Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Không đầu hàng số phận

Tạp Chí Giáo Dục

Em Trần Trí Thức đang viết 

Không mấy khó khăn khi chúng tôi tìm đến nhà em học sinh tật nguyền nhưng không đầu hàng số phận nghiệt ngã của mình. Em tên Trần Trí Thức, học sinh lớp 9A1 Trường THCS Thị trấn Kế Sách (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng), một học sinh luôn được người dân địa phương, thầy cô và bạn bè trong trường rất khâm phục về ý chí vượt khó, tinh thần lạc quan trước nghịch cảnh không may mắn. Thức kể: “Lúc mới tập viết rất khổ sở và khó khăn, nhiều lần em định bỏ học vì tủi thân nhưng được cha mẹ động viên, em cố gắng rèn luyện và đã vượt qua”. Thầy Trương Hùng Hiếu, giáo viên chủ nhiệm lớp 9A1, xúc động nói: “Dù khiếm khuyết đôi tay, nhưng Thức tham gia đầy đủ các phong trào văn – thể – mỹ; sống hòa đồng, hăng say lao động; học giỏi đều tất cả các môn nên được bạn bè nể phục, quý mến, học tập, làm theo…”.

Lúc mới sinh, Thức đã có đôi tay “dị thường” – không có các ngón tay như bao đứa trẻ khác. Vượt qua bao lời dị nghị, mẹ em – vốn là giáo viên – đã hết sức yêu thương, chăm sóc để bù đắp nỗi bất hạnh cho con mình. Cái tên Trần Trí Thức cũng xuất phát từ niềm tin ấy.

Do bị dị tật đôi tay nên mọi sinh hoạt, đi lại, học tập của Thức gặp muôn vàn khó khăn, nhất là việc cầm viết, phấn, sử dụng các thiết bị học tập, thí nghiệm…; nhưng bằng nghị lực phi thường, em đã vượt qua bất hạnh trở thành học sinh giỏi liên tục. Trong đó hai môn vật lý và toán, em luôn đạt số điểm tuyệt đối. Năm học 2013-2014, Thức đạt giải 2 môn vật lý trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh; năm học này em vừa đạt giải 2 kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện môn vật lý và đang chuẩn bị thi vòng tỉnh.

Thức chia sẻ rằng, em không bi quan với bất hạnh của mình mà ngược lại vẫn lạc quan, yêu đời, ra sức học tập tốt để không phụ lòng cha mẹ, thầy cô. “Em nghĩ có nhiều người khiếm khuyết hơn em nhưng họ đã biết vượt qua nghịch cảnh làm nên nhiều chuyện thần kỳ, họ làm được thì em cũng làm được thôi”, Thức nói.

Thầy Hiếu cho biết thêm: “Thức vẽ và viết chữ rất đẹp, em còn tự đi xe đạp từ nhà đến trường, luôn nhận việc khó của lớp. Đặc biệt nhất em có khả năng “kèm cặp” các bạn học yếu rất hiệu quả”. Có một câu chuyện rất cảm động và thú vị khi Thức tham gia thi môn công nghệ, trong đó có việc tự xỏ chỉ qua lỗ kim để khâu vá. Với đôi tay khiếm khuyết nhưng em đã làm cả trường ngạc nhiên khi một mình thực hiện bài thi rất xuất sắc mà không cần sự trợ giúp nào.

Ngoài giờ đến trường, Thức còn là người con hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Em luôn sắp xếp thời gian học tập thật khoa học để phụ giúp việc nhà rất siêng năng, gọn ghẽ. Thức ao ước: “Em sẽ cố gắng học thật giỏi để có việc làm phù hợp với sức khỏe và niềm đam mê của mình. Em cũng mong nhiều bạn không may do dị tật không nên bi quan mà hãy tự đứng lên, cuộc đời này vẫn chờ đón tất cả mọi người”.

Tấm gương cậu học trò nhỏ vùng quê Kế Sách thật cao đẹp và đáng trân trọng vô cùng.

Bài, ảnh: Thanh Liêm

Bình luận (0)

Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Không đầu hàng số phận!

Tạp Chí Giáo Dục

Chị Kim đang thái rau phụ mẹ bán quán cháo vịt. Ảnh: L.C

Năm lên 3 tuổi, cơn sốt bại liệt đã cướp đi đôi chân khỏe mạnh của Lê Bá Kim. Từ đó, nhìn bạn bè cùng trang lứa cắp sách đến trường, tung tăng chạy nhảy mà lòng Kim đau buốt…
Là con út trong một gia đình khá giả của huyện Trảng Bàng, Tây Ninh, chính căn bệnh quái ác của Kim khiến gia đình trở nên kiệt quệ, bao nhiêu tiền cũng đã “đội nón” ra đi, kể cả việc bán nhà.
Năm 1993, ba mẹ Kim phải xuống Sài Gòn kiếm sống, chỉ còn lại ba anh em ở quê tự chăm sóc đùm bọc lẫn nhau.
Khó khăn đã đẩy gia đình Kim vào cảnh tưởng chừng bế tắc, nhưng ba mẹ Kim quyết tâm không để các con thôi học. Nhưng rồi, gánh nặng gạo tiền ngày càng đè lên đôi vai, ba mẹ Kim đành nén lòng để đứa con gái út tật nguyền nghỉ học ở nhà, để hai người anh của Kim học tới nơi tới chốn. Trong khoảng thời gian đó, Kim thui thủi một mình trong không gian chật chội, buồn tẻ.
Nhìn thấy Kim như vậy, người mẹ quá đau lòng nên quyết định ở nhà vừa buôn bán vừa cho Kim thực hiện lại ước mơ đến trường.
Dù vào học lớp 4 muộn mất một năm, nhưng Kim đã không phụ lòng ba mẹ, thầy cô, liên tiếp nhiều năm là học sinh giỏi. Đồng cảm với hoàn cảnh và nghị lực vượt khó của Kim, nhiều cơ quan báo chí, tổ chức xã hội đã hỗ trợ xe lăn, tặng quà, tiền để hun đúc cho khát khao, hoài bão của cô học trò có hoàn cảnh nghèo mà giàu nghị lực.
Hiện, gia đình Kim đã xuống TP.HCM sinh sống. Ngoài giờ đi học, Kim còn phụ giúp hàng cháo vịt của mẹ. Cô Thanh – mẹ Kim cho biết: “Nhờ trời, quán cháo vịt được khách ủng hộ nên cuộc sống cũng đắp đổi qua ngày, nhưng số tiền 16 triệu vay ngân hàng cho Kim ăn học thì không biết bao giờ mới trả được”.
Giờ đây, cô nữ sinh tật nguyền đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức chuyên ngành đồ họa. Kim đang tìm kiếm một công việc ổn định, phù hợp với điều kiện của một người khuyết tật để báo hiếu cho ba mẹ.
Tấm bạt nilon được dựng tạm trên vỉa hè trước căn nhà số 7 đường Lê Thước để bán cháo vịt vào mỗi buổi chiều cũng bấp bênh như chính căn nhà mà gia đình Kim đang thuê ở quận 2, không biết khi nào thì sẽ bị đuổi đi. Tuy nhiên, Kim cười lạc quan: “Mấy ngày gần đây, quán cháo vịt rất đông khách, mình thấy vui lắm”.
Công Luận