Cải tiến chữ Quốc ngữ của PGS.TS Bùi Hiền tuy là đề án cá nhân nhưng đã “gây bão” với cả người dân thường lẫn giới chuyên môn ngôn ngữ học.
Một tiết học môn ngữ văn với chủ đề Phát biểu tự do tại Trường THPT Tây Thạnh (TP.HCM). Ảnh: N.Tuấn |
Thế nhưng, từ góc độ của một giáo viên ngữ văn, với thái độ bình tĩnh, ôn hòa nhìn nhận, chúng tôi nhận thấy những đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền không phải là không có cơ sở. Không ít người đã tiếp thu những diễn đạt chưa đúng đắn dẫn đến những ngộ nhận không đáng có, nhất là đối với các em học sinh.
Bảng chữ cái tiếng Việt có bao nhiêu chữ?
Nhiều bài báo giật tít: “Cải tiến bảng chữ cái tiếng Việt…”, “Giảm bảng chữ cái từ 38 xuống còn 31 chữ…” là hiểu chưa đúng ý đồ của PGS.TS Bùi Hiền. Chúng tôi nhận thấy trong số ít ỏi ý kiến hiểu đúng ý tác giả, ý kiến của PGS. Hoàng Dũng là xác đáng nhất, khi ông viết: “…giảm số lượng ký tự từ 38 xuống 31”. Sự thật, bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành chỉ có 29 chữ. Ngay từ năm cuối cấp mầm non, học sinh đã tập làm quen với bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành gồm 29 chữ: A, Ă, Â, B, C, D, Đ, E, Ê, G, H, I, K, L, M, N, O, Ô, Ơ, P, Q, R, S, T, U, Ư, V, X, Y. Ngoài 29 chữ cái kể trên, tất cả các tổ hợp bao gồm từ 2 chữ cái trở lên như: CH, GH, KH, NH, NG, NGH, PH, TH, TR…; ƯƠ, UÔ, IÊ… đều không phải là chữ cái nằm trong bảng chữ cái tiếng Việt như không ít người nhầm lẫn.
Chữ Quốc ngữ hiện hành có ưu – nhược điểm gì?
Đến năm lớp 10 bậc phổ thông, học sinh được học kỹ hơn về “Lịch sử tiếng Việt”, trong đó có nội dung “Những ưu điểm và nhược điểm của chữ Quốc ngữ”, đúng như những gì mà PGS.TS Bùi Hiền đã nhắc lại trong tham luận, làm cơ sở cho đề xuất cải tiến của mình: Ưu điểm là chữ ghi âm: đọc sao viết vậy, đơn giản, tiện dụng, khoa học, phạm vi giao dịch rộng. Còn nhược điểm là chưa hoàn toàn tuân theo nguyên tắc ngữ âm, chưa đảm bảo tỷ lệ 1:1 (một âm vị ghi bằng 1 con chữ, một con chữ chỉ ghi 1 âm vị, có nhiều dấu phụ và mũ). Ví dụ: Phụ âm /k/ “cờ” có 3 cách ghi khác nhau: c, k, q. Phụ âm /ŋ/ “ngờ” có 2 cách ghi khác nhau: ng, ngh. Phụ âm /ɣ/ “gờ” có 2 cách ghi khác nhau: g, gh. Phụ âm /z/ “dờ” có 2 cách ghi khác nhau: d, gi. Ba nguyên âm đôi đều có 2 cách ghi khác nhau trở lên: “ươ”: ươ, ưa; “uô”: uô, ua; “iê”: iê, ia, yê, ya. Âm đệm “u” có 2 cách ghi khác nhau: u, o. Một con chữ “g” có 2 cách phát âm khác nhau: /ɣ/ “gờ” trong “gà” và /z/ “dờ” trong “gì”.
Sách giáo khoa hiện hành cũng nhìn nhận: “Chữ Quốc ngữ được đặt từ lâu nên cũng có những điểm chưa thật hợp lý do chịu ảnh hưởng của các phương án phiên âm dựa vào thực tiễn ngôn ngữ của các nước châu Âu” (Bài tập ngữ văn 10 nâng cao, tập 2, NXB Giáo dục 2007, trang 85). Ngoài ra, sách còn đưa ra hệ thống câu hỏi giúp học sinh tìm hiểu về các nhược điểm của chữ Quốc ngữ và các quy tắc khắc phục các điểm bất hợp lý đó.
Căn cứ vào các cơ sở trên, những nhận định của PGS.TS Bùi Hiền đưa ra cũng hoàn toàn xác đáng: “Đó là những hiện tượng không thống nhất, không theo một nguyên tắc chung nào dẫn đến khó khăn cho người đọc, người viết, thậm chí gây hiểu nhầm hoặc không hiểu được chính xác nội dung thông tin. Người học như trẻ em hay người nước ngoài, cũng rất hay mắc lỗi do sự phức tạp này mang lại”.
Có cơ sở khoa học, nhưng chưa phù hợp
Mặc dù đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền còn nhiều điểm thiếu cơ sở khoa học như xóa bỏ sự phân biệt các cặp phụ âm đầu quặt lưỡi/bẹt lưỡi và đồng nhất chúng với nhau: S/X = S, R/D = Z, Tr/Ch = C chỉ với lý do duy nhất là dựa vào thổ ngữ Hà Nội (!); hoặc viết C/K/Q = K… Nhưng một số đề xuất như thay Ph bằng F, bổ sung 4 chữ cái tiếng Latin F, J, W, Z vào bảng chữ cái tiếng Việt…, chúng tôi nhận thấy là có cơ sở khoa học, theo nguyên tắc “mỗi chữ chỉ biểu đạt một âm vị, và mỗi âm vị chỉ có một chữ cái tương ứng biểu đạt” – là nguyên tắc lý tưởng mà mọi ngôn ngữ ghi âm đều đang hướng tới; còn việc thực hiện tùy thuộc vào thời điểm, và hiện nay ở nước ta là chưa phù hợp.
Thiết nghĩ, trong quá trình giảng dạy, giáo viên dạy ngữ văn cũng cần xem xét kỹ cơ sở khoa học các đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền và nhìn nhận một cách khách quan những vấn đề nêu trên để dẫn dắt, định hướng cho học sinh khỏi mơ hồ, nhập nhèm, nhầm lẫn về những khái niệm khi bị lôi cuốn vào cơn bão dư luận quanh đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ vừa qua.
ThS. Đỗ Thành Dương
(Trưởng bộ môn ngữ văn,
Trường Dự bị ĐH dân tộc TW Nha Trang)
Bình luận (0)