Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Né lịch sử, chọn địa lý

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh lớp 12 Trường THPT Thị trấn Thới Lai trong giờ học môn toán. Ảnh: Đan Phượng

Đến thời điểm này, tại nhiều tỉnh/thành, hầu như học sinh lớp 12 đã hoàn tất việc đăng ký môn thi tự chọn trong kỳ thi THPT quốc gia 2016.

Theo ghi nhận của Giáo dục TP.HCM, năm nay môn địa đã “truất ngôi” môn sử khi được học sinh chọn thi với tỷ lệ rất cao.

Hòa Bình: 80% học sinh đăng ký môn địa

Năm 2015, số lượng học sinh của tỉnh Hòa Bình chọn thi môn sử chiếm tỷ lệ lớn. Nhưng năm 2016, tỷ lệ này đã bị môn địa “truất ngôi”. Đại diện Sở GD-ĐT Hòa Bình cho biết, năm 2016, tỉnh có 8.049 học sinh lớp 12. Trong số này có 5.558 em thi THPT chỉ để xét tốt nghiệp (chiếm 69%); 31% còn lại thi THPT để vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển ĐH, CĐ. Vị đại diện này cho biết thêm, trong tổng số 8.049 học sinh, có 14% lựa chọn môn lý; 15% chọn môn hóa; môn sinh là 9,5%; môn sử là 14% và môn địa chiếm 80%.

Lý giải sự lựa chọn này của học sinh, đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình cho rằng các em chọn địa vì môn này vừa là môn tự nhiên, cũng vừa là môn xã hội. Chính vì vậy sẽ dễ “ăn điểm” hơn.

Đà Nẵng: Môn sử có tỷ lệ chọn rất thấp

Tại Lào Cai, một lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết, tỉnh đang cho học sinh lớp 12 đăng ký các môn thi. Số lượng học sinh đăng ký môn thi như thế nào chỉ có thể xác định vào phút chót vì các em còn thay đổi nguyện vọng dự thi. Bởi năm 2015, khi cho học sinh đăng ký thử, số lượng học sinh dự thi THPT để xét tuyển ĐH, CĐ cao hơn số lượng chỉ xét tốt nghiệp THPT. Nhưng khi thi thật thì con số thực tế ngược lại.

N.H

Tính đến thời điểm hiện tại, theo thống kê sơ bộ tại một số trường THPT trên địa bàn Đà Nẵng, ngoài 3 môn bắt buộc là toán, văn và ngoại ngữ thì tỷ lệ học sinh đăng ký thi các môn tự chọn có sự chênh lệch tương đối lớn. Trong đó các môn lý, hóa, sinh có tỷ lệ chọn tương đối cao; môn địa được chọn cao nhất và môn sử có tỷ lệ chọn rất thấp. Đơn cử như Trường THPT Phạm Phú Thứ, tỷ lệ chọn môn của học sinh như sau: lý 14,6%; hóa 21,5%; sinh 17,4%; địa 45,2%; sử 1%. Trong khi đó tại Trường THPT Tôn Thất Tùng, có 278/409 học sinh chọn môn địa, còn môn sử chỉ có 12/409 em chọn. Tương tự, ở Trường THPT Trần Phú, trong tổng số 756 học sinh có 330 em đăng ký thi môn lý; 249 em đăng ký thi môn hóa; 51 em đăng ký thi môn sinh; 201 em đăng ký thi môn địa và 15 em đăng ký thi môn sử.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hảo (Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Phú Thứ), việc có sự chênh lệch lớn trong chọn môn thi là do tâm lý học sinh ngại học bài có nhiều sự kiện, số liệu ghi nhớ như môn sử, đa phần các em chọn môn địa trong phần tự chọn vì môn học này có thể mang Atlat vào phòng thi. Bởi nhìn vào các bản đồ, biểu đồ, đồ thị trong Atlat thì có thể dễ dàng phân tích hơn là môn sử. Mặt khác, những năm gần đây, có sự chênh lệch trong nhu cầu việc làm giữa các ngành học, khối C ngày càng rơi vào tình trạng ít người lựa chọn do sinh viên học xong ra trường không xin được việc làm.       

Ông Nguyễn Đình Vĩnh (Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng) cho biết từ ngày 1 đến hết ngày 30-4, sở phát hành và thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) của học sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2016. Theo đó, học sinh đang học lớp 12 thì nộp hồ sơ ĐKDT tại trường đang học. Đối với học sinh đã hoàn thành chương trình lớp 12 nhưng chưa tốt nghiệp THPT trong các năm học trước thì nộp hồ sơ ĐKDT tại trường THPT và trung tâm GDTX đã theo học lớp 12 trước đây. Ngoài ra, với học sinh đã tốt nghiệp THPT đăng ký thi để xét tuyển sinh ĐH, CĐ (kể cả thí sinh ngoài tỉnh) và thí sinh ngoài tỉnh chưa tốt nghiệp THPT có nhu cầu đăng ký thi THPT quốc gia 2016 thì nộp hồ sơ ĐKDT tại Trung tâm GDTX TP.Đà Nẵng.

Cần Thơ: Chọn địa vì có Atlat hỗ trợ

Năm học này Trường THPT Thị trấn Thới Lai có 342 học sinh lớp 12, trong đó 147 em đăng ký thi THPT để xét tuyển vào ĐH, CĐ; 195 em đăng ký thi để xét tốt nghiệp THPT. Với môn tự chọn, dẫn đầu là môn địa (241 em), kế là môn lý (59 em), môn hóa (22 em), môn sinh (17 em), môn sử (3 em). Ông Đồng Văn Khuyên (Phó Hiệu trưởng nhà trường) cho biết sau nhiều lần học sinh thay đổi môn tự chọn, kết quả này có thể xem như khá chắc chắn. Trước đó nhà trường đã tư vấn hướng nghiệp và tư vấn môn thi tự chọn cho học sinh lớp 12 căn cứ vào thế mạnh của bản thân. Ông Khuyên nhận định: “Năm nay tỷ lệ học sinh của trường đăng ký thi để xét tốt nghiệp THPT cao hơn năm rồi nên các em chọn môn địa. Môn này nếu chịu học rất dễ lấy điểm cao, chắc chắn không có điểm liệt. Ngoài ra môn địa cũng nằm trong tổ hợp môn xét tuyển khá nhiều ngành của nhiều trường ĐH, CĐ nên càng thu hút học sinh. Những em không đăng ký môn địa là do chọn những ngành thuộc khối A và B. Trường chỉ có 3 học sinh chọn môn sử vì các em đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ nhóm ngành khối C. Những học sinh thi các khối khác, hoặc thi để xét tốt nghiệp đều không dám chọn môn sử”.

Nhiều trường “trắng” môn sử

Năm nay, Hà Nội có 23% học sinh đăng ký thi THPT quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp và 77% vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển ĐH, CĐ. Trong tổng số trên 66.000 học sinh thi THPT quốc gia năm nay, có 10% lựa chọn thi môn sử để xét tốt nghiệp hoặc xét tuyển ĐH, CĐ. Tuy nhiên, nhiều trường không có học sinh nào chọn môn sử như THPT Nguyễn Văn Cừ, THPT Tây Đô… Còn tại Trường THPT Lương Thế Vinh, không có học sinh nào đăng ký thi môn sử để xét tốt nghiệp, chỉ có một em đăng ký thi để xét tuyển ĐH, CĐ. Khá hơn là Trường THPT Phan Huy Chú. Bà Nguyễn Thị Nhiếp (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết trong tổng số hơn 370 học sinh lớp 12 của trường thì có 50 em chọn thi môn sử. Tương tự, trong số 292 học sinh lớp 12 của Trường THPT Nguyễn Tất Thành, có 11 em chọn thi môn sử. Bà Nguyễn Thị Thu Anh (Hiệu trưởng nhà trường) băn khoăn: “Trong quá trình học, học sinh rất thích môn sử, nhất là những chuyên đề được học theo phương pháp trải nghiệm sáng tạo. Tuy nhiên, khi lựa chọn để thi thì các em lại không chọn môn sử”.

N.Huê

Trong khi đó Trường THPT Trần Ngọc Hoằng có 89 học sinh lớp 12 thì có 44 em chọn thi môn địa, kế là môn sinh (25 em), môn hóa (24 em), môn lý (19 em), môn sử (18 em). Ông Nguyễn Văn Trí (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết trường đã tư vấn và định hướng cho học sinh trong việc chọn ngành nghề và xác định các môn tự chọn trên cơ sở môn dễ học, dễ làm bài và phù hợp khối thi. Ông Trí xác định: “Dù đến ngày 30-4 mới chốt môn thi nhưng kết quả này gần như chắc chắn. Hiện các em học sinh đang tập trung ôn tập những môn bắt buộc và môn tự chọn”.

Năm nay TP.Cần Thơ có 7.608 học sinh lớp 12, trong đó 4.512 em đăng ký thi để xét tuyển vào ĐH, CĐ (tỷ lệ 59,31%) và 3.096 em đăng ký thi để xét tốt nghiệp (tỷ lệ 40,69%). Theo số liệu, ngoài 3 môn thi bắt buộc là toán, văn và ngoại ngữ, trong các môn tự chọn, môn địa dẫn đầu với 3.529 em đăng ký; kế là môn lý (2.627 em), môn hóa (1.913 em), môn sinh (1.189 em), môn sử (630 em). Nhìn chung, học sinh ở Cần Thơ chỉ chọn 4 hoặc 5 môn thi để tập trung ôn tập kỹ hơn. Ông Võ Minh Lợi (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ) nói: “Rất nhiều học sinh cho biết môn địa dễ học dễ nhớ, khi làm bài có Atlat địa lý hỗ trợ, dễ đạt điểm cao nên các em chọn thi, nhất là những em thi với mục đích xét tốt nghiệp THPT. Tôi nghĩ trong tháng 4 này sẽ có một số học sinh đăng ký thi để xét tuyển ĐH, CĐ thay đổi môn tự chọn do các em thay đổi ngành nghề để phù hợp hơn với năng lực và điều kiện học tập”.

N.Huê – V.Yên – Đ.Phượng

Bình luận (0)