“Mặc dù TP đã áp dụng giảm 50% chi phí cho hộ chăn nuôi đeo vòng nhận diện có đầy đủ thông tin. Tuy nhiên trong tổng số heo đeo vòng nhận diện nhập về TP.HCM chỉ 45% có thông tin nguồn gốc từ trang trại đến cơ sở giết mổ, còn lại mang tính đối phó”.
Thịt heo có đeo vòng truy xuất nguồn gốc được bán tại chợ đầu mối Hóc Môn. Ảnh: H.Cận |
Ông Huỳnh Tấn Phát – Chi cục phó Chi cục Thú y TP – cho biết như vậy tại buổi sơ kết 4 tháng triển khai thực hiện đề án “Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo” do UBND TP.HCM tổ chức cuối tuần qua.
Cũng theo ông Phát, thời gian gần đây do giá heo giảm mạnh, việc đeo vòng nhận diện cho heo cũng giảm theo. Hiện chỉ có khoảng 89% số heo nhập về các cơ sở giết mổ tại TP có đeo vòng nhận diện. Điều đáng nói là việc xử lý đeo vòng nhận diện cho heo mang tính đối phó hoặc không đeo vòng nhận diện cho heo đang gặp nhiều khó khăn. Tại thời điểm này chỉ có thể lập biên bản, nhắc nhở, không thể xử phạt hành chính. “Nếu người bán thịt có giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định của pháp luật nhưng vì không có vòng nhận diện mà ta không cho vào chợ, thịt heo sẽ bị ôi thiu, gây thiệt hại cho cơ sở, chính chúng ta có thể bị kiện. Tương tự, nếu người dân đưa heo vào cơ sở giết mổ mà không được vào vì heo không có vòng nhận diện, khiến heo vì tồn đọng tại cơ sở chăn nuôi mà phát sinh ổ dịch, khả năng người dân khiếu nại, kiện tụng cũng rất dễ xảy ra…”, ông Phát nói.
Đối với việc đeo vòng nhận diện cho heo, đại diện các chợ đầu mối phản ánh thời gian đầu các chủ thể tham gia đề án đều rất nghiêm túc, nhưng dần dần thì lơi lỏng.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa – Phó Giám đốc Sở Công thương TP – cho biết, từ khi triển khai đề án đến nay đã có 1.131 cơ sở chăn nuôi đăng ký tham gia đề án nhưng chỉ có 123 cơ sở thực hiện đeo vòng nhận diện khi bán heo, ngoài ra có 55 thương lái thực hiện đeo vòng nhận diện khi bán heo. Đối với cơ sở giết mổ có 25 đơn vị thuộc TP.HCM, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, Bình Dương đăng ký tham gia. Riêng lĩnh vực phân phối, bán lẻ, đề án đã được triển khai tại 777 điểm kinh doanh hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi); 146 gian hàng thuộc 23 chợ truyền thống; đồng thời mở rộng 44 cơ sở kinh doanh tại các tỉnh miền Đông – Tây Nam bộ. |
Ông Nguyễn Chí Thành – Trưởng phòng Quản lý chất lượng chợ đầu mối Bình Điền nói: “Một trong những nguyên nhân khiến việc thực hiện thiếu nghiêm túc là do các thương lái mua heo từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Những hộ này ở vùng sâu, vùng xa, không có internet hay 3G để kích hoạt các công cụ nhận diện này”.
Từ thực tế này, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến – chỉ đạo các sở, ngành cần kiên trì thực hiện chủ trương của TP, triển khai đồng bộ đề án với kế hoạch và lộ trình cụ thể. Vì đề án không chỉ hướng đến mục tiêu đảm bảo thực phẩm sạch vào thị trường TP mà còn phục vụ người tiêu dùng cả nước, trong đó có hướng đến xuất khẩu. Trong đó, Sở Công thương và tổ công tác triển khai đề án, Ban An toàn vệ sinh thực phẩm TP cần sớm tham mưu cho UBND TP những quy định về tem truy xuất nguồn gốc, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát theo đúng quy định Nhà nước, tránh tình trạng heo mảnh vào thị trường “né” sự kiểm tra của cơ quan chức năng. Hai chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền phải có kế hoạch tuyên truyền, vận động thương nhân, thương lái thực hiện đeo vòng nhận diện cho heo. Ban quản lý chợ và các ban ngành liên quan phải hạn chế dần heo vào chợ đầu mối không có vòng nhận diện cũng như có vòng nhận diện mà không có thông tin…
Huy Cận
Bình luận (0)