Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Bất an giáo viên ngoài công lập

Tạp Chí Giáo Dục

Đối với bậc mầm non, việc hiệu trưởng trực tiếp xuống lớp học phụ giáo viên chăm sóc bé xưa nay không hiếm. Lý do có thể xuất phát từ nhiều phía như lớp có giáo viên xin nghỉ đột xuất, hiệu trưởng “vi hành” để nắm tình hình lớp, hay chỉ đơn giản vì lòng yêu nghề, mến trẻ của chính cô hiệu trưởng. Nhưng đi kèm với hình ảnh đó thường là những tình huống dở khóc dở cười.

Ảnh minh họa

Ví dụ như trường hợp mới đây vừa xảy ra tại một trường mầm non tư thục ở quận Gò Vấp. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, lớp nhà trẻ (tiếp nhận bé từ 2 – 3 tuổi) đón thêm nhiều học sinh mới. Do các bé chưa quen môi trường lớp học, lại ở độ tuổi chưa có kỹ năng tự phục vụ nên mặc dù lớp chỉ nhận thêm 6 học sinh mới nhưng 2 cô giáo quay mòng mòng với cả “núi” công việc. Hết ẵm bé này, vừa dỗ cho bớt khóc phải đặt xuống ghế, ẵm tiếp bé kia. Hai tay hoạt động không ngừng nghỉ, mồ hôi ướt đẫm lưng áo cô. Tiếng trò gào khóc át cả tiếng cô dỗ dành. Hậu quả là chỉ một tuần sau đợt tiếp nhận học sinh mới, một trong hai giáo viên xin nghỉ 2 ngày vì cảm sốt, cô còn lại dù chớm bị đau mắt đỏ vẫn gắng gượng đeo kiếng mát, ẵm bồng học sinh. Trước tình cảnh đó, trường đã điều động một giáo viên khối mẫu giáo qua tăng cường lớp nhà trẻ. Khối lượng công việc nhiều, áp lực cao nên cuối cùng cả cô hiệu trưởng cũng phải tháo giày, xắn tay áo phụ giáo viên ổn định trật tự lớp. Rồi cũng như rất nhiều giáo viên mầm non khác, học sinh gào khóc đến mức ói một vệt sữa dài, nước mũi nhầy nhụa trên lưng áo cô hiệu trưởng. Nhìn hình ảnh đó, phụ huynh vừa thương vừa cảm thấy lo. Bởi tình trạng thiếu giáo viên, không có nguồn tuyển dự phòng, lớp học xáo trộn do giáo viên chính xin nghỉ đột xuất, trường tuyển người mới quanh năm vẫn không đủ… là thực trạng chung của rất nhiều trường mầm non tư thục và nhóm lớp giữ trẻ trên cả nước.

Thời gian gần đây, dư luận liên tục lên án và bất bình trước nhiều trường hợp giáo viên bạo hành học sinh ở bậc mầm non. Những hành động tưởng như chỉ có trên phim ảnh như dốc ngược đầu trẻ ra ban công, dọa ném bé xuống lầu chỉ vì không chịu ăn theo ý cô, hay dùng đũa tre đánh trẻ đến bầm tím hai đùi, dội nước lạnh lên đầu trẻ, dùng chân đá vào bụng vì bé không đi vệ sinh đúng chỗ… Tuy chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng những trường hợp cá biệt nói trên đã ít nhiều khiến xã hội lo lắng, ảnh hưởng đến hình ảnh “cô giáo như mẹ hiền” trong lòng phụ huynh và học sinh. Song, khi so chiếu nguyên nhân, có thể dễ dàng hiểu được vì sao đạo đức giáo viên mầm non đang đứng trước thực trạng đáng báo động đến vậy. Người có đủ bằng cấp sẽ chạy vào biên chế để có chế độ lương, thưởng ổn định. Chỉ những giáo sinh mới tốt nghiệp ra trường non kinh nghiệm, không có hộ khẩu thành phố hoặc những người phục vụ trong các ngành nghề lao động khác, đi học thêm bằng trung cấp mầm non mới là nguồn tuyển của các trường ngoài công lập. Tuyển dụng chắp vá, chế độ lương, thưởng không rõ ràng (do phụ thuộc vào tình hình thu, chi của đơn vị), hợp đồng lao động thiếu ràng buộc khiến các cô giáo thường xuyên nhảy việc, có trường hợp hôm nay còn đi làm, mai xin nghỉ phép rồi mốt “một đi không trở lại”.

Thực tế đó không phải cơ quan quản lý không nhìn thấy, nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp khắc phục. Thiết nghĩ nếu không sớm có những đề án đào tạo nguồn nhân lực một cách bài bản, thiệt thòi trước hết sẽ thuộc về học sinh.

THANH THU (SGGP)

 

Bình luận (0)