Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) biểu diễn tiết mục âm nhạc dân tộc tại buổi góp ý cho Dự thảo đề án “Giáo dục âm nhạc dân tộc trong trường học trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016-2020” |
Đề án giáo dục âm nhạc dân tộc trong trường học sẽ triển khai vào năm học 2016-2017 với 48 trường tiểu học, THCS (mỗi quận/huyện chọn 2 trường tham gia) và đến năm học 2017-2018 áp dụng cho tất cả trường tiểu học và THCS trên địa bàn thành phố.
Đó là nội dung được phổ biến tại buổi họp góp ý cho Dự thảo đề án “Giáo dục âm nhạc dân tộc trong trường học trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016-2020” vừa được Sở GD-ĐT TP.HCM công bố.
Thiếu giáo viên biết sử dụng nhạc cụ
“Theo tôi, để triển khai hiệu quả đề án giáo dục âm nhạc dân tộc cho học sinh, vấn đề đầu tiên và cũng là cốt lõi chính là việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn về âm nhạc cho đội ngũ giáo viên”, bà Trần Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Linh, nói. |
So với các môn học khác, âm nhạc là môn học có tuổi đời non trẻ, mới triển khai đại trà trên phạm vi toàn quốc từ năm 2000 đến nay, với thời lượng 1 tiết/tuần. Trong khi đó, số lượng giáo viên âm nhạc lại thiếu, chất lượng không đồng đều do có quá nhiều trường ĐH, CĐ đào tạo với ngưỡng đầu vào thấp; nhiều cử nhân tốt nghiệp chuyên ngành âm nhạc không được đào tạo thêm về nghiệp vụ sư phạm nên gặp khó khăn trong công tác giảng dạy. Do đó, nhiều trường phải sử dụng đội ngũ giáo viên chủ nhiệm kiêm nhiệm dạy nhạc. Theo ông Bùi Anh Tôn, chuyên viên âm nhạc – mỹ thuật Phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TP.HCM), hiện có 435/514 trường tiểu học đã triển khai bộ môn âm nhạc (84,6%) với 557 giáo viên giảng dạy, bình quân 1,07 giáo viên/trường; trong khi bậc THCS có 259 trường triển khai với 454 giáo viên giảng dạy (tỷ lệ 1,75 giáo viên/trường). Nhưng nếu xét về yêu cầu hiểu biết và sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc thì chỉ có 96 giáo viên tiểu học và 16 giáo viên THCS đáp ứng yêu cầu, trong đó chỉ có 6 giáo viên tốt nghiệp chuyên ngành âm nhạc dân tộc. Đó là chưa kể cách đánh giá học sinh theo cách xếp loại ở mức “đạt” (tiểu học) và “hoàn thành” (THCS) không tạo được động lực để các em tích cực học, thậm chí có em còn không có sách giáo khoa âm nhạc.
Kéo học sinh về với nhạc dân tộc
Dù đã đạt được một số kết quả đáng kể trong công tác giáo dục âm nhạc, song trước sự bùng nổ về thông tin, kèm với xu thế mở cửa hội nhập đã du nhập nhiều yếu tố văn hóa mới cùng những hạn chế của chương trình âm nhạc khiến cho học sinh ít hứng thú với âm nhạc dân tộc. Trong khi đó, sự thiếu thốn về điều kiện vật chất cũng khiến nhiều trường gặp khó khăn trong vấn đề này. Trước thực trạng này, Sở GD-ĐT TP.HCM đã xây dựng Dự thảo đề án “Giáo dục âm nhạc dân tộc trong trường học trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016-2020”. Theo dự thảo, học sinh tiểu học và THCS sẽ được học 1 tiết/tuần. Tiết học này như một hoạt động ngoại khóa, không thay thế chương trình môn âm nhạc giáo dục phổ thông hiện hành. Riêng với bậc THPT, âm nhạc dân tộc sẽ được lồng vào chương trình sách giáo khoa mới từ năm 2018 vào môn âm nhạc để dạy cho học sinh theo chủ đề tự chọn.
Tuy nhiên, để thực hiện được dự án này, theo đại diện nhiều trường, cần phải có sự chung tay của nhiều ban ngành. Bà Trần Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Linh, nhìn nhận: “Hiện nay học sinh hát nhạc tiếng Anh còn nhiều hơn nhạc dân tộc. Vì vậy, chúng ta không nên kỳ vọng rằng tất cả học sinh sẽ yêu thích âm nhạc dân tộc. Chỉ có điều là nếu được nghe nhiều, tiếp xúc nhiều với âm nhạc dân tộc thì các em sẽ bị ảnh hưởng và quan tâm hơn. Theo tôi, để triển khai hiệu quả đề án giáo dục âm nhạc dân tộc cho học sinh, vấn đề đầu tiên và cũng là cốt lõi chính là việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn về âm nhạc cho đội ngũ giáo viên”.
Ông Trần Tấn Tài, Phó Trưởng phòng GD-ĐT Q.5, bày tỏ: “Sở GD-ĐT cần phối hợp với Nhạc viện và Hội Âm nhạc TP.HCM tổ chức những đợt tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên âm nhạc, nhất là về kiến thức chuyên môn âm nhạc dân tộc để các giáo viên có nguyện vọng đăng ký tham gia”. Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Sỹ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lương Văn Can, cho rằng để thực hiện hiệu quả đề án cần phải gắn với đặc điểm từng địa phương. “Q.8 là cái nôi của đờn ca tài tử, thậm chí người dân bình thường cũng có thể ca được. Nhiều nghệ sĩ đờn ca tài tử cũng sinh sống ở khu vực này. Nếu kết hợp được lợi thế này để giáo dục âm nhạc dân tộc cho học sinh khu vực Q.8 thì rất hiệu quả”.
Ghi nhận các ý kiến đóng góp, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết sở sẽ tiếp tục tiếp nhận các ý kiến đóng góp để dự thảo hoàn thiện hơn, sau đó mới trình UBND TP. Khi được phê duyệt, UBND TP sẽ có văn bản yêu cầu sự phối hợp của các ban ngành để cùng chung tay thực hiện đề án này.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Bình luận (0)