Chợ tranh Tết đương đại Việt Nam lần thứ hai – Tết Art 2016 đang diễn ra tại số 1 – Lương Yên, Hà Nội đến ngày 31-1.
Họa sĩ Đức Phạm và tác phẩm bodypainting tại Tết Art 2016 |
Chuyên nghiệp và chất lượng là hai từ được nhắc đến nhiều nhất trong chợ tranh Tết năm nay. Gần 200 tác phẩm xuất sắc, mới nhất của hơn 100 nghệ sĩ hàng đầu Việt Nam và quốc tế đều “tìm” được vị trí riêng của mình trong một không gian rộng 800m2, tầng 5 tòa nhà Hanoi Creative City.
Ngoài các tác phẩm tranh chiếm số lượng chủ yếu, Tết Art còn quy tụ được các tác phẩm điêu khắc, gốm sứ, sắp đặt ấn tượng phục vụ đông đảo công chúng.
Tết Art 2016 có sự dịch chuyển về không gian và cách thức trưng bày. Thay vì cách thức cũ bày tác phẩm theo từng nhóm: nhóm họa sĩ, nhóm điêu khắc, nhóm sơn ta…, chợ Tết năm nay được bày theo hình thức đặt tác phẩm cá nhân cạnh nhau, riêng biệt nhưng vẫn tôn nhau lên.
Để đảm bảo chất lượng nghệ thuật các tác phẩm, một ban cố vấn nghệ thuật gồm những người có tên tuổi được thành lập như: họa sĩ Trần Huy Oánh – nguyên Phó tổng thư kí, chủ tịch Hội đồng nghệ thuật trung ương Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Trịnh Tuân, họa sĩ Lê Thiết Cương, tiến sĩ Phạm Long, bà Natasha Kraevskaia – vợ của cố họa sĩ Vũ Dân Tân, nhà sưu tầm tranh Nguyễn Minh.
Chính sự tuyển chọn kỹ lưỡng của ban cố vấn nghệ thuật nên khi đặt những tác phẩm của các cố họa sĩ bộ tứ “Nghiêm, Liên, Sáng, Phái” hay của lớp họa sĩ đổi mới như Thành Chương, Đặng Xuân Hòa, Đào Hải Phong… trong cùng không gian với các thế hệ họa sĩ trẻ 7x, 8x sau này, nhà phê bình hoặc người xem khó tính nhất cũng không thấy độ vênh quá lớn. Trái lại, sự phong phú, đa dạng các tác phẩm còn giúp người xem dễ dàng đối chiếu, so sánh sự khác biệt, cũng như thấy được sự chuyển dịch quan niệm thẩm mĩ của các thế hệ.
Sau lễ khai mạc, các hoạt động: trình diễn nghệ thuật của nghệ sĩ Trần Lương, tour tham quan tìm hiểu tác phẩm nghệ thuật, workshop thực hành in tranh khắc gỗ, chiếu phim nghệ thuật, nói chuyện nghệ thuật nối tiếp nhau cho đến hết ngày 31-1.
Bức tranh trong seri 3 bức cuối cùng của họa sĩ Vũ Tân Dân, lần đầu tiên được trưng bày tại Tết Art 2016 |
Họa sĩ Thành Chương chia sẻ rằng, không khí Tết Art 2016 gợi lại trong ông kỷ niệm của 30 năm trước, khi ông cùng họa sĩ Dương Đình Sang (Huế), họa sĩ Đỗ Hoàng Tường (Tp. Hồ Chí Minh), họa sĩ gốm Bảo Toàn, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Tuấn cùng tham gia tuần lễ văn hóa giới thiệu, chứng minh cho thế giới thấy sự đổi mới của Việt Nam tại Copenhagen, Đan Mạch.
“Còn gì mừng hơn đối với các anh em nghệ sĩ khi có một nơi chốn để gửi gắm các tác phẩm của mình, một không gian đã thấy và ước mơ 30 năm trước thì bây giờ gặp nó ở đây”, họa sĩ Thành Chương cho biết.
Họa sĩ Đào Hải Phong – một người thành công trong lĩnh vực hội họa cũng thừa nhận “đây là cuộc bày tranh chuyên nghiệp nhất từ trước đến nay ở Việt Nam, nó thể hiện sự tâm huyết của các bạn trẻ, sự trân trọng đối với công chúng”.
Họa sĩ Thành Chương tin tưởng giới nghệ sĩ ủng hộ Tết Art vì đây là hướng đi đúng, rất tốt cho sự phát triển nghệ thuật của đất nước. Ông cho rằng khi chuyển sang cơ chế thị trường thì nghệ thuật cũng không ngoại lệ.
Tư tưởng coi “cái gì là nghệ thuật mà bán được thì không phải là nghệ thuật” là một quan niệm hết sức sai lầm và cần phải thay đổi. Bởi vì “người họa sĩ vẽ bao giờ cũng vẽ hết mình để có tác phẩm tốt nhất. Họa sĩ nào cũng muốn tác phẩm của mình bán được để có tiền tiếp tục nuôi mình, tiếp tục nuôi nghệ thuật. Và người bỏ tiền ra mua tranh sẽ chọn cái nào đẹp, cái nào tốt để mua chứ không ai đi chọn cái xấu cả”, họa sĩ Thành Chương lý giải.
Họa sĩ Trịnh Minh Tiến – một trong hai người sáng lập Tết Art cho biết anh “mong muốn câu chuyện nghệ thuật, mỹ thuật VN đi xa hơn, phát triển lành mạnh, trong sáng và bền vững hơn”.
HẢI AN/TTO
Bình luận (0)