Chỉ còn hơn 20 ngày nữa là tới Tết Bính Thân 2016, trong suy nghĩ của người lao động (NLĐ) tại các KCN-CX Hà Nội, họ đều mong đón tết trong không khí vui vẻ, đầm ấm, hạnh phúc bên gia đình. Và để đạt được mong ước, họ hối hả “lao đầu” vào công việc, tăng ca, làm việc kín tuần…
Biết độc hại nhưng phải gắng làm
20h ngày 13.1, thôn Bầu (Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) – nơi có nhiều CN KCN Thăng Long thuê trọ – vắng bóng người, phần vì lây phây mưa lạnh, phần vì NLĐ vẫn đang làm việc ở Cty chưa về. Tình cờ gặp trên đường vào thôn, anh Trương Duy Tình (24 tuổi, quê ở Quốc Oai, Hà Nội, làm việc tại Cty Denso, KCN Bắc Thăng Long) cho biết: “Cuối năm, Cty có đơn đặt hàng nhiều, CN chúng tôi phải làm tăng ca. Tuần qua, chúng tôi làm cả thứ bảy và chủ nhật. Công việc làm theo chuyền nên tôi phải đứng suốt ngày, mỏi chân, nhừ người… Vất vả là thế nhưng cứ nghĩ chỉ còn vài ba tuần nữa là được nghỉ tết, thu nhập tăng nên anh em CN chúng tôi lại có tinh thần làm việc”. May mắn hơn nhiều CN khác là dù LĐ vất vả nhưng anh Tình luôn có vợ con ở bên. “Có vợ con ở gần, ngoài giờ làm tại Cty, tôi về nhà trông con để vợ nấu cơm, ăn uống, nghỉ ngơi để rồi mai lại tiếp tục đi làm. Biết là làm thêm có thêm thu nhập nhưng tôi chỉ dám đăng ký làm tăng ca ở Cty bởi cũng không còn sức và thời gian để làm thêm việc bên ngoài”.
4 năm nay, cứ vào dịp áp Tết Nguyên đán là chị Nguyễn Hải Ly (sinh năm 1987, quê Hà Nội, CN Cty TNHH Hoya Việt Nam, KCN Bắc Thăng Long) lại gồng mình để tăng ca. Chị Ly chia sẻ: “Cũng như một số Cty khác trong KCN, dịp gần tết, nhiều hàng nên CN có nhiều việc, phải làm tăng ca. Do công việc tôi có tính chất độc hại, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, tuổi thọ cũng không được cao, nhưng vì cuộc sống mưu sinh, vì đồng tiền nên phải làm thôi. Bố mẹ bảo tôi nghỉ làm ở đây để xin công việc khác an toàn hơn, nhưng tôi cũng cố kiếm tiền cho dịp tết năm nay, còn sang năm sẽ tính chuyển việc khác”.
Chị Đoàn Hải Triều (21 tuổi, quê Nam Định, CN Cty TNHH may mặc dệt kim Smartshit) chia sẻ: “Cuối năm đơn hàng Cty nhận về nhiều. Ngày nào chúng tôi cũng tăng ca và một tuần chỉ được nghỉ mỗi chủ nhật. Nhiều khi CN chúng tôi mệt quá, về nhà chả kịp tắm rửa đã lăn ra ngủ đến sáng hôm sau. Nhưng vẫn cố gắng làm việc để có thu nhập nhiều hơn, tiêu tết cho thoải mái”.
Làm thêm cả bên ngoài
Tiếp xúc với nhiều CNLĐ, chúng tôi đều thấy mọi người ai nấy cũng hối hả, ngược xuôi, “chạy đua” với công việc, cả trong lẫn ngoài Cty. Những ngày cuối năm, để tìm gặp CN tại phòng trọ là cực khó. CN đi làm theo ca, rồi lại thêm giờ tại Cty, làm thêm ở ngoài… thế nên phòng trọ CN những ngày giáp tết luôn vắng vẻ, thiếu hơi ấm của con người. Anh Hoàng Văn Hợp (sinh năm 1994 ở Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội, CN tại Cty SWCC Showa Việt Nam, KCN Bắc Thăng Long) bộc bạch: “Những ngày đầu năm 2016, hoạt động sản xuất vẫn diễn ra bình thường, không có tình trạng tăng ca. Để có thêm thu nhập, những lúc hết ca tại Cty, tôi phải xin làm phục vụ tại nhà hàng, làm nhân viên trong siêu thị. Vừa để lấp thời gian rảnh, lại có thêm thu nhập để tết này sắm sửa nhiều hơn”.
Có những CN xác định phải gắng sức kiếm tiền để tiêu tết và dành dụm “tích cốc phòng cơ” và một phần vì yêu cầu của công việc, họ lựa chọn đăng ký làm thêm cả ngày tết để được hưởng mức lương gấp ba lần những ngày thường. Chị Ngô Thị Nhung (20 tuổi, quê Nam Định, CN Cty Samsung Electronic Thái Nguyên) ngậm ngùi: “Tôi làm ở Cty hai năm rồi. Tết Nguyên đán nào cũng thế, hàng ở Cty nhiều, CN phải ở lại làm thêm cả mùng 1, mùng 2 tết do NLĐ trong Cty không được nghỉ hết đồng loạt, chỉ có thể thay phiên nhau nghỉ thôi. Năm ngoái tôi nghỉ từ 30 tết, mùng 2 phải lên làm rồi. Năm nay tôi đăng ký đi làm từ mùng 2 tết…”.
Theo Lao Động
Bình luận (0)