Tại cuộc đối thoại giữa Bộ Công thương với doanh nghiệp (DN) vừa diễn ra ở TPHCM, hội trường chật kín và nóng lên khi có rất nhiều DN đến tham dự, vượt xa số lượng ước tính của bộ.
Bức xúc với nhiều quy định chuyên ngành
“Nóng” nhất trong cuộc đối thoại là các ý kiến liên quan đến Nghị định 19 về lĩnh vực kinh doanh khí hóa lỏng. Đại diện Hiệp hội kinh doanh khí hóa lỏng khu vực miền Trung chia sẻ, tuy cuộc đối thoại mà Bộ Công thương tổ chức tại khu vực TPHCM là để dành cho những DN khu vực phía Nam, nhưng do những kiến nghị của Hiệp hội kinh doanh khí hóa lỏng khu vực miền Trung đã bị kéo dài quá lâu chưa được giải đáp, nên đại diện hiệp hội đã bay ngay vào Nam để được tham dự buổi đối thoại này. Hiện hai tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng đã ngưng cấp phép hoạt động kinh doanh bán lẻ gas do đang chờ hướng dẫn quy định về kho và quy trình sang chiết nạp gas, nên các DN mong muốn kinh doanh ngành nghề này đang rất sốt ruột. Một vấn đề khác, những quy định về kỹ thuật sang chiết, trang thiết bị máy móc và đặc biệt quy định về diện tích kho cũng như số lượng bình gas phải có lưu kho, đang gây khó cho các DN vừa và nhỏ vì không đủ nguồn vốn để đáp ứng.
Người bán lẻ gas đang gặp khó vì những quy định chuyên ngành. Ảnh: THÀNH TRÍ
Tuy nhiên, cũng liên quan đến quy định mới đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện là gas, ông Hoàng Anh, Giám đốc Gas Petrolimex, cho rằng, Nghị định 19 so với nghị định cũ đã rất giản lược. Phải thấy rằng, cần đề ra một mục tiêu lớn hơn để các DN hoạt động trong lĩnh vực này phải chủ động hướng tới. Điều này cũng xuất phát từ thực tế đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, liên quan đến sự an toàn tính mạng người dân. Nếu không thắt chặt những quy định về sang chiết gas sẽ tạo điều kiện cho tình trạng gian lận thương mại trong lĩnh vực này gia tăng. Về phía cơ quan chức năng, dù có tăng thêm hàng trăm nhân viên kiểm tra, thanh tra cũng không thể kiểm soát hết được. Trên thực tế, thời gian qua tình trạng sang chiết bán gas giả, lậu diễn biến khá tràn lan. Có những DN bị bắt đến 4 lần nhưng vẫn tiếp tục hoạt động, gây thiệt hại cho những DN kinh doanh chân chính. Do vậy, việc đưa ra tiêu chuẩn hạ tầng để được kinh doanh ngành hàng này là cần thiết. Nếu những DN không đáp ứng được các điều kiện cơ sở vật chất thì bắt buộc phải lựa chọn phân khúc thấp thích hợp hơn (tổng đại lý, đại lý…).
Một lĩnh vực kinh doanh khác vốn tồn tại nhiều bức xúc và luôn chiếm phần lớn thời gian đối thoại là lĩnh vực dệt may. Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam tại khu vực TPHCM cho rằng, sau hơn 7 năm đấu tranh thì những quy định chuyên ngành liên quan đến kiểm định chất formardehyde và admin thơm đã chính thức được Bộ Công thương bãi bỏ. Tuy nhiên, hiện vẫn còn những quy định liên quan đến hoạt động in ấn vải của ngành. Cụ thể, để DN nhập một máy in hoa văn vải, chủ DN phải đáp ứng những yêu cầu như tốt nghiệp cao đẳng ngành in hoặc phải trải qua lớp đào tạo ngắn hạn do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức và có chứng nhận. DN dệt may cũng không được nhận các đơn hàng may quân phục do Bộ Quốc Phòng không cho phép. Việc đồng chứng nhận đối với mặt hàng nguyên liệu nhập khẩu là bông và lông vũ cũng chưa được áp dụng…
Những DN khác thắc mắc xung quanh các điều kiện để nhập khẩu hóa chất rất ngặt nghèo. Số lượng trung tâm phân tích tại Việt Nam quá ít và không đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, gây khó trong hoạt động của DN. Việc đồng chứng nhận những kiểm định sản phẩm nhập khẩu từ các nước có kỹ thuật và tiêu chuẩn tiên tiến hơn chưa được thực hiện gây lãng phí cho DN… Ngoài ra, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng, không phải luật không có nhưng người dân không thực thi, người thực thi pháp luật thì hành xử luật không đúng, cũng đang gây cản trở rất lớn cho hoạt động của DN.
Gỡ khó cho doanh nghiệp
Phản hồi ý kiến của DN, đại diện Bộ Công thương cho rằng, ngành công thương hiện đang quản lý 28/267 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; quản lý nhà nước và kiểm soát 447 thủ tục hành chính ở cả 4 cấp là cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Hiện Bộ Công thương cũng đang cố gắng thực hiện công khai, minh bạch và đơn giản hóa thủ tục hành chính. Từ năm 2015 đến nay, bộ đã bãi bỏ 36 thủ tục, đơn giản hóa 90 thủ tục hành chính trong các lĩnh vực thương mại điện tử, hóa chất, kinh doanh, năng lượng, an toàn thực phẩm, điện lực, hoạt động mua bán qua sở giao dịch hàng hóa… Bộ cũng cũng kiến nghị Chính phủ cho phép bãi bỏ Thông tư 20 về thủ tục nhập khẩu xe chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống, đơn giản hóa thủ tục khai báo hóa chất…
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh khẳng định, tuy là bộ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhưng cũng phải nhìn nhận một số lĩnh vực đặc thù không thể không quản lý chặt. Đơn cử như nhập khẩu hóa chất là loại hình sản phẩm phải được quản lý ngoài biên giới lãnh thổ. Nếu đơn giản hóa trong thủ tục quản lý thì sẽ có nguy cơ thêm nhiều vụ việc như formosa sẽ xảy ra. Hoặc là đơn hàng của ngành dệt may liên quan đến quân phục. Các quy định chặt chẽ không chỉ áp dụng tại Việt Nam mà các nước trên thế giới cũng áp dụng do liên quan đến vấn đề an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, nếu những công ty có đơn hàng này đưa ra được chứng nhận xác nhận đơn hàng do đối tác nước ngoài đặt thì vẫn có thể thực hiện bình thường. Ông Trần Quốc Khánh cũng nhấn mạnh, ngoài những yếu tố đặc thù cần phải thắt chặt quản lý, Bộ Công thương cam kết đẩy nhanh tiến độ cải cách thủ tục hành chính để gỡ rào cản cho DN phát triển.
ÁI VÂN/ SGGP
Bình luận (0)