Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

4 giờ đuổi tử thần cứu bé 3 tuổi té lầu bị đâm thủng tim, phổi

Tạp Chí Giáo Dục

Các bác sĩ hai bệnh viện Thống Nhất và Nhi đồng 1 (TP.HCM) đã có 4 giờ mổ 'nghẹt thở, đấu trí với tử thần' để giành lại mạng sống cho bé. Đặc biệt, ê-kíp chỉ có đúng 1 phút hội chẩn và mổ tim không cần siêu âm để cứu sống bé.
Sau gần 2 ngày được phẫu thuật và điều trị tích cực, bé trai rơi từ lầu 2 bị thanh sắt hàng rào đâm thủng tim, phổi đã ổn định. Bên cạnh đó, qua thăm khám và kết quả chẩn đoán hình ảnh mới, các bác sĩ phát hiện thêm những tổn thương.
Phát hiện thêm tổn thương
Chiều 28.10, thạc sĩ – bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), đã thông tin thêm về tình hình sức khỏe của bé trai rơi từ lầu 2 bị thanh sắt hàng rào đâm thủng tim, phổi.
Bé vẫn còn phải thở máy tuy nhiên các dấu hiệu về sinh tồn, huyết áp đã ổn định.
 
 
Theo thông tin từ Bệnh viện Thống Nhất, khoảng 20 giờ, ngày 26.10, bệnh viện tiếp nhận cấp cứu bệnh nhi H.V.N.M (3 tuổi) trong tình trạng bất tỉnh, mạch khó bắt, vật vã, máu chảy nhiều.
Bé bị một vết thương trước ngực trái, sau lưng có hai vết thương.
Gia đình bệnh nhi cho biết bé té từ tầng hai xuống và bị hai thanh sắt hàng rào xuyên từ sau ra trước ngực, phải gỡ ra mới đưa được bé đi cấp cứu.

 

Sau khi được chuyển qua Bệnh viện Nhi đồng 1, các bác sĩ tiếp tục thăm khám, siêu âm, hội chẩn để khảo sát sức khỏe toàn diện, tổn thương của bệnh nhi.

Qua đó, phát hiện có khối máu tụ trong phổi chèn ép tim bệnh nhi, làm tim hoạt động không tốt.
Bé đã được tiếp tục mở lồng ngực làm sạch máu tụ, khoang màn phổi. Đồng thời, bác sĩ cũng kiểm tra lại các vết thương tim phổi đã được khâu đêm trước thì các vết thương này đã được kín hoàn toàn, không còn máu chảy ra.

Bên cạnh đó, qua chụp CT scan, các bác sĩ phát hiện bé bị gẫy thân sau đốt sống ngực số 8, gẫy xương sườn số 9, 10 ở khung sau bên trái.
Bệnh nhi tiếp tục được điều trị, hồi sức tại khoa Hồi sức Ngoại, Bệnh viện Nhi đồng 1.

1 phút hội chẩn, mổ tim không cần siêu âm
Bác sĩ Hiếu kể lại, ông nhận được điện thoại đề nghị hỗ trợ từ Giáo sư – bác sĩ Nguyễn Đức Công, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, vào khoảng 20 giờ 30 phút, ngày 26.10. Qua điện thoại, bác sĩ Công cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận cấp cứu trường hợp bệnh nhi nguy kịch và đề nghị bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 hỗ trợ theo quy trình “Báo động đỏ liên viện”.
“Nghe vậy, tôi biết ngay đây là tình trạng rất nặng rồi. Mười phút sau tôi có mặt tại Bệnh viện Thống Nhất”, bác sĩ Hiếu kể.
 
 
 
Phải vừa hồi sức, vừa mổ ngay mới có cơ may cứu sống em bé được. Đánh giá tình trạng em bé có thể xác định khả năng bị thủng tim. Không cần phải làm siêu âm tim vì không thể tốn thêm thời gian
 
 
Thạc sĩ – bác sĩ Đào Trung Hiếu
 

“Khi đến phòng mổ cấp cứu, tôi thấy các đồng nghiệp đang hồi sức cho em bé rất tích cực. Em bé đang được bơm máu. Được khâu các vết thương để cầm máu. Tôi nhận thấy em bé vẫn còn sốc, tình trạng chảy máu vẫn không được ổn lắm”, bác sĩ Hiếu nói thêm.

Qua đó, bác sĩ Hiếu đã đề nghị phải can thiệp phẫu thuật ngay chứ không thể nào chỉ hồi sức được.
Với kinh nghiệm về nhi, trước tình trạng của bệnh nhân, bác sĩ Hiếu xác định khả năng bé bị thủng tim. Theo đánh giá của bác sĩ Hiếu, phải vừa hồi sức, vừa mổ ngay mới có cơ may cứu sống em bé được mà không cần phải làm siêu âm tim vì không thể tốn thêm thời gian.
Bác sĩ Hiếu nhận định: “Có một vết thương trong lồng ngực mà giờ mình chưa xác định được, cứ bơm máu vậy thì sẽ như một cái thùng nước, một cái lu bể vậy. Máu bơm vô chảy ra, bơm vô chảy ra thì đến lúc nào đó sẽ không còn máu nữa”.

Các bác sĩ đã thảo luận chỉ trong vòng chưa đầy 1 phút ngay trên bàn mổ và thống nhất ý kiến. Ngay lập tức, tất cả dụng cụ phẫu thuật được dọn ra. Bệnh nhi được mổ ngay.
Bác sĩ Hiếu cho biết: “Vừa mổ ra thì thấy máu trong lồng ngực ào ra. Nhận thấy ở màng tim có một vết rách khoảng chừng 3cm. Máu thoát ra từ vết rách đó. Tôi nhận định đây là một trường hợp đâm trúng tim rồi. Lúc đó, máu vọt ra rất là nhiều. Chúng tôi đưa một ngón tay vô chặn nó lại. May mắn là ngón tay tôi đưa vô trúng chỗ lỗ thủng của tim nên giảm được một lượng máu chảy ra đáng kể”.
Bệnh nhi bị vết thương thủng tim ở vùng tâm nhỉ bên phải. Sau khi kiềm bớt lượng chảy máu, các bác sĩ đã dùng các phương tiện kỹ thuật kẹp lại cầm máu, khâu vết thủng ở tim.
Sau đó, các bác sĩ tiếp tục thám sát phần phổi. “Phổi bệnh nhân có hai vết rách nữa ở vùng thùy dưới phổi bên phải, mỗi vết rách khoảng chừng 3cm”, bác sĩ Hiếu nói.
Thanh sắt hàng rào đâm xuyên em bé vừa trúng tim, vừa trúng phổi. Bên cạnh đó, bệnh nhi còn bị 2, 3 vết thương ở thành ngực. Các bác sĩ đã tiếp tục khâu vết rách ở phổi cho bệnh nhi.
Lúc đó bé đã được cầm máu, đồng thời vừa được bơm máu trong khi phẫu thuật nên bắt đầu tiến triển khá lên. Tuy nhiên, độ bảo hòa oxy trong máu vẫn không ổn định, chưa có tiến triển tốt.
Vì vậy, bé đã được chuyển qua Bệnh viện Nhi đồng 1 để tiếp tục hồi sức hô hấp. Ngay từ ban đầu, không thể chuyển bệnh nhi từ Bệnh viện Thống Nhất qua Bệnh viện Nhi đồng 1 vì tình trạng bé rất yếu, sốc, máu chảy ồ ạt, mất máu nhiều. Nếu chuyển liền thì bé sẽ không chịu nổi, tử vong.
Một cuộc đấu trí quá kỳ diệu, căng thẳng và cũng cực kỳ nhanh gọn của các bác sĩ, nhiều lúc tưởng chừng như nghẹt thở với mong muốn duy nhất cứu bé thoát khỏi nguy hiểm. Và bây giờ, các bác sĩ đã có thể tạm an lòng để tiếp tục giúp bé hồi phục. 

Viên An (TNO)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)