Tình huống: Một học sinh (HS) viết thư cho hiệu trưởng phản ánh việc một nữ giáo viên (GV) bộ môn hóa (em nêu tên GV và lớp trong thư) không tiến hành các thí nghiệm của bài học cho HS xem mà chỉ dạy lý thuyết chay. Bên cạnh đó em còn đề cập chuyện cô thường xuyên đem khay hóa chất với nhiều hóa chất và dụng cụ lên lớp nhưng chỉ để trên bàn GV chứ không sử dụng; em tha thiết đề nghị hiệu trưởng có biện pháp giúp em và các bạn trong lớp mình được học môn hóa với đầy đủ các thí nghiệm để các em hiểu bài hơn.
Học sinh THCS đang thực hiện thí nghiệm trong môn hóa học (ảnh minh họa). Ảnh: N.Quang |
Giải quyết tình huống
Để xử lý tình huống trên, hiệu trưởng cần nắm rõ: Thứ nhất, nhiệm vụ của GV quy định trong điều lệ trường THCS, quy chế chuyên môn các môn khoa học tự nhiên, đặc biệt là lý và hóa cần có các thí nghiệm (do GV tiến hành và HS thực hiện). Theo đó, GV cần tuân thủ quy chế này, và làm đầy đủ các thí nghiệm, cũng như phải hướng dẫn HS làm các thí nghiệm như yêu cầu của chương trình học. Thứ hai, quy định trong việc GV mượn, sử dụng đồ dùng dạy học. Thứ ba, quyền của HS trong điều lệ trường THCS, đó là được bình đẳng trong việc hưởng thụ giáo dục toàn diện, được bảo đảm những điều kiện về thời gian, cơ sở vật chất, vệ sinh, an toàn để học tập ở lớp và tự học ở nhà, được cung cấp thông tin về việc học tập của mình, được sử dụng trang thiết bị, phương tiện phục vụ các hoạt động học tập, văn hóa, thể theo của nhà trường theo quy định.
Nếu sự việc do HS phản ánh là đúng thì người GV trên đã vi phạm quy chế chuyên môn và cần phải bị xử lý, chấn chỉnh và hiệu trưởng là người có trách nhiệm giải quyết sự việc để đảm bảo quyền lợi của các em. Việc nắm rõ các quy định trên giúp hiệu trưởng có cách nhận xét, đánh giá mức độ nghiêm trọng của sự việc nhằm có hướng giải quyết đúng đắn. Điều này thể hiện tính chính trị, tính khoa học trong quản lý: giải quyết sự việc dựa trên các quy chế, quy định.
Hiệu trưởng đã không vội vàng kết luận mà đã có cuộc trao đổi với người GV trên; động viên, thuyết phục, thu thập thêm thông tin, đánh giá xem sự việc có đúng như lời HS trình bày. Và để xác minh sự việc, hiệu trưởng yêu cầu tổ trưởng chuyên môn, nhóm trưởng nhóm hóa cùng mình dự giờ đột xuất một tiết dạy có yêu cầu làm thí nghiệm của GV trên để đánh giá về phương pháp giảng dạy sử dụng thí nghiệm của GV và năng lực của HS trong thực hành các thao tác thí nghiệm cơ bản (vì các thao tác này phải hình thành trong một thời gian chứ không tự nhiên mà có; nên qua cách HS làm thí nghiệm có thể đánh giá được GV có làm và hướng dẫn thao tác cho các em hay không).
Nếu xác minh sự việc phản ánh là đúng, hiệu trưởng sẽ thông báo trực tiếp với GV, tạm thời không đem sự việc này ra trước tổ và tập thể hội đồng sư phạm; nhưng nếu tái phạm sẽ xử lý đúng quy chế ngành. Bên cạnh đó, để xác minh sự tiến bộ của GV trên và để đánh giá lại chất lượng giờ dạy của cô, phó hiệu trưởng chuyên môn và tổ trưởng sẽ có kế hoạch dự giờ đột xuất lớp cô dạy trong năm học này.
Tính nghệ thuật trong xử lý của hiệu trưởng là giúp bảo vệ uy tín cho GV, vừa thuyết phục, giúp bản thân họ nhận ra sai sót, có cơ hội thay đổi, sửa chữa, tránh sự ức chế tâm lý. Tuy nhiên trong cách xử lý cũng đã có sự cảnh cáo làm cho GV ý thức được mức độ quan trọng của sự việc mà không vi phạm nữa. Về phía HS, lựa chọn lớp dự giờ không phải là lớp của em cũng tránh làm HS có tâm lý lo lắng vì bị yêu cầu xác minh sự việc về GV đứng lớp, và cũng tránh cho các em tâm lý có thể thoải mái phản ánh về GV (ngay cả về những sự việc không đúng).
Phân tích
Theo tôi, cách giải quyết của hiệu trưởng như trên là hợp tình, hợp lý, vừa đảm bảo tính khoa học và mang tính nghệ thuật cao. Qua đó, ta thấy hiện rõ chân dung người hiệu trưởng với năng lực quản lý vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu, trung thực, biết giúp GV nhận ra khuyết điểm và sửa sai để tiến bộ hơn.
Như chúng ta biết, không có một mô hình quản lý nào là vạn năng, chính xác, hiệu quả nhất. Người quản lý cần khéo léo kết hợp các mô hình đó lại, hình thành cho bản thân một phong cách quản lý uyển chuyển và linh hoạt. Đó là sự thể hiện tính khoa học và nghệ thuật trong quản lý. Đây là bài học mà mỗi nhà quản lý luôn phải tâm niệm, ghi nhớ để công tác quản lý của mình luôn đạt đến hiệu quả cao nhất.
Nguyễn Thị Ngọc Linh – Đức Nhuận
Bình luận (0)