Euro 2016 tại Pháp đã khai mạc rạng sáng nay 11.6 (giờ Việt Nam), khiến nỗi lo về tình hình an ninh, trật tự tại khu vực làng Đại học (phường Linh Trung, Thủ Đức) lại dấy lên giữa các bạn sinh viên.
Mỹ Duyên, sinh viên Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, chia sẻ: “Sáng nay, chị trưởng nhà có lên phòng nhắc nhở tụi mình nên tự bảo quản tài sản, tư trang cá nhân vì mùa Euro đã đến, mất cắp xảy ra nhiều”.
Nhiều bạn sinh viên cũng thẳng thắn thừa nhận hiện nay, tình trạng cá độ trong giới sinh viên diễn ra rất phổ biến. Từ thua độ, các tệ nạn như trộm cắp, cho vay nặng lãi… lại có cơ hội sinh sôi, nảy nở.
Chú Luận, bảo vệ ký túc xá (KTX) khu A, Đại học Quốc gia TP.HCM, chia sẻ nỗi lo với các bạn sinh viên: “Tại KTX chỉ khu cà phê A6 được phép phát trực tiếp bóng đá xuyên đêm; tuy nhiên, vẫn phải có đề xuất cho từng đợt phát sóng và có sự thông qua của ban quản lý”.
Cũng theo chú Luận, trong mùa Euro, hoạt động của ký túc xá vẫn sẽ diễn ra bình thường.
Anh Minh Ngọc, quản lý quán cà phê A6, cho biết trước đây, trong thời gian diễn ra các giải đấu lớn, lượng “khách cố định” thường xuyên đến theo dõi, cập nhật thông tin khá ấn tượng, dao động khoảng từ 500 đến 700 sinh viên.
Anh Minh Ngọc, quản lý quán cà phê A6, cho biết sinh viên ký túc xá rất hào hứng đón chờ Euro 2016
“Không khí khá tốt, sôi nổi. Sinh viên cũng hay hỏi thăm việc phát sóng trực tiếp các trận đấu”, anh Ngọc chia sẻ.
Trong khi đó, bên ngoài khu ký túc xá, các quán cà phê cũng rục rịch khởi động nhằm chuẩn bị phục vụ hàng ngàn sinh viên và người dân trong mùa Euro, sự kiện bóng đá lớn của năm 2016 bên cạnh Copa America Centenario (diễn ra tại Mỹ).
Tuy vậy, không phải ai cũng hào hứng góp mặt tại những nơi đông người để theo dõi toàn bộ các trận đấu, đặc biệt trong thời gian thi cử căng thẳng cuối tháng 6, đầu tháng 7 sắp tới.
Thực tế cho thấy các bạn đã có sự chuẩn bị rất kỹ càng, bắt đầu tích trữ mì gói và cà phê để có thể “sống sót” qua nhiều đêm gần như thức trắng.
Để cân bằng giữa việc học hành, thi cử và theo dõi Euro 2016, nhiều bạn chọn cách chỉ xem toàn bộ những trận hay, có đội bóng mình yêu thích, còn lại thì đơn thuần cập nhật tỉ số.
Cần lưu ý rằng, theo một số sinh viên năm cuối thì khi diễn ra các giải đấu lớn, nhận được nhiều sự quan tâm như World Cup, Euro… tỉ lệ sinh viên thi trượt, rớt môn thường tăng lên rất đáng kể.
Có thể thấy, thực tế, ngoài tình hình an ninh, trật tự thì nỗi lo cuộc sống thường nhật bị đảo lộn vì mong muốn “cháy hết mình” cùng Euro thật sự tồn tại trong giới sinh viên.
“Mình chẳng có sự chuẩn bị gì ngoài bài vở cho kỳ thi sắp tới cả”, Lê Minh Phúc, sinh viên Đại học Khoa học Tự nhiên, tỏ ra không mong chờ ngày hội bóng đá lớn nhất châu Âu.
Euro là sự kiện bóng đá lớn nhất châu Âu ở cấp độ đội tuyển quốc gia, được tổ chức 4 năm một lần.
Euro 2016, 24 đội chia làm 6 bảng sẽ tranh tài trong 1 tháng, từ 11.6 – 10.7 tại 10 SVĐ lớn nhất nước Pháp.
Trận chung kết được tổ chức ở sân vận động Stade de France (thủ đô Paris, Pháp).
Trái bóng chính thức cho kỳ Euro lần này có tên tiếng Pháp là “Beau Jeu”, do hãng thể thao Adidas sản xuất.
|
Theo TNO
Bình luận (0)