Do ảnh hưởng dịch Covid-19, chương trình học kỳ II của lớp 12 năm học này đã được tinh giản. Bộ GD-ĐT cũng đã công bố đề thi minh họa lần thứ 2 cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Vậy học sinh cần lưu ý gì để ôn tập môn văn – môn tự luận duy nhất của kỳ thi này?
Theo tác giả, để làm bài thi hiệu quả, học sinh cần tự rèn kỹ năng về đọc hiểu văn bản, viết đoạn văn ngắn, phân tích các thể loại tác phẩm… Trong ảnh: Học sinh lớp 12 tại một trường THPT trên địa bàn TP.HCM trong giờ ôn tập môn văn. Ảnh: Y.Hoa
Nắm vững những trọng tâm ôn thi
Trước hết, học sinh cần nắm vững trọng tâm của học kỳ II là những tác phẩm nào. Với 3 hình thức tinh giản của chương trình học là không dạy, khuyến khích học sinh tự học và học sinh tự học có hướng dẫn của giáo viên, chương trình học kỳ II môn văn lớp 12 đã tinh giản những tác phẩm trọng tâm sau đây: Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành); Những đứa con trong gia đình (Nguyễn Thi); Hồn Trương Ba, da hàng thịt (Lưu Quang Vũ). Bộ GD-ĐT cũng đã khẳng định dứt khoát là những nội dung tinh giản sẽ không có trong đề thi. Cho nên còn lại 3 tác phẩm được xem là trọng tâm của học kỳ II, có thể sẽ ra trong đề thi, gồm: Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài); Vợ nhặt (Kim Lân); Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu). Như vậy, trọng tâm môn văn lớp 12 gồm các tác phẩm quy về các thể loại sau đây: văn chính luận, thơ, tùy bút/bút ký và truyện ngắn. Trong đó, truyện ngắn Vợ chồng A Phủ vừa được đưa vào đề thi minh họa (lần 1, cảm nhận về nhân vật Mị trong đêm mùa xuân ở Hồng Ngài) và một đoạn thơ thứ nhất trong bài Tây Tiến của Quang Dũng (lần 2, cảm nhận về khung cảnh thiên nhiên và hình ảnh người lính trong khổ 1). Bút ký Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường) đã ra trong đề thi THPT quốc gia năm 2019.
Đề thi minh họa năm 2020 cả 2 lần nói trên đều giống cấu trúc đề thi các năm trước về thời gian làm bài (120 phút), về cấu trúc câu hỏi, thang điểm. Cũng gồm phần đọc hiểu (3 điểm); phần làm văn gồm: nghị luận xã hội (viết đoạn văn ngắn khoảng 200 chữ, 2 điểm) và nghị luận văn học (5 điểm). Các mức lượng giá, độ khó của phần đọc hiểu và câu hỏi viết đoạn văn ngắn không thay đổi. Thay đổi đáng chú ý nhất của đề thi là ở câu nghị luận văn học. Đề thi theo hướng giảm độ khó vì giảm mức độ yêu cầu, từ 2 vế yêu cầu xuống còn 1 vế đầu.
Các kỹ năng cần rèn luyện
Để làm bài hiệu quả, học sinh cần tự rèn các kỹ năng về đọc hiểu văn bản, viết đoạn văn ngắn, phân tích các thể loại tác phẩm; kỹ năng đọc và phân tích đề thi, từ đó có “chiến thuật” làm bài và phân bổ thời gian hợp lý; kỹ năng trả lời ngắn gọn, thuyết phục, hướng vào các “từ khóa” chính của đáp án chấm, với các bí quyết (mẹo) làm bài để làm tốt câu đọc hiểu. Để làm tốt câu nghị luận xã hội, học sinh cần rèn tư duy xã hội, hình thành thói quen quan sát và phân tích, tập bày tỏ quan điểm, chính kiến và tư duy phản biện. Kèm với đó là việc ghi nhớ một số dẫn chứng xã hội tiêu biểu theo chùm đề tài mà đề thi có thể cho. Với câu nghị luận văn học, các em cần rèn kỹ năng tóm tắt văn bản để nhớ tác phẩm; kỹ năng so sánh liên hệ các tác phẩm trong và ngoài chương trình lớp 12; kỹ năng diễn đạt và thủ thuật đưa dẫn chứng vào bài làm… Ngoài ra, học sinh cần luyện tập trước một số đề mẫu khi ôn thi. Tham khảo đáp án chấm của đề thi các năm trước để chủ động ôn tập và làm bài đúng hướng.
Viết đoạn văn khác viết bài văn Hiện còn nhiều học sinh hiểu chưa đúng yêu cầu viết đoạn văn nên nhầm lẫn sang viết thành một bài văn. Cụ thể là, nhiều học sinh quan niệm đoạn văn là bài văn rút gọn, cho nên yêu cầu phải đầy đủ các phần mở, thân, kết; đủ các bước giải thích, phân tích, bàn luận, phê phán, bài học bản thân… Nên nhiều bài làm dù viết dài nhưng điểm không cao, và dư thừa không cần thiết, không hiệu quả bằng những bài làm ngắn gọn nhưng đúng vào trọng tâm. Vậy trọng tâm ở đây là gì? Trong đáp án chấm có yêu cầu đảm bảo về hình thức đoạn văn, đó là: viết theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành, khác với yêu cầu về hình thức của một bài văn. Như vậy, khi viết đoạn văn, học sinh phải vận dụng một trong các cách triển khai trên và trả lời trực tiếp vào yêu cầu của đề. Chẳng hạn, với câu hỏi về ý nghĩa/tác dụng của “sự trải nghiệm” (đề thi minh họa năm 2018), thì các em phải trả lời trực tiếp, đầy đủ về ý nghĩa/tác dụng của sự trải nghiệm là đạt điểm. Không cần phải giải thích, bàn luận dài dòng. Hay từ đề thi minh họa năm 2019 là: “Từ nội dung đoạn trích phần đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về điều bản thân cần thay đổi để có thể thành công trong cuộc sống”. Thì các em phải cho người đọc thấy được những điều cụ thể mà bản thân thay đổi để thành công là gì. Theo kinh nghiệm chúng tôi, các em nên chọn cách triển khai theo hình thức tổng – phân – hợp. Ở phần “tổng” (chủ đề) nên nêu trực tiếp, dẫn lại ý kiến (nếu có); phần “phân” trả lời trực tiếp vào trọng tâm như đã nói ở trên; và phần “hợp” tóm lược các ý trọng tâm đã triển khai. Có thể nêu thêm ý nghĩa/bài học rút ra từ vấn đề nghị luận. |
Các kiến thức này Báo Giáo dục TP.HCM đã chia sẻ rất nhiều bài viết cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu của các giáo viên nhiều kinh nghiệm tại TP.HCM. Với phần nghị luận văn học, học sinh cần ôn tập theo hệ thống thể loại. Mỗi thể loại cần chú ý có bao nhiêu tác phẩm, nắm vững đặc trưng và các dạng đề thi thường cho của mỗi thể loại. Chẳng hạn với văn chính luận thường yêu cầu là phân tích nghệ thuật lập luận; thơ thường là cảm nhận về vẻ đẹp của tâm trạng chủ thể trữ tình, phân tích nội dung và nghệ thuật; tùy bút thì yêu cầu làm rõ về hình tượng nhân vật và bút pháp nghệ thuật của nhà văn; còn truyện ngắn cần chú ý về tình huống truyện, các chi tiết đặc sắc và phân tích nhân vật, để rút ra được giá trị tư tưởng và nghệ thuật.
Một điều cần chú ý nữa là, do thời gian làm bài 120 phút, đề thi theo hướng giảm tải, cho nên câu hỏi phần nghị luận văn học thường ra theo hướng chấm phá (một đoạn thơ, một đoạn văn xuôi, một chi tiết của truyện… như hai đề minh họa nói trên). Tuy nhiên, để làm bài tốt, học sinh cần nắm chắc toàn bộ tác phẩm và có cách xây dựng một dàn ý triển khai hợp lý.
Trần Ngọc Tuấn
(Trường THPT Tây Thạnh, TP.HCM)
Bình luận (0)