Thầy Hoàng Sĩ Đăng trong tiết dạy giáo dục giới tính cho học sinh khối 10
Đây là hoạt động vừa được Tổ sinh học và Tổ kỹ năng sống Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM) phối hợp tổ chức cho học sinh khối 10. Trước đó, xuyên suốt năm học, hoạt động ý nghĩa này cũng đã được triển khai đến các khối khác. Trung bình mỗi học sinh được học 3 tiết giáo dục giới tính/năm. “Xoay quanh các chủ đề về giới tính, với cách tiếp cận gần gũi, sinh động, trực quan, học sinh sẽ hiểu hơn về giới tính, có những hiểu biết về sức khỏe sinh sản vị thành niên và cách nhìn của xã hội đối với những vấn đề này. Khi các em biết thì sẽ có cách hành xử đúng với lứa tuổi học đường, không vì sự tò mò về giới mà tìm đến những thông tin xấu, độc”, thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng nhà trường) chia sẻ. Không chỉ là hiểu biết, thầy Phú cho hay, giáo dục về giới tính cũng là một cách để hạn chế bạo lực học đường trong nhà trường. “Khi một học sinh thiếu những kiến thức về giới tính thì có thể sẽ dẫn đến những hành động bạo lực với bạn bè, mâu thuẫn tình cảm, có thể chỉ là bạo lực về tinh thần, lời nói. Sự tò mò không đúng lứa tuổi là tiềm ẩn của bạo lực học đường”, thầy Phú nói.
Là người trực tiếp đứng lớp trong các tiết học về giới tính, thầy Hoàng Sĩ Đăng (giáo viên tư vấn tâm lý của trường) cho biết điều khó nhất là phải thiết kế các tiết học phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi. Tùy từng khối lớp, cách tiếp cận những kiến thức về giới tính sẽ khác nhau. “Học sinh rất hứng thú khi học kiến thức về giới. Sau các tiết học, trang Facebook của tôi thường nhận rất nhiều tin nhắn của học sinh bày tỏ về chuyện tình cảm, những vướng mắc tìm cách giải quyết. Đây là tín hiệu rất lạc quan bởi từ việc nhà trường định hướng đúng đắn trong giáo dục giới tính đã tạo ra sự cởi mở, tin tưởng của học sinh, hướng các em đến những giải pháp an toàn”, thầy Đăng nói.
Theo thầy Đăng, điều cốt lõi nhất trong giáo dục giới tính cho học sinh hiện nay là cần làm rõ hơn thước đo về giới tính – câu chuyện không còn thuộc về sinh học mà phụ thuộc vào yếu tố tâm lý, xã hội. Từ việc hiểu biết đúng đắn các em sẽ nhận thức về giới tính của bản thân, coi trọng giới tính của người khác. “Thay vì cấm đoán, trong xã hội ngày nay, từ nhà trường, gia đình cần phải vẽ một con đường đúng đắn để cho… hươu chạy. Làm sao để học sinh biết bảo vệ mình và nhất là cởi mở, thẳng thắn tìm đến giáo viên tư vấn tâm lý”, thầy Đăng nhấn mạnh.
Tin, ảnh: Q.Long
Bình luận (0)