Ngày 1-7 tới đây, Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi) chính thức có hiệu lực; ngày 1-1-2025, Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực. Đây là cơ sở để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án BĐS. Nhiều chuyên gia kỳ vọng, khi các luật trên đi vào cuộc sống sẽ “phá băng” thị trường BĐS hiện nay…
Để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh cần giải quyết tình trạng “thổi giá”, “đẩy giá”
Tại cuộc họp trực tiếp và trực tuyến của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án BĐS cho địa phương, doanh nghiệp; Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, những khó khăn, vướng mắc của thị trường BĐS có ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều ngành nghề như ngân hàng, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng… Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm, có nhiều chỉ đạo, cuộc họp, diễn đàn để ghi nhận ý kiến góp ý, tìm giải pháp tháo gỡ cho thị thường BĐS. Chính phủ, Quốc hội đã khẩn trương sửa đổi các luật liên quan, chuẩn bị ban hành văn bản hướng dẫn luật. Bên cạnh đó, dấu hiệu “ấm lên”, khả quan của nền kinh tế cũng có sự đóng góp của các doanh nghiệp, hiệp hội BĐS.
“Nhà nước sẽ làm hết sức, quyết tâm cao, nỗ lực lớn để thực hiện những gì thuộc trách nhiệm, thẩm quyền. Đồng thời, các nhà đầu tư, doanh nghiệp BĐS phải nhìn nhận trách nhiệm của mình trong việc khắc phục “nghịch lý” thừa phân khúc cấp cao, thiếu sản phẩm dành cho người thu nhập trung bình và thấp; giải quyết tình trạng “thổi giá”, “đẩy giá” để cung và cầu gặp nhau, đưa thị trường BĐS trở lại hoạt động bình thường…”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Gỡ vướng cho nhiều dự án
Ông Nguyễn Văn Sinh – Thứ trưởng Bộ Xây dựng – cho biết, thời gian qua, thị trường BĐS nói chung và việc tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện dự án BĐS đã có nhiều chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Đơn cử, Hà Nội hiện có 404 dự án – qua rà soát phân loại khó khăn, vướng mắc, đã giải quyết đưa ra khỏi danh sách chậm triển khai 81 dự án; 10 dự án đã thu hồi đất, chấm dứt hoạt động; 67 dự án tiếp tục đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Hà Nội đang tiếp tục triển khai thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 246 dự án.
TP.HCM cũng đã triển khai giải quyết theo thẩm quyền 33/72 dự án do Tổ công tác yêu cầu; 44/148 dự án do Hiệp hội BĐS TP tổng hợp kiến nghị; đang tiếp tục triển khai tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 143 dự án…
Nhiều khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế đã được Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tháo gỡ. Tuy nhiên do các luật này chưa có hiệu lực thi hành dẫn đến chưa giải quyết ngay khó khăn, vướng mắc hiện nay.
“Một số địa phương chưa thành lập tổ công tác, chưa giải quyết khó khăn; còn nhiều vướng mắc trong tổ chức triển khai thực thi pháp luật; chưa tập trung lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và hằng năm để làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án phát triển nhà ở; chưa đẩy mạnh thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; cải cách thủ tục hành chính chậm…”, ông Sinh thông tin.
Về tín dụng, ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước – cho biết, lĩnh vực BĐS “luôn đi cùng” với ngành ngân hàng và liên quan tới hàng loạt lĩnh vực khác như sản xuất, vật tư, vật liệu xây dựng… Ngành ngân hàng kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào những lĩnh vực rủi ro mà đối với ngành BĐS là đầu cơ và thổi giá khiến khó tiêu thụ sản phẩm, không luân chuyển được dòng vốn, khó thu hồi nợ.
Báo cáo một số vướng mắc trong gói cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ, ông Tú cho rằng, vấn đề mấu chốt là cần tạo điều kiện cho “cầu tiếp cận được cung” và đẩy mạnh nguồn cung, từ đó giảm giá khách quan của thị trường trên quan hệ cung – cầu cũng như với các dự án, tập đoàn đẩy giá, lũng đoạn và đầu cơ BĐS.
Nói thêm về việc giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội, ông Trần Phương – Phó Tổng Giám đốc BIDV – cho biết: “Không phải tất cả doanh nghiệp xây nhà ở xã hội mà BIDV tiếp cận đều có nhu cầu vay vốn, vì nhiều dự án chưa có đầy đủ điều kiện để triển khai hoặc đang sử dụng vốn tự có”.
Cũng tại hội nghị, một số doanh nghiệp BĐS kiến nghị rút ngắn thời gian rà soát thủ tục pháp lý, nguồn gốc sử dụng đất dự án nhà ở xã hội; đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính; nới lỏng điều kiện tiếp cận tín dụng cho chủ đầu tư và người mua có thu nhập trung bình và thấp…
Tránh tình trạng “bong bóng” BĐS
Theo Phó Thủ tướng, việc phát triển thị trường BĐS lành mạnh góp phần vào tăng trưởng kinh tế – xã hội, tạo công ăn việc làm, bảo đảm quyền được tiếp cận nhà ở của người dân. Thời gian qua, thị trường BĐS chịu ảnh hưởng của tình hình kinh tế trong nước, thế giới cũng như những kẽ hở, yếu kém trong quản lý thị trường vốn, đất đai, BĐS. Vấn đề đặt ra là phải lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư một cách bài bản, đồng bộ, khoa học, nhanh nhạy đối với công tác quản lý lĩnh vực BĐS, đất đai, tín dụng, vốn… tạo ra thị trường lành mạnh, khuyến khích đầu tư, kinh doanh, tránh tình trạng “bong bóng” BĐS.
Theo đó, ông đề nghị Bộ Xây dựng tổng kết những nhóm vấn đề vướng mắc chủ yếu có thể được giải quyết trong các luật sửa đổi, bổ sung về đất đai, nhà ở, kinh doanh BĐS… vừa được thông qua; từ đó nghiên cứu phương án tham mưu, trình Chính phủ, Quốc hội ban hành văn bản theo thẩm quyền cho phép áp dụng trước thời điểm luật có hiệu lực.
Ông cũng đề nghị Tổ công tác của Chính phủ xây dựng tiêu chí nhà đầu tư BĐS có năng lực; mở rộng đối tượng tiếp cận nhà ở xã hội cho người có thu nhập trung bình và thấp, doanh nghiệp trong khu công nghiệp; hướng dẫn đầy đủ cho địa phương thực hiện theo đúng cơ chế, chính sách đã có về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, tái định cư, xác định giá đất…
Phó Thủ tướng giao các địa phương tính toán cụ thể nhu cầu của người dân, bố trí đầy đủ quỹ đất dành cho các dự án nhà ở, cải tạo chung cư cũ.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính nghiên cứu chính sách tài khóa dài hạn hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay tín dụng ưu đãi; thành lập quỹ đầu tư nhà ở xã hội (bao gồm ngân sách Nhà nước, đóng góp của doanh nghiệp từ chi phí 20% xây nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại và các nguồn hợp pháp khác) hỗ trợ cho doanh nghiệp xây nhà ở xã hội và người dân mua nhà ở xã hội, bảo đảm hài hòa giữa thực hiện chính sách xã hội và cơ chế thị trường.
Phó Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư tính toán chi phí hợp lý, đưa ra các sản phẩm nhà ở thương mại, nhà ở xã hội có giá bán phù hợp, bảo đảm chất lượng, thiết kế, góp phần phát triển lành mạnh thị trường BĐS.
Đức Việt
Bình luận (0)