Đó là khuyến cáo của bác sĩ Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM) trong bối cảnh một số quận nội thành và vùng ven TP.HCM xuất hiện một số ca mắc sởi. Trong khi đó, bệnh sởi cũng đang có xu hướng tăng cao trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Để bảo vệ trẻ trước bệnh sởi, phụ huynh nên cho con tiêm ngừa theo lịch tiêm chủng quốc gia |
Kiểm soát lây lan khi HS trở lại trường
Theo ghi nhận của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, tính đến ngày 16-8, thành phố đã có 4 bệnh nhi bị bệnh sởi, thuộc địa bàn quận 2, quận 6, quận 8 và quận Phú Nhuận. Tuy các ca bệnh không có mối liên hệ dịch tễ với nhau, nhưng trong bối cảnh học sinh thành phố đã bắt đầu năm học mới, nên Trung tâm Dự phòng TP.HCM khuyến cáo trung tâm y tế và trạm y tế các quận huyện cần thường xuyên tăng cường các hoạt động giám sát dịch tễ, kiểm soát lây lan tại những nơi có ca mắc sởi. Trước tình hình này, bác sĩ Khanh khuyến cáo “bệnh sởi có thể quay lại nếu phòng ngừa không tốt”. Chưa kể TP.HCM còn là nơi quy tụ người lao động, học sinh, sinh viên từ các tỉnh thành đến sinh sống, học tập và làm việc. Lực lượng đông đảo này nếu chưa được tiêm chủng đầy đủ, sẽ tạo thành khối cảm thụ không có miễn dịch sởi, và đây cũng sẽ là môi trường thuận tiện cho virus sởi lây lan và gây dịch.
Nếu ở TP.HCM chỉ lác đác vài ca mắc sởi, thì Hà Nội mức độ này đang tăng cao. Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, trong 7 tháng đầu năm 2018, số ca mắc sởi cao gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đáng lo là từ tháng 6 đến nay, số ca mắc có chiều hướng tăng nhanh trên địa bàn 139 phường xã, thị trấn thuộc 29 quận huyện. Nhận định về tình hình hiện tại, ông Nguyễn Nhật Cảm (Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội) lưu ý, đa phần những trường hợp mắc sởi là đối tượng dưới 1 tuổi cho đến 5 tuổi, nguyên nhân do không tiêm hoặc chưa được tiêm vaccine đầy đủ. Theo khuyến cáo của giới y tế, những vùng có lượng dân nhập cư đông như Hà Nội và TP.HCM không nên xem thường bệnh sởi. Bằng chứng là ở nước ta đã từng xảy ra dịch sởi nặng vào năm 2013-2014, đối tượng mắc đa phần dưới 10 tuổi chưa được tiêm vaccine, sinh sống tại những địa phương có tỷ lệ tiêm ngừa sởi thấp và có biến động dân cư cao.
10 người tiếp xúc: 9 người có nguy cơ lây bệnh
Theo khuyến cáo của bác sĩ Nguyễn Vũ Minh Thư (Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM), sởi là một trong những bệnh nguy hiểm, có tính lây truyền và có thể gây dịch lớn. Sởi chủ yếu lây qua đường hô hấp, khi bệnh nhân ho và hắt hơi sẽ phát tán virus vào môi trường không khí, hoặc có thể lây gián tiếp qua những đồ vật bị nhiễm chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân. Điều đáng lo là mức độ lây nhiễm của bệnh sởi, cứ 10 người tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân, thì sẽ có 9 người có nguy cơ lây bệnh, nếu họ chưa từng mắc bệnh sởi hay chưa được tiêm vaccine sởi đầy đủ.
Theo lý giải của bác sĩ Trương Hữu Khanh, sởi là bệnh truyền nhiễm virus cấp tính với các biểu hiện như sốt cao dần, ho, sổ mũi nhiều. Sau sốt 2-3 ngày sẽ bắt đầu phát ban (dần từ mặt xuống chân), khi phát ban vẫn kèm sốt rất cao, ho nhiều, có thể kèm theo tiêu chảy. Trong số các đối tượng, thì bệnh sởi nguy hiểm nhất đối với trẻ em dưới 3 tuổi, trẻ càng nhỏ càng dễ bị biến chứng như viêm phế quản, viêm tai, tiêu chảy, viêm não, có thể gây tử vong hoặc về lâu dài có thể gây suy dinh dưỡng, còi cọc. Do đó, khi thấy các biểu hiện sốt cao, viêm kết mạc mắt (mắt đỏ), sổ mũi, ho, xuất hiện nốt koplik ở niêm mạc miệng và phát ban (từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh), bệnh nhân cần được đưa đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.
Bác sĩ Nguyễn Vũ Minh Thư (Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM) lưu ý, bệnh sởi sẽ không thể “quay lại” trong cộng đồng khi đạt trên 95% tỷ lệ miễn dịch bảo vệ đặc hiệu (đã tiêm vaccine) trong quần thể dân cư. Do đó, để bảo vệ trẻ, phụ huynh nên cho con tiêm ngừa theo lịch tiêm chủng quốc gia, với lịch tiêm mũi 1 (vaccine sởi) lúc 9 tháng tuổi; mũi 2 (vaccine sởi – rubella) lúc 18 tháng tuổi và nên tiêm nhắc mũi “3 trong 1” (vaccine sởi – rubella – quai bị) lúc 3-5 tuổi (tuổi mẫu giáo). |
Theo khuyến cáo của chuyên gia y tế, tiêm chủng vaccine được xem là biện pháp phòng ngừa sởi hữu hiệu nhất. Tuy nhiên, bên cạnh biện pháp tiêm ngừa, cộng đồng cũng cần lưu ý một số biện pháp dự phòng khác như nâng cao sức đề kháng của cơ thể thông qua việc ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung hợp lý các vitamin và khoáng chất. Đồng thời tăng cường vệ sinh cá nhân bằng cách thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn. Ngoài ra cần hạn chế tiếp xúc với người bệnh, không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, kính, ly, chén, bát, đũa…) với người bệnh. Trong trường hợp phải tiếp xúc hoặc chăm sóc bệnh nhân, người chăm sóc cần đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân nhằm hạn chế lây nhiễm ở mức thấp nhất.
Vũ Phương
Bình luận (0)