Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Khuyết tật nhưng không khuyết tài

Tạp Chí Giáo Dục

Cô Huỳnh Huệ Liên miệt mài bên khung thêu hoa với nhiều màu sắc tinh xảo

Mặc dù khuyết tật ngay từ nhỏ nhưng cô Huỳnh Huệ Liên (58 tuổi) vẫn vươn lên trong cuộc sống và mở ra cơ sở tranh thêu tay Dorcas để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh cùng cảnh ngộ.

Khao khát một công việc ổn định

Khi tìm đến cơ sở tranh thêu Dorcas của cô Liên ở địa chỉ lô P.Số 16 CX Vĩnh Hội, đường Nguyễn Hữu Hào, phường 6, quận 4, TP.HCM, chúng tôi thật sự bất ngờ, bởi không gian tuy hẹp nhưng được trưng bày nhiều bức tranh thêu đa dạng về mẫu mã cho đến màu sắc. Dù bị khiếm khuyết đôi chân từ lúc 1 tuổi nhưng cô luôn ước mơ có một công việc ổn định để tự nuôi sống bản thân không phải làm gánh nặng cho gia đình. Vì thế, năm 15 tuổi cô bắt đầu học nghề thêu từ một người hàng xóm, sau này cô tiếp tục học nâng cao ở quận 1. Việc học đối với một người khuyết tật như cô thật sự hết sức khó khăn, học ngày 2 buổi, đi lại cũng khó khăn nên cô xin cô giáo ở lại trưa và dỡ cơm hoặc xôi theo ăn rồi học đến chiều, để không phải cực cho ba mẹ đưa đón. Vì là trường hợp đặc biệt nên cô được cô giáo rất yêu thương, hướng dẫn tận tình giúp cô thêm nghị lực, cố gắng thêu ngày càng đẹp. Sau khi học nghề xong, cô bắt đầu đi xin việc làm ở nhiều cơ sở thêu nhưng người ta không nhận mặc dù chưa thử tay nghề.

Trời không phụ lòng người

Không nản lòng, cô quay về xin nhận hàng từ các tiệm may để thêu, rồi được nhận vào thêu ở shop gần nhà. Bước đầu thêu áo dài sau đó, cô học thêm thêu tranh, tay nghề cô càng nâng cao, lúc đó nghề thêu tranh cũng đang phát triển mạnh kết hợp nhu cầu người dùng ngày càng nhiều nên cô tập trung các chị em nội trợ gần nhà không có việc làm, chỉ ở nhà nấu cơm dọn dẹp nhà cửa, trông con đến cô dạy thêu miễn phí. Thế là vào năm 2006, cơ sở tranh thêu nghệ thuật Dorcas ra đời với mong muốn tạo công ăn việc làm cho nhiều người cùng hoàn cảnh như cô. “Người đầu tiên tôi dạy trên tay cầm được tháng lương rồi khóc, tôi hỏi sao vậy, thì chị ấy bảo từ khi em lấy chồng tới giờ, đây là đồng tiền đầu tiên mà em kiếm được cho chồng em khỏi nói, em để dành tiền đó để đóng tiền học cho con em”, cô Liên nhớ lại.

Nhờ sự khéo léo của mình với từng đường kim mũi chỉ hết sức uyển chuyển sống động như thật, theo thời gian cơ sở tranh thêu của cô Liên được nhiều người biết tìm đến đặt hàng. Ngoài ra, còn thu hút nhiều bạn trẻ đủ mọi lứa tuổi đến tìm học nghề và được cô dạy miễn phí. Từ lúc thành lập cơ sở đến nay đã có vài chục học viên đến học thêu, người thì đã ra nghề và tiếp tục làm thợ cho cơ sở, người thì chuyển qua nhiều công việc khác. Cô Liên cho biết: “Tranh thêu tại cơ sở dao động từ vài trăm đến vài triệu tùy bức tranh lớn hay nhỏ, để có bức tranh đẹp đòi hỏi người thêu phải tỉ mỉ, kiên nhẫn và quan trọng là có sự đam mê và óc sáng tạo”.

Ngoài việc ngồi ở nhà thêu và dạy nghề miễn phí cho các học viên tìm đến học, cô còn tham gia nhiều hoạt động xã hội ở nhiều CLB như CLB Hướng nghiệp người khuyết tật, CLB Khuyết tật trẻ Trung tâm Khuyết tật và Phát triển  DRD, rồi dạy học miễn phí mỗi dịp hè đến ở phường 6, quận 4, và được phường tặng nhiều bằng khen.

Bài, ảnh: Huyền Trân

Bình luận (0)