Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Nhận biết nhiễm độc chì và cách phòng tránh

Tạp Chí Giáo Dục

Tình trạng nhiễm chì cao trong cơ thể của người Việt hiện nay một phần là do ô nhiễm chì có trong không khí, trong nước uống và một phần do trực tiếp đưa vào cơ thể thông qua việc ăn uống và sử dụng vật dụng gia đình.

Ảnh: Shutterstock
Ảnh: Shutterstock
Hiện chưa có con số thống kê cụ thể các trường hợp nhiễm độc chì tại VN, nhưng riêng tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai trong hai năm 2013 – 2014 đã tiếp nhận 797 trường hợp có biểu hiện ngộ độc chì, trong đó có đến 179 trẻ được phát hiện chứa lượng chì trong máu quá lớn. Số trẻ bị nhiễm độc chủ yếu do cha mẹ cho dùng thuốc cam, hít sơn pha chì và do môi trường ô nhiễm.
Chì vào cơ thể bằng cách nào ?
Chì là kim loại nặng có màu xám xanh, được sử dụng trong rất nhiều hoạt động sản xuất của con người như chế tạo xe hơi, đạn dược, thuốc nhuộm… Chì rất dễ tích tụ vào nước và đất, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và sinh vật trong khu vực. Theo BS CKI Huỳnh Quang Đại – Khoa Nội tổng quát Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, bộ môn hồi sức chống độc Đại học Y Dược, chì có thể xâm nhập vào cơ thể chúng ta do hít bụi từ các loại sơn cũ có chứa chất chì, hay tiếp xúc với nguồn nước, nguồn đất bị ô nhiễm chì, hít thở không khí từ hoạt động công nghiệp có chì… Bên cạnh đó, sử dụng các loại mỹ phẩm, thực phẩm bị ô nhiễm có chứa chì, đồ chơi có sơn chì, đạn chì hoặc đưa tay dính chì, sản phẩm có chứa chì lên miệng cũng là cách gián tiếp đưa chì vào cơ thể.
Với ngộ độc nhẹ, trẻ sẽ bỏ ăn, hay quấy khóc, không nghe lời. Người lớn ăn không ngon, trí nhớ kém, khó ngủ, khả năng làm việc giảm. Với các trường hợp nhiễm độc nặng trẻ có thể bị liệt, co giật, hôn mê, người lớn bị suy thận. Tin từ Bệnh viện Bạch Mai cho biết, vì ngộ độc chì mà một cháu bé 5 tuổi đã bị ảnh hưởng đến trí tuệ. Đến năm 11 tuổi cháu mới tự lấy quần áo tắm, 17 tuổi mới có thể viết được những chữ cái đầu tiên. Nhiễm độc chì do uống thuốc cam (một loại thuốc nam dùng uống, bôi – thuốc tưa lưỡi… lưu hành bất hợp pháp có chì) cũng khiến 5 người trong một gia đình ở Nam Định ngộ độc nặng. Sau 10 ngày sử dụng, cả nhà cảm thấy mệt mỏi, đau nhức, cháu nhỏ nhất bị co giật và tử vong trước khi đến bệnh viện.
Bác sĩ Huỳnh Quang Đại cho biết chì là kim loại nặng, độc tính mạnh, có khả năng tích lũy sinh học trong cơ thể, lâu dần sẽ gây bệnh. Kim loại này không mùi, không vị nên bằng mắt thường không thể phát hiện sự tồn tại của nó trong thực phẩm, chỉ khi kiểm nghiệm mới xác định được. Chì có thể nhiễm vào nước, thức ăn, thực phẩm… với lượng nhỏ trong ngưỡng quy định thì không gây hại bởi nó sẽ được đào thải qua nước tiểu, mồ hôi. Tuy nhiên, sử dụng hằng ngày với hàm lượng chì vượt ngưỡng, lâu dần sẽ tích lũy, gây ngộ độc chì mạn, biểu hiện bởi tình trạng thiếu máu, hoa mắt, chóng mặt, sốt và ảnh hưởng thần kinh.
Nhận biết ngộ độc chì
 
Ngộ độc chì thường chia làm 2 nhóm. Thứ nhất là cấp tính gây tăng áp lực nội sọ, tổn thương não cấp, nơron thần kinh, triệu chứng thường gặp là nôn, lơ mơ, hôn mê, co giật. Thứ hai là mạn tính, độc tố tích lũy dần dần trong cơ thể. Trẻ càng nhỏ tác hại càng nặng và gây ra tình trạng rối loạn chức năng của nơron thần kinh. Bệnh nhi có thể bị kích thích tăng động, giảm thần kinh nhận thức, giảm trí thông minh (IQ). Ngộ độc chì được coi là ngộ độc báo động và được kiểm soát đặc biệt ở Mỹ.
Theo khuyến cáo, trong trường hợp nghi ngờ bị nhiễm chì, người dân có thể đến các bệnh viện để yêu cầu xét nghiệm độc chất này trong máu cũng như các xét nghiệm lâm sàng. Một người được chẩn đoán xác định nhiễm chì khi tiếp xúc với các nguồn có chì hoặc xuất hiện triệu chứng gợi ý, đồng thời xét nghiệm chì trong máu cao hơn 10 mg/dl (tiêu chuẩn bắt buộc).
Ở trẻ, khi bị nhiễm độc chì sẽ có các triệu chứng như hôn mê, co giật, ngủ lịm từng lúc, liệt, thái độ hành vi kỳ dị, ít chơi, mệt mỏi, khó chịu, vô cảm, mất phối hợp, mất đi các kỹ năng học, học kém, chậm phát triển tinh thần. Khi trẻ có biểu hiện nặng trên thần kinh trung ương (hôn mê, co giật), 25 – 30% số trẻ này có di chứng (chậm phát triển trí tuệ, co giật, mù, liệt) vĩnh viễn. Ngoài ra, trẻ còn bị đau bụng, chán ăn, thiếu máu. Tuy nhiên, bác sĩ Huỳnh Quang Đại cho hay đa số trẻ bị ngộ độc chì có biểu hiện bệnh rất kín đáo, rất dễ bị bỏ sót, chỉ có thể phát hiện thấy khi khám chuyên khoa kỹ lưỡng và xét nghiệm. Đây là một điều đáng lo ngại vì chì ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển trí tuệ và thể chất của trẻ.
Trong khi đó, đối với người lớn, biểu hiện nhiễm độc chì là lơ mơ, lẫn lộn, mê sảng, dễ buồn ngủ, mất ngủ, hôn mê, co giật, đau đầu, mất trí nhớ, liệt. Miệng có vị kim loại, chán ăn, táo bón, đau bụng, đau cơ, yếu cơ, đau khớp, thiếu máu. Đặc biệt, nhiễm độc chì làm giảm ham muốn tình dục, giảm khả năng sinh đẻ, dễ sảy thai, đẻ non, chậm phát triển thai, dị dạng thai cho người đang trong độ tuổi sinh sản.
Phòng quan trọng hơn chữa
Theo bác sĩ Huỳnh Quang Đại, ngừng tiếp xúc với nguồn chì gây ra ngộ độc là điều trước tiên cần phải làm khi phát hiện bị nhiễm độc chì. Tiếp đến là chữa các biểu hiện ngộ độc: hôn mê, co giật cần được cấp cứu, truyền máu nếu thiếu máu nặng, tẩy độc khi mới tiếp xúc với chì (chì còn ở trên da, mắt, trong đường tiêu hóa và chưa hấp thu vào máu). Có thể tắm rửa bằng xà phòng, rửa dạ dày, rửa ruột, nội soi gắp chì trong đường tiêu hóa ra ngoài. Dùng thuốc giải độc để chì được đào thải qua nước tiểu. Điều trị ngộ độc chì cần thời gian, có thể kéo dài hàng tháng đến hàng năm do chì thường gắn chặt ở xương. Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, trẻ nhỏ (kể cả trẻ sơ sinh) bị ngộ độc chì rõ vẫn cần điều trị.
Ngoài ra, để phòng ngừa nhiễm độc chì, cần thận trọng khi sử dụng các sản phẩm nghi ngờ chứa chì, đặc biệt là đồ chơi của trẻ em không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
 

Cẩm Nhung/TNO

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)