a,b,c,d có nhiều đáp án na ná nhau nên đòi hỏi học sinh phải chú ý hơn. “Đề này học sinh khá giỏi sẽ làm tốt. Học sinh trung bình chỉ cần nắm công thức là làm được. Phổ điểm năm nay sẽ rơi ở mức 6, 7 điểm”.
Mặc dù vậy, theo cô Ty, dù phần kiến thức không quá nặng nhưnh để làm được điểm cao với đề thi này lại đòi hỏi sự cẩn trọng của học sinh. “Từ vựng năm nay không có từ mới, hầu như từ đều nằm trong SGK, chỉ một vài từ ít dùng nên sẽ gây bỡ ngỡ cho học sinh nhưng vẫn nằm trong SGK. So với đề thi năm ngoái, năm nay kiến thức được hạ xuống một bậc, đúng theo mức độ học đến đâu thi đến đó, dễ thở hơn cho học sinh, hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế khi học sinh phải nghỉ dịch quá nhiều”.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)